Ôm ấp thú cưng, coi chừng nhiễm ấu trùng giun chó, mèo

Theo Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, năm 2023 nơi đây tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 15 nghìn người nhiễm giun đũa chó, mèo, nguyên nhân từ việc tiếp xúc, ăn uống, thậm chí hít trứng giun bám dính ở lông chó, mèo và ở môi trường sống.

Ngứa, gãi "nát người" vì giun đũa chó mèo

Sau nhiều năm trường kỳ đi khám, dùng nhiều loại thuốc bôi, uống khác nhau, chị N.T.P (Hà Nội) vẫn ngứa "điên người", nhiều vùng da ở bắp đùi, tay bị xước xát vì gãi. Tìm đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám, chị P cho biết: Tôi cũng qua đọc báo thấy có người cũng ngứa như mình, đến đây khám và điều trị mà khỏi dứt cơn ngứa. 3 năm nay, tôi đi khám da liễu nhiều nơi nhưng không hiệu quả. 

Tại bệnh viện, chị P được chỉ định xét nghiệm máu, kết quả cho thấy chị nhiễm giun đũa chó mèo. Chị P được bác sĩ cho dùng thuốc điều trị đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng và ngứa.

Ôm ấp thú cưng, coi chừng nhiễm ấu trùng giun chó, mèo

Việc nuôi, ôm ấp thú cưng chứa nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo (ảnh minh họa).

TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương cho biết, các ca bệnh nhiễm giun đũa chó mèo đang bùng nổ, đặc biệt là có nguyên nhân từ việc nuôi, ôm ấp thú cưng. Khi ôm, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo. Sau xâm nhập vào cơ thể người, trứng giun đũa chó mèo không thể phát triển thành giun mà ở dạng ấu trùng. Các ấu trùng này có thể di chuyển đi đến phổi, não, gan…, đặc biệt gây ngứa ở da.

Riêng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nơi chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng côn trùng, trong năm 2023 đã điều trị hơn 15 nghìn bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó, mèo. Ước tính cả nước có 30.000 người bị bệnh do nhiễm giun đũa chó, mèo tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Theo TS. BS Trần Huy Thọ, Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm và đã đi khám và điều trị một số bệnh viện chuyên khoa da liễu, miễn dịch lâm sàng nhưng bệnh không thuyên giảm.

Ấu trùng giun chó mèo có thể di chuyển ở mắt gây giảm thị lực, u hạt, viêm nội nhãn, tổn thương võng mạc, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào hoặc có thể gây mất thị lực hoàn toàn.

Ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Thể nội tạng gặp nhiều ở trẻ em dưới 7 tuổi. Các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng phụ thuộc vào số lượng và vị trí cơ quan bị ký sinh, thường gặp như đau bụng mãn tính, gan to, tiêu chảy, nôn; Hen phế quản: Khò khè, ho khan, khó thở...

Nguy hiểm hơn, ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh, gây các tổn thương thần kinh đau đầu, co giật...

Cần tẩy giun định kỳ cho thú cưng

Theo BS Thọ, giun đũa chó, mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó, mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể mèo, chó theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người.

Người nhiễm loại giun này có thể do ăn uống phải loại rau sống, nguồn nước có chứa trứng giun hoặc hít phải lông chó, mèo dính trứng giun một cách tình cờ. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.

"Hiện nay, nhiều người nuôi thú cưng, yêu mến nên chơi và ngủ cùng chúng. Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó, mèo, mọi người không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo, nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của vật nuôi. Đồng thời, nên tẩy giun định kỳ cho thú cưng để giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa từ vật nuôi sang người, vì chúng có nguy cơ nhiễm các bệnh ký sinh trùng rất cao", ông Cảnh khuyến cáo.

TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng T.Ư cho biết: Ngoài tỷ lệ người nhiễm giun đũa chó, mèo cao, có nhiều người nhiễm sán lá gan nhỏ, sán lớn, sán dây, giun lươn… từ thói quen ăn tái, gỏi.

Đặc biệt trong thời gian gần đây đã phát hiện người bệnh nhiễm giun rồng, vốn chỉ có ở các nước nghèo ở châu Phi. Đây là điều cần được báo động, bởi bệnh giun rồng hiện chưa có phương pháp chẩn đoán sớm và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân thường bị viêm dị ứng rất mạnh, tổn thương nóng, đỏ, đau tại nhiều vị trí. Cách điều trị duy nhất hiện nay đối với bệnh giun rồng, đó là lôi giun ra hoặc giun tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ và chảy nước vàng trên da.

 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Y tế 24h - 03/05/2024

Trẻ 6 tháng tuổi ngộ độc vitamin D, bác sĩ nhi khoa khuyến cáo liều dùng

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Y tế 24h - 03/05/2024

Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: 447 ca nhập viện, 2 ca rất nặng phải lọc máu

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Y tế 24h - 02/05/2024

Sức khỏe của 5 nạn nhân trong vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai đã ổn định

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Y tế 24h - 02/05/2024

Hạnh phúc vỡ òa của người mẹ mang gen lặn bệnh loạn dưỡng cơ

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Y tế 24h - 25/04/2024

Chỉ vì cái polyp nhỏ trong buồng tử cung mà gây ra vô sinh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới