Thay khớp, ghép xương nhân tạo bằng công nghệ mới
Nguyễn Văn Tiến (15 tuổi, Hà Nội) đến khám bệnh trong tình trạng cứng khớp gối trái, gãy nẹp đầu dưới xương đùi, chân sưng đau, không đi lại được.
Tiến bị ung thư xương, đã được điều trị hóa chất và cắt bỏ khối u sát khớp gối và ghép một đoạn xương đồng loại cách đây 2 năm. Nhưng sau phẫu thuật, phần xương nẹp không liền, gối không gập duỗi được khiến em đi lại khó khăn.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Khớp - Y học thể thao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, để triệt căn khối u của Tiến 2 năm trước, các bác sĩ đã cắt đến 15 cm xương đùi, chỉ giữ lại 2 lồi cầu. Đoạn xương thiếu hụt quá lớn, xương tự thân không thể đảm bảo cho việc ghép xương nên phải sử dụng xương đồng loại. Tuy nhiên, sau ca mổ, xương đồng loại không liền, gãy nẹp, phần lồi cầu còn lại quá ít, mất khả năng gấp duỗi gối, chiều dài hai chân chênh lệch đến 5 cm, chân trái vẹo trong nên không đi lại được. Lực dồn lên nẹp, mỗi khi bệnh nhân vận động khiến nẹp bị gãy gây biến dạng chân và rất đau đớn.
Ở những bệnh nhi tuổi thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển xương như Tiến, thách thức lớn nhất là tạo sự cân bằng chiều dài hai chân sau khi ghép xương. Tuy nhiên, xương đồng loại rất khó liền, thậm chí không liền, do đó tỷ lệ phục hồi sau phẫu thuật khá thấp.
Bác sĩ Trần Trung Dũng đánh giá, trường hợp của Tiến cần phẫu thuật tháo bỏ toàn bộ xương đồng loại cũ, hai lồi cầu đã hỏng, thay toàn bộ khớp gối và một phần ba xương đùi bằng xương làm từ kim loại titan. Kỹ thuật này tạo độ vững cho xương chân, phục hồi chức năng khớp gối, giảm chiều dài chênh lệch của hai chân xuống mức tối thiểu, giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn.
"Chúng tôi áp dụng công nghệ in 3D chế tạo phần xương nhân tạo, tạo hình chính xác tuyệt đối với cấu trúc của đoạn xương bị khuyết, nhờ đó phần xương được cấy ghép liên kết chặt chẽ, đảm bảo kỹ thuật phẫu thuật, khả năng chịu lực. Bên cạnh đó, vật liệu mới có khả năng hồi phục vận động lên đến 90% so với trước nên bệnh nhân có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường mà không cần dùng dụng cụ hỗ trợ", bác sĩ Dũng nói.
Sau cuộc phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối và một phần xương đùi bằng kim loại titan, biên độ cử động gối của Tiến có thể đạt đến 90 độ. Nhờ kết hợp tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, Tiến có thể đi lại bình thường mà không cần nạng hỗ trợ. Bảy ngày sau phẫu thuật, em khỏe mạnh và vừa xuất viện.
Trước đó, Phó giáo sư Trần Trung Dũng thực hiện ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi, khớp gối và khớp háng cho bệnh nhân ung thư xương Lê Thị Hòa (24 tuổi, Thanh Hóa).
Bệnh nhân có dấu hiệu di căn lên chỏm xương đùi sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư đầu dưới xương đùi trước đó. Hòa đứng trước nguy cơ sẽ phải tháo khớp háng, bỏ hẳn một chi nếu không có giải pháp tối ưu. Nếu chỉ thay khớp gối và một phần xương đùi như các ca phẫu thuật khớp gối và một phần xương đùi trước đây để giữ đôi chân lành lặn sẽ không thể triệt căn ung thư.
"Chúng tôi quyết định tháo bỏ toàn bộ xương đùi, thay toàn bộ khớp gối, khớp háng và xương đùi kim loại cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, bệnh nhân Hòa hiện tại có thể đi lại sinh hoạt bình thường trên đôi chân của chính mình", Phó giáo sư Trần Trung Dũng nhớ lại.
Theo bác sĩ Dũng, với một số thể ung thư xương tương đối lành tính, không phát hiện tính chất di căn xa, lại đáp ứng tốt với hóa chất và xạ trị, chỉ định cắt cụt chi rất đáng tiếc, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động chi thể, thẩm mỹ cũng như tâm lý của bệnh nhân. Vì thế, kỹ thuật thay khớp và ghép xương bằng vật liệu hiện đại như kim loại titan, peek... giúp bệnh nhân không phải cắt cụt chi, vận động gần như bình thường. Tuy nhiên, để thực hiện thành công kỹ thuật này, bên cạnh sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại, phẫu thuật viên cần am hiểu về giải phẫu và sinh lý, chức năng của khớp háng, khớp gối. Vì khi tháo bỏ toàn bộ xương, việc phục hồi dây chằng bám, gân cơ là yếu tố quyết định khả năng phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.
"Nếu tính toán không kỹ, sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị trật khớp háng, trật khớp gối, nhiễm trùng, chức năng vận động của khớp không hồi phục và vẫn phải dùng dụng cụ hỗ trợ mới đi lại được, thậm chí phải ngồi xe lăn", Phó giáo sư Dũng nói.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào tháng 7 cũng vừa thực hiện ca phẫu thuật thay khớp khuỷu tay toàn phần cho bệnh nhân Nguyễn Thị In (52 tuổi, Hải Dương).
Phó giáo sư Trần Trung Dũng đánh giá, với trường hợp dính cứng khớp khuỷu, trước đây phẫu thuật truyền thống chỉ có thể "đóng" cứng khớp khuỷu về tư thế khoảng 90 độ và bệnh nhân có thể thực hiện các động tác đơn giản hàng ngày nhờ cử động của khớp vai, còn khớp khuỷu không thể phục hồi. Kỹ thuật mới thay khớp toàn phần với khớp khuỷu nhân tạo bằng vật liệu sinh học thế hệ mới đã trả lại chức năng vận động gần như hoàn toàn cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, chị In phục hồi cử động sấp ngửa cẳng tay - đây là vận động rất quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày; khôi phục đến 90% chức năng gấp duỗi khuỷu tay. Ba ngày sau mổ, chị In có thể vận động gấp - duỗi, sấp - ngửa bàn tay, điều mà hơn một năm qua chị chưa làm được.
Trên thế giới, phẫu thuật thay xương nhân tạo thực hiện rộng rãi từ những năm 80-90 nhưng vì phương pháp này rất phức tạp, dễ biến chứng gây mất máu, lỏng khớp, nhiễm trùng, lệch chiều dài chi, hỏng bộ khớp, trật khớp háng và gối... nên được chỉ định rất hạn chế. Do đó, theo Phó giáo sư Trần Trung Dũng, việc các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện thành công các phẫu thuật thay thế xương, khớp bằng vật liệu nhân tạo thế hệ mới và công nghệ in 3D sẽ cứu hàng triệu người khỏi nguy cơ tàn phế vì ung thư xương, chấn thương thể thao, tai nạn..., mở ra triển vọng mới cho ngành cơ xương khớp - chấn thương chỉnh hình nước nhà.
Ngọc An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử