Thiếu nữ mắc Covid-19 hồi sinh nhờ ghép phổi
Ca phẫu thuật ghép phổi kéo dài 10 tiếng đồng hồ diễn ra ngày 11/6, tại Bệnh viện Northwestern Memorial, thành phố Chicago. Bác sĩ cho biết ca phẫu thuật khó khăn và mất nhiều thời gian hơn hầu hết các ca ghép phổi thông thường.
Do nhiễm nCoV, phổi của bệnh nhân bị "dính hoàn toàn vào các mô tim, thành ngực và cơ hoành bao xung quanh", theo bác sĩ Ankit Bharat, trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực, giám đốc Chương trình Ghép phổi tại bệnh viện Tây Bắc.
Bác sĩ Bharat cho biết bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh trước khi nhiễm nCoV. Tuy nhiên, cô từng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Hiện chưa rõ liệu loại thuốc này có phải lý do khiến cho virus dễ xâm nhập và làm tổn hại cơ thể hơn hay không.
Người bệnh nhập viện hôm 26/4, các triệu chứng đầu tiên khởi phát trước đó khoảng hai tuần. Bác sĩ lập tức cho cô sử dụng máy thở, tuy nhiên tình trạng tiếp tục xấu đi và phải can thiệp ECMO. Nhiều tuần liền, sức khỏe bệnh nhân không cải thiện. Phổi hoàn toàn không thể tự phục hồi, các tổn thương bắt đầu tạo áp lực lên tim và gan.
Sau khi tìm được phổi tương thích, bác sĩ quyết định phẫu thuật ghép cho bệnh nhân. Hiện, bệnh nhân hồi phục tốt.
"Cô ấy tỉnh táo, có thể cười và gọi video với gia đình", ông Bharat nói.
Tuy nhiên, bệnh nhân còn chặng đường dài để hoàn toàn hồi phục. Dù phổi ghép khỏe mạnh, Covid-19 kéo dài khiến cơ ngực suy nhược, cô vẫn phải thở máy.
Bác sĩ Bharat cho biết đây là bệnh nhân yếu nhất ông từng thực hiện ghép tạng. Các tổn thương phổi cũng ở mức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đối với ông.
Bệnh viện cho biết phẫu thuật là cách duy nhất có thể cứu sống cô. Tuy nhiên, bác sĩ Bharat nhấn mạnh: "Phương pháp này không phải dành cho tất cả người mắc Covid-19. Nó chỉ phù hợp với bệnh nhân trẻ tuổi, các chức năng trong cơ thể còn hoạt động tốt, thời gian hôn mê tối thiểu, bị tổn thương phổi vĩnh viễn và phải thở máy".
Bác sĩ cũng lưu ý nhân viên y tế cần theo dõi chặt chẽ những người từng thở máy đã khỏi Covid-19, để xem liệu họ hồi phục hoàn toàn hay không. Nếu bệnh để lại sẹo phổi, họ cần phải phẫu thuật.
Bốn ca ghép phổi để điều trị Covid-19 trước đây đều được thực hiện ở Trung Quốc, tại Đại học Y khoa Chiết Giang, Bệnh viện Nhân dân, Bệnh viện Liên đoàn và Bệnh viện Nhân dân Thành phố Vô Tích.
Tại Việt Nam, người bệnh Covid-19 nặng nhất, "bệnh nhân 91" cũng gặp tình trạng phổi đông đặc, hôn mê, can thiệp ECMO và thở máy. Bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, nhưng may mắn người đàn ông 43 tuổi đã hồi phục với diện tích phổi có thể thông khí đạt 60%. Ghép phổi giờ chỉ còn là phương án dự phòng đối với bệnh nhân này.
Thục Linh (Theo NY Times)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch
Y tế 24h - 30/09/2024
Cấp cứu bệnh nhi viêm tụy cấp, hoại tử ổ bụng nguy kịch