Tia cực tím đang ở mức nguy hiểm cho da

Theo VnExpress 08:03 13/05/2020 - Y tế 24h
Trang thời tiết Weatheronline của Anh dự báo từ ngày 12 đến 15/4 chỉ số tia UV tại TP HCM lên đến 11 - mức nguy hiểm cho da.

Trang thời tiết AccuWeather của Mỹ cũng dự báo chỉ số tia cực tím UV tối đa ở TP HCM những ngày tới dao động ở mức 11, nhiệt độ 35-37.

Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số UV 8-10, thời gian gây bỏng da khoảng 25 phút ở ngoài nắng. Khi UV từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể.

Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau. 

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bức xạ cực tím (ultraviolet radiation - UV) là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA tế bào da. Tia cực tím C có thể gây ung thư da, may mắn đã bị tầng ozon chặn lại.

Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da.

Tia cực tím làm tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt được cộng dồn, tích lũy trong suốt cuộc đời. 

Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết mùa nắng nóng bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp da bị bỏng đỏ, ngứa rát, sạm đen, nổi nhiều mụn... do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, không khí ô nhiễm, đổ mồ hôi nhiều...

Bác sĩ Tú hướng dẫn chăm da đúng cách trong mùa hè.

Thay đổi sản phẩm rửa mặt có tính làm sạch cao

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng kết hợp với độ ẩm cao làm các tuyến dầu tăng hoạt động, gây tăng tiết bã nhờn và mụn trứng cá. Nên thay đổi sữa rửa mặt. Thay vì sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ, ít xà phòng, nên ưu tiên chọn loại có tính làm sạch mạnh, dạng gel, chứa acid salicyclic trong mùa nắng nóng.

Làm sạch da trong mùa hè nhưng không nên làm sạch quá mức, vì sẽ làm mất đi các lớp dầu cần thiết trên da, dẫn đến tuyến dầu bị kích thích sản xuất quá mức gây mụn trứng cá. Nên dùng sữa rửa mặt hai lần mỗi ngày, còn lại chỉ rửa bằng nước sạch.

Thay đổi sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp

Quan niệm mùa hè thời tiết nóng ẩm không nên dưỡng ẩm cho da, là sai lầm. Nên phải dùng chất dưỡng ẩm, đặc biệt là người thường xuyên ngồi phòng máy lạnh.

Chọn dưỡng ẩm dạng lotion hoặc serum giúp thấm nhanh cho những người da bình thường và dạng gel cho người da dầu. Ưu tiên sản phẩm dưỡng ẩm tan trong nước và chỉ số chống nắng SPF ≥ 30 nếu sử dụng ban ngày.

Một trường hợp bỏng nắng điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM. Ảnh: L.A
Một trường hợp bỏng nắng điều trị tại Bệnh viện Da Liễu TP HCM. Ảnh: L.A

Chống nắng thường xuyên và đúng cách

Tia cực tím có thể gây hại cho da bất cứ thời điểm nào trong năm, nhiều hơn vào những tháng mùa hè khi mức độ tiếp xúc cao.

Nên chọn kem chống nắng phổ rộng, chỉ số SPF ≥ 30. Sử dụng dạng gel để hấp thu nhanh vào da, tránh cảm giác bóng nhờn và bít tắc lỗ nang lông, gây mụn trứng cá. Ưu tiên loại có tính kháng nước để kem chống nắng ít bị trôi đi khi mồ hôi tiết ra nhiều do thời tiết nắng nóng. Thoa thường xuyên sau mỗi 2-3 giờ hoặc khi ra mồ hôi nhiều.

Kết hợp mặc quần áo dài, đội nón rộng vành, đeo kính mát... Hạn chế để lộ cơ thể trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.

Chống nắng luôn cho cả vùng môi, với son bóng hoặc son dưỡng có chỉ số SPF ≥ 15.

Tẩy tế bào chết thường xuyên hơn

Trong mùa nắng nóng, tẩy tế bào chết 1-2 lần mỗi tuần, đặc biệt với người da dầu, giúp da sáng mịn, bớt xỉn màu và bớt mụn trứng cá. Chọn các sản phẩm chứa thành phần acid alpha-hydroxy, acid salicyclic, acid glycolic...

Ưu tiên các hoạt chất có khả năng phục hồi tình trạng bỏng nắng

Serum vitamin C có thể sử dụng quanh năm, nhưng rất phù hợp cho thời tiết mùa hè, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng sắc tố, kích thích sản xuất collagen, cải thiện các nếp nhăn và đặc biệt phục hồi nhanh chóng các tổn thương da do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Các serum chiết xuất từ trà xanh chứa chất chống oxy hóa EGCG cũng là chọn lựa lý tưởng giúp làm dịu da, giảm nhanh tình trạng bỏng nắng, da đỏ rát.

Chọn sản phẩm trang điểm không sinh mụn

Nên sử dụng các loại không gây mụn trứng cá, ghi "non-comedogenic" (không chứa các thành gây bít tắc lỗ chân lông), "non-oily" (không nhờn dính) hoặc "non-acnegenic" (không gây mụn).

Tốt nhất nên trang điểm nhẹ nhàng để tránh bít tắt lỗ nang lông, các lớp trang điểm càng mỏng càng tốt. Nếu da không có nhiều khuyết điểm cần che phủ, có thể chọn kem dưỡng ẩm hoặc kem chống nắng có màu để thay thế cho lớp trang điểm kem nền, phấn nền dày dễ gây bít tắt hơn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Uống đủ nước giúp da luôn khỏe mạnh. Mùa hè nắng nóng làm mồ hôi đổ ra nhiều, nhu cầu bổ sung lượng nước đủ cho cơ thể càng cần thiết hơn. Mỗi ngày nên uống 7-8 ly nước, bổ sung các loại trái cây có chứa nhiều nước như cam, bưởi, dưa hấu...

Người luyện tập thể thao hay làm việc ngoài trời thì lượng nước cần cung cấp nhiều hơn nữa.

Thói quen sử dụng nước nóng trong mùa hè sẽ làm làn da tăng tình trạng mất nước. Hãy tắm và rửa mặt với nước lạnh, không chỉ mát mẻ, dễ chịu hơn trong thời tiết nóng nực, mà còn giúp các tuyến nhờn giảm hoạt động, hạn chế mụn trứng cá.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Y tế 24h - 14/10/2024

Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Y tế 24h - 02/10/2024

Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới