Tăng bệnh nhân cao tuổi tai biến, viêm phổi nhập viện sau Tết
Nhiều bệnh lý mạn tính ở người già đột ngột trở nặng
Ngay sau Tết, bà Nguyễn Thị H. (64 tuổi ở Hưng Yên) được gia đình đưa đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám và được chỉ định nhập viện.
Trước đó, do tai biến mạch máu não, một nửa người bên phải của bà H bị liệt. Cũng như bà H, rất nhiều bệnh nhân cao tuổi khác đã phải nhập viện điều trị vì các bệnh lý tai biến mạch máu não, viêm phổi, các bệnh lý tim mạch...
Ông Phan Việt Sinh, Phó Giám đốc BV Lão khoa Trung ương cho biết, số lượng người cao tuổi đến khám và điều trị sau Tết tăng khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.
Nguyên nhân là do những ngày Tết, sự quản lý theo dõi, chăm sóc người bệnh cao tuổi của gia đình và chính người bệnh cũng bị lơ là, không thường xuyên, chặt chẽ như ngày thường.
Người bệnh cao tuổi tham gia nhiều hoạt động vui vẻ cùng con cháu, nghỉ ngơi không điều độ nên các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh lý tim mạch… dễ trở nặng đột ngột.
Còn theo BS. Đào Hồng Ngự, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, ngay sau Tết Nguyên đán, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện tăng. Riêng tại khoa, 63 giường bệnh của khoa đã kín bệnh nhân nằm, có 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập, trên 20% bệnh nhân phải thở ôxy.
Theo BS. Ngự, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như: người cao tuổi, người có bệnh nền, điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa.
Thời tiết thay đổi, làm gì để phòng tránh bệnh?
Theo BS. Ngự, trong điều kiện thời tiết hiện nay, người cao tuổi cần làm tốt các biện pháp cá nhân để dự phòng bệnh. Theo đó, bệnh nhân không hút thuốc, tránh tiếp xúc khói thuốc và môi trường nhiều khói bụi. Ngoài ra, giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang trong môi trường lạnh ẩm và ô nhiễm. Điều trị sớm và triệt để các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, đồng thời duy trì thuốc ổn định với các bệnh lý mạn tính.
Tập thể dục đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe là điều cần thiết, tuy nhiên, lưu ý không đi tập ngoài trời quá sớm, quá muộn.
BS. Ngự cũng lưu ý, người cao tuổi nên thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp gây bệnh. Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong chất bảo quản thực phẩm như hoa quả khô, bia rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
Đặc biệt, quan tâm việc tiêm vaccine phòng các bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả.
Để có sức khỏe tốt, các bác sĩ khuyến cáo những gia đình có người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hàng ngày, bổ sung vào bữa ăn các loại rau xanh, trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đến tình hình thời tiết, mặc trang phục phù hợp để không bị lạnh, dễ mắc các loại bệnh về hô hấp.
Mùa xuân cũng là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển, các vi sinh vật gây bệnh tăng do thời tiết nồm ẩm, gây nhiều bệnh phiền toái như: Bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm khí - phế quản cấp...), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thủy đậu, nên những người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp cần lưu ý.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ