Trị bệnh sợ sai, không dám làm

Thời gian qua, thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai, không dám thực thi công vụ diễn ra ở nhiều địa phương, kể cả một số Bộ, ngành Trung ương.

Theo dõi phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có thể thấy cuộc tranh luận xung quanh vấn đề cán bộ sợ sai, không dám làm chiếm thời lượng khá lớn.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến, cũng có nhiều đại biểu tranh luận. Ngay bản thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã có giải trình từ chiều 31/5, song đến phiên thảo luận ngày 1/6, các đại biểu tiếp tục bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Trị bệnh sợ sai, không dám làm

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 1/6
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 1/6

 

Có lẽ, không phải bỗng nhiên mà các đại biểu Quốc hội lại bày tỏ quan tâm của mình như thế.

Bởi thời gian qua, thực trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ không diễn ra đơn lẻ mà ở nhiều địa phương, kể cả một số Bộ, ngành Trung ương.

Tâm lý sợ sai thể hiện rõ trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…

Chính điều này làm trì trệ và chậm trễ nền công vụ, giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình khó khăn hiện nay.

Đến nỗi, đại biểu Vũ Trọng Kim đã phải thốt lên: “Bên trong cán bộ sợ sai, Ở ngoài dân chúng thở dài âu lo!”.

Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, nguyên nhân sâu xa của tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm là do sợ cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt, khiến họ nhụt chí.

Nhưng cũng có đại biểu tranh luận lại rằng điều này chưa hẳn đã chính xác.

Cũng có những ý kiến khác cho rằng, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, giải pháp cấp thiết là ưu tiên thay thế những cán bộ sợ sai, không muốn làm bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm.

Tất cả ý kiến của các đại biểu đều thể hiện trách nhiệm trước cử tri, tâm huyết, trăn trở về thực trạng đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Điều đó rất đáng trân trọng.

Tuy vậy, có một thực tế có lẽ cũng không nhiều người để ý: Vậy, có cán bộ nào sợ sai vì không biết làm sao cho đúng?

Cần thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay hệ thống pháp luật, các quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn. Vì thế mà có khi cán bộ sợ làm, không dám làm. Lý do là không phải cái gì cũng được luật quy định. Mà những cái luật không quy định thì phải vận dụng để làm. Nhưng nếu làm rồi, khi thanh kiểm tra mà kết luận làm như vậy là sai, ai mà dám làm?

Ngay như câu chuyện của TP.HCM vừa qua, người đứng đầu thành phố nói thẳng lý do thành phố gửi đến các bộ, ngành nhiều văn bản hỏi và cũng thẳng thắn nói có những văn bản trả lời “không biết sao mà làm”.

Trong đó, có những vấn đề thực tiễn phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi. Thứ hai, có những nhóm vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi.

Và nhóm thứ ba là đã có quy định rồi nhưng cách hiểu là khác nhau nên phải hỏi. Thứ tư, có những vấn đề rõ rồi nhưng do nghiên cứu chưa chắc… nên hỏi!

Tôi có người bạn giữ chức khá quan trọng kể rằng, khi gửi văn bản hỏi các cơ quan chức năng thì lần nào cũng vậy, nhận được văn bản trả lời rất chung chung: “Thực hiện theo quy định của pháp luật”. “Nếu thế thì chúng tôi cần gì phải hỏi nữa?”, anh bạn tôi ngao ngán.

Thay ngay cán bộ sợ sai, không dám làm là đúng. Nhưng cũng cần đặt lại vấn đề: Để cán bộ không sợ sai thì các quy định đã rõ ràng, cụ thể chưa, có mâu thuẫn, chồng chéo không? Có phải hiểu hay áp dụng kiểu gì cũng được, đến khi kiểm tra cũng kết luận kiểu gì cũng được?

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đang được xây dựng, cần sớm được ban hành. Nếu không có cơ chế bảo vệ, rất khó để khuyến khích cán bộ, rất khó để chấm dứt bệnh sợ sai.

TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Phòng tránh các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Phòng tránh các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Y tế 24h - 28/03/2024

Phòng tránh các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Bộ Y tế nói gì về thông tin "bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe"?

Bộ Y tế nói gì về thông tin "bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe"?

Y tế 24h - 27/03/2024

Bộ Y tế nói gì về thông tin "bỏ giấy khám sức khỏe khi cấp bằng lái xe"?

Phẫu thuật thành công ung thư đường tiêu hóa cho cụ bà 95 tuổi

Phẫu thuật thành công ung thư đường tiêu hóa cho cụ bà 95 tuổi

Y tế 24h - 27/03/2024

Phẫu thuật thành công ung thư đường tiêu hóa cho cụ bà 95 tuổi

Một phòng khám bị khách tố "vẽ ra bệnh để thu thêm tiền"

Một phòng khám bị khách tố "vẽ ra bệnh để thu thêm tiền"

Y tế 24h - 27/03/2024

Một phòng khám bị khách tố "vẽ ra bệnh để thu thêm tiền"

Bộ Y tế thông tin về ca tử vong do mắc cúm A (H5N1) tại Khánh Hòa

Bộ Y tế thông tin về ca tử vong do mắc cúm A (H5N1) tại Khánh Hòa

Y tế 24h - 26/03/2024

Bộ Y tế thông tin về ca tử vong do mắc cúm A (H5N1) tại Khánh Hòa

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới