Cảnh giác với đột quỵ, viêm phổi ở người già khi nắng nóng

Nắng nóng kéo dài ở nhiều khu vực trên cả nước khiến gia tăng bệnh nhân cao tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì đột quỵ và viêm phổi.
Các ca cấp cứu tại BV Lão khoa T.Ư gia tăng trong những ngày nắng nóng
Các ca cấp cứu tại BV Lão khoa T.Ư gia tăng trong những ngày nắng nóng

Tăng 150% bệnh nhân đột quỵ

Đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hàng tuần qua và chưa có dấu hiệu chấm dứt với nền nhiệt độ trên dưới 40 độ C khiến cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, nhất là người cao tuổi.

Ghi nhận tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư ngày 10/6, lượng bệnh nhân khá đông. Đặc biệt tại khoa Cấp cứu - Đột quỵ, lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao 150% so với những ngày trước đợt nắng nóng. Tại khoa này, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 30 - 40 ca cấp cứu, phần lớn nguyên nhân gây bệnh đều bắt nguồn từ nắng nóng.

Nằm điều trị tại khoa Cấp cứu - Đột quỵ, cụ ông Ngô Văn T. (71 tuổi, ở Hà Nội) được chẩn đoán xuất huyết não với tiên lượng nặng. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân vốn có tiền sử huyết áp cao, có uống thuốc đều đặn, nhưng mới đây (ngày 9/6), bệnh nhân đi ra ngoài đúng thời điểm nắng nóng đỉnh điểm trong ngày và khi về tới nhà xuất hiện đau đầu, các hoạt động chậm và lịm dần. Đến viện, bệnh nhân đã hôn mê, được chỉ định phải phẫu thuật để điều trị xuất huyết não.

Còn tại khu vực khám chữa bệnh, cụ N.T.B. (80 tuổi, Hà Nội) được chị T. (người giúp việc) đưa vào viện thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, đi không vững. Theo người giúp việc này, cụ B. vốn có bệnh nền là cao huyết áp và suy thận. “Mới tối qua, sau giờ cơm cụ vẫn bình thường. Vào phòng ngủ bật điều hòa được một lát, thì thấy cụ ú ớ gọi rồi yếu đi. Vội đo huyết áp cho cụ thì thấy vọt lên 180/200, tôi lập tức cho cụ uống thuốc hạ huyết áp, định gọi xe cấp cứu nhưng xoa bóp cho cụ một lúc thì thấy ổn hơn nên sáng sớm nay vội đưa cụ đi khám”, chị T. cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. BS. Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu - Đột quỵ, BV Lão khoa T.Ư cho biết: “Trong mấy ngày qua, người già bị đột quỵ, viêm phổi phải cấp cứu tăng cao, trong đó có nhiều ca phải thở máy”.

BS. Thắng cũng lưu ý, với những bệnh nhân đột quỵ, gia đình cần phát hiện sớm với các dấu hiệu ban đầu như: Bệnh nhân méo miệng nhẹ, nói ngọng, tê tay, chân, nửa người… Khi thấy những dấu hiệu trên, người nhà nên đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời, can thiệp trong khoảng thời gian vàng để đạt hiệu quả cao trong điều trị. Với nhồi máu não, khoảng thời gian vàng từ 4,5 (tiêm huyết thanh) - 6 giờ (can thiệp lấy máu đông). Còn với xuất huyết não thì càng đưa tới bệnh viện sớm càng tốt. Tỷ lệ tử vong do xuất huyết não cao nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên.

Nghịch lý giữa nắng nóng tăng bệnh nhân viêm phổi

BS. Thắng chia sẻ: “Nghe có vẻ là nghịch lý nhưng thực tế thời gian qua, khi giữa nắng nóng, tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm phổi nhập viện khá nhiều. Thậm chí nhiều ca bệnh đến khi đã rất nặng, phải can thiệp đường thở”.

Cũng tại khoa Cấp cứu - Đột quỵ có một nam bệnh nhân (75 tuổi) được điều trị 4 ngày nay, sức khỏe đang dần ổn định và được bỏ máy thở ngắt quãng. Bệnh nhân này vốn có tiền sử phổi mạn tính, có dùng thuốc thường xuyên. Tuy nhiên, mấy ngày nắng nóng cao điểm, gia đình bật điều hòa nên cụ nằm trong phòng 24/24h, sau đó xuất hiện ho, mệt mỏi, khó thở. Khi được đưa vào viện thì đặc đờm, viêm phổi, suy hô hấp, buộc phải mở máy bằng úp mặt nạ khí oxy…

Theo lý giải của BS. Thắng, viêm phổi xảy ra giữa mùa nắng nóng với người cao tuổi thường gặp ở 2 nhóm bệnh và nguyên nhân đều từ việc sử dụng điều hòa liên tục. Đó là nhóm các bệnh nhân cao tuổi đang chịu di chứng của tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, nằm một chỗ phụ thuộc vào người khác chăm sóc. Với nhóm này, trời nóng, gia đình bật điều hoà lạnh, nhưng do bệnh nhân mất khả năng tự phục vụ và ít được người thân quan tâm nên rất dễ nhiễm lạnh và dẫn đến viêm phổi. Khi nhập viện, thường cần thiệp mạnh về hô hấp, cho thở oxy và dùng máy hút đờm để duy trì sự sống. Nhóm viêm phổi thứ 2 thường rơi vào người vốn có bệnh nền phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi mãn tính. Khi dùng điều hòa không kiểm soát nên nhóm này cũng dễ dẫn đến viêm phổi.

Ông Thắng khuyến cáo, để phòng việc “lợi bất cập hại” khi dùng điều hòa trong mùa nắng nóng, các gia đình cần lưu tâm chỉ nên bật từ 26-28 độ. Riêng với nhóm bệnh nhân “nằm một chỗ” thì chỉ bật điều hòa ở 28 độ và thường xuyên có người ở nhà để kiểm tra thân nhiệt. Đặc biệt, người già khi nằm điều hòa nên chuẩn bị sẵn chăn mỏng để có thể đắp giữ ấm.

Vũ Anh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Y học thường thức - 19/03/2024

Gia tăng người già, trẻ nhỏ nhập viện vì thời tiết

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Y học thường thức - 10/03/2024

Nguy kịch tính mạng do điều trị basedow sai cách

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

Y học thường thức - 04/03/2024

Nổi mày đay có phải do suy giảm chức năng gan?

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Y học thường thức - 28/02/2024

9 điều cần nhớ khi người thân đột quỵ não

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Y học thường thức - 26/02/2024

Tránh biến chứng bàn chân ở người mắc tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới