Trả giá đắt khi tự ý điều trị sỏi thận
Biến chứng đáng tiếc
Ba tháng trước, ông T.K (60 tuổi, ở Phú Thọ) sờ thấy một khối to ở mạn sườn phải, lo lắng nên ông K tìm lên Bệnh viện E, Hà Nội khám. Tại đây, kết quả khám cho thấy một bên thận của ông K đã mất hoàn toàn chức năng, ứ nước, có kích thước to bằng một chiếc bát tô. Các bác sĩ chỉ định ông cần phải cắt bỏ một bên thận hỏng.
Ngồi bần thần sau khi nhận kết luận từ bác sĩ, ông K thở dài cho biết: "Tôi biết mình bị sỏi thận cách đây 5 năm, nhưng ngày đó bác sĩ nói chỉ theo dõi vì sỏi nhỏ. Công việc cuốn đi nên tôi cũng không quay trở lại khám. Một người bạn hướng dẫn tôi uống thuốc nam để đẩy sỏi ra khỏi thận mà không cần can thiệp gì, không hại sức khỏe nên tôi nghe theo. Ai dè lại thế này».
Trường hợp như ông K không hiếm gặp. Ông N.T.K.D (48 tuổi, ở Hà Nội) cũng phát hiện sỏi thận từ lâu nhưng vì không thấy đau nhiều nên chủ quan không điều trị.
Thay vì đi khám để theo dõi tiến triển của bệnh, ông D tự ý dùng thuốc nam với hy vọng sỏi thận sẽ tự tan. Thời gian gần đây khi thấy sức khỏe yếu đi, đau tức nặng hố thắt lưng phải âm ỉ, ông D mới đi khám. Với chẩn đoán thận phải giãn ứ nước độ 4, mất chức năng do sỏi vị trí khúc nối bể thận niệu quản, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị bắt buộc là phải cắt bỏ.
May mắn hơn, cô gái trẻ P.A (26 tuổi, ở Hưng Yên) đến viện khám khi đột ngột xuất hiện cơn đau bụng dữ dội ở mạn sườn trái, đau lan sang thắt lưng và xuống cả bộ phận tiết niệu sinh dục, kèm theo đó là tình trạng tiểu rắt, nước tiểu hồng, buồn nôn…
Kết quả siêu âm cho thấy, đài bể thận trái giãn ứ nước độ 2. Theo lời P.A, cách đây 6 tháng, cô phát hiện sỏi thận hai bên, sỏi niệu đạo bên phải. Thời điểm đó, cô uống thuốc theo đơn bác sĩ nhưng khi đỡ đau đã không theo dõi thêm. Để tránh các biến chứng nguy hiểm của sỏi thận như mất chức năng thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm thận bể thận, P.A được chỉ định nhập viện điều trị cấp cứu và theo dõi thêm.
Thuốc nam, thuốc lá khó loại bỏ sỏi thận
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, nhiều bệnh nhân phát hiện sỏi tiết niệu sớm nhưng chủ quan tái khám, theo dõi nên để lại hậu quả đáng tiếc.
Khi có dấu hiệu đau lưng hoặc vùng thắt lưng, dưới mạn sườn, đau khi đi tiểu, tiểu són, bí tiểu... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để quá muộn, gây ra những hậu quả đáng tiếc.
BS Nguyễn Đình Liên
Đáng nói, nhiều bệnh nhân sỏi thận mách nhau uống thuốc nam với mong muốn sỏi thận tự ra ngoài mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với sỏi thận lớn khi đã bị canxi hóa thì rất cứng, dù đổ axit vào cũng không thể tan. Do vậy, thuốc nam, thuốc lá rất khó loại bỏ được sỏi thận.
"Thực tế bệnh vẫn tồn tại, làm thận ngày càng bị ảnh hưởng, suy giảm chức năng. Lâu dần người bệnh sẽ có những dấu hiệu suy thận hoặc các biến chứng của sỏi tiết niệu thì mới đến viện khám, khi đó bệnh đã quá nặng, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình điều trị về sau", BS Liên cho hay.
Cũng theo BS Liên, có rất nhiều nguyên nhân gây ra sỏi thận như: Dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu, canxi niệu; thay đổi pH nước tiểu, cường tuyến cận giáp.
Trong đó, yếu tố cơ địa, yếu tố gia đình, một số người liên quan tới yếu tố chuyển hóa, môi trường lao động nóng bức, yếu tố nhiễm trùng, chế độ ăn lười uống nước, lười vận động gây ra ứ đọng nước tiểu là yếu tố tăng nguy cơ bị bệnh.
Dùng nước cứng (nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) cũng là yếu tố nguy cơ hình thành sỏi. Ngoài ra, thói quen ăn mặn dẫn tới cô đặc nước tiểu cũng làm tăng nguy cơ tạo ra sỏi.
Làm gì để phòng tránh sỏi tiết niệu?
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Quốc Dũng, nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, sỏi tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến nhưng không được chủ quan vì nếu sỏi ở vị trí tắc nghẽn sẽ gây nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Việc uống không đủ nước, chế độ sinh hoạt không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều đạm), sử dụng thuốc sai cách... có thể dẫn tới nguy cơ mắc sỏi thận.
Để phòng tránh sỏi thận, mọi người cần lưu ý điều trị triệt để các nhiễm trùng đường tiết niệu; uống nhiều nước, hạn chế tối đa nhịn tiểu; tích cực hoạt động và xây dựng chế độ ăn giảm natri và tăng kali, hạn chế đạm động vật…
BS Dũng cho biết thêm, những người có nguy cơ mắc sỏi tiết niệu nên khám định kỳ ít nhất 2 - 3 tháng/lần bằng những xét nghiệm đơn giản như: Siêu âm bụng, X-quang hệ tiết niệu, nước tiểu, công thức máu, sinh hóa máu… để phát hiện tình trạng bệnh kịp thời.
Khi sỏi tiết niệu có chỉ định phẫu thuật cần can thiệp sớm để tránh biến chứng đáng tiếc. Hiện nay có rất nhiều phương pháp can thiệp sỏi tiết niệu ít xâm lấn như: Nội soi ống mềm, tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi, nội soi lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể với tổn thương tối thiểu, hiệu quả tối đa, mang lại nhiều lợi ích và sự lựa chọn cho người bệnh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử