Thuốc giải cạn kiệt, 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang thở máy phải chờ
Cả nước không còn thuốc giải độc Botulinum
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tiếp ghi nhận ngộ độc do Botulinum, một loại độc tố được sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium Botulinum. Đây là một chất độc cực mạnh, gây ra biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
Hiện ở BV Chợ Rẫy đang điều trị cho 3 trường hợp ngộ độc Botutinum, tuy nhiên cả ba đều trong tình trạng hôn mê, thở máy, liệt hoàn toàn do không còn thuốc giải độc BAT để sử dụng.
Trước đó ít ngày, 3 bệnh nhi nhiễm độc cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã may mắn được sử dụng thuốc giải đặc trị ngộ độc Botulinum BAT cuối cùng nên có cơ hội phục hồi.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, nếu được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, bệnh nhân ngộ độc Botulinum có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt trong 48h - 72h, không phải thở máy. Trong trường hợp không có thuốc giải, bác sĩ chỉ có thể điều trị hỗ trợ bằng nuôi dưỡng và thở máy.
Thực tế, bệnh nhân ngộ độc không có thuốc giải, thời gian điều trị sẽ kéo dài nhiều tháng, nhiều biến chứng xảy ra như nhiễm trùng, suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt toàn thân… nguy cơ tử vong.
Thuốc giải độc BAT được coi là loại thuốc hiếm do giá thành cao (8.000 USD/lọ) và nhu cầu sử dụng không thường xuyên, nên hầu hết bệnh viện mua dự phòng.
Còn nhớ năm 2021, khi xảy ra vụ ngộ độc Botulinum sau ăn pa-tê Minh Chay, thì ngay Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị chống độc lớn nhất cả nước cũng không có thuốc giải độc đặc hiệu này. Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, khi đó bệnh viện phải vận dụng và nhờ Tổ chức Thế giới tại Việt Nam mới mua được 2 lọ thuốc giải độc tố Botulinum do Canada sản xuất từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc trong vụ pa-tê Minh Chay. Từ đó đến nay, bệnh viện vắng bóng loại thuốc hiếm này.
Sẽ lập các trung tâm dự trữ thuốc hiếm?
Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc BAT giá rất cao, nên không thể dùng kinh phí của bệnh viện để dự trữ. Nếu loại thuốc này được đưa vào danh sách dự phòng quốc gia, Nhà nước quản lý và điều phối sẽ rất kịp thời đưa thuốc giải độc đến nơi cần hơn là tự bệnh viện xoay xở. Nhìn trên toàn cục diện, nếu vì thuốc đắt tiền, mua về hết hạn không dùng được là lãng phí mà không dự phòng sẽ là sai lầm rất lớn.
Chia sẻ về vấn đề dự phòng các loại thuốc hiếm, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong quý III tới, Bộ Y tế sẽ phải báo cáo Chính phủ cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Bộ đang xây dựng kế hoạch, trong đó giao các đơn vị đề xuất, lấy ý kiến của các cơ quan y tế, sau đó sẽ tập hợp, đề xuất giải pháp từ cơ chế mua sắm, quản lý sử dụng và cơ chế thanh quyết toán đối với nhóm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Theo đó, phải tính đến việc chấp nhận trường hợp phải bỏ thuốc khi quá hạn không dùng đến.
Dự kiến sẽ triển khai 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm ở các vùng kinh tế - xã hội gồm: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, lựa chọn các bệnh viện trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn và giao quản lý, hướng dẫn sử dụng, điều phối thuốc.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ