Triển khai quy trình báo động đỏ điều trị sốt xuất huyết
Nhằm chủ động điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) đến mức thấp nhất, Sở Y tế đã tổ chức 13 buổi họp rút kinh nghiệm về quá trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị đối với các trường hợp tử vong do SXH. Sau khi xem xét, phân tích các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án và tổng hợp ý kiến các chuyên gia, Sở Y tế nhận thấy việc phối hợp hội chẩn liên viện và chuyển viện an toàn sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tử vong do SXH.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố nghiêm túc, khẩn trương triển khai và tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành; đồng thời tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý, điều trị người bệnh SXH của Sở Y tế; tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, bảo đảm chuyển viện an toàn; bảo đảm người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.
Theo Sở Y tế thành phố, quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện đối với bệnh nhân được kích hoạt khi có một trong các điều kiện: người bệnh SXH ngưng thở đột ngột, tim ngưng; người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp cận đường thở, mạch máu; người bệnh SXH nặng (sốc, suy tạng nặng) không đáp ứng điều trị hồi sức tích cực hoặc vượt khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn.
Người bệnh SXH nặng có xuất huyết nặng (thường gặp xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa, cần phải can thiệp cầm máu khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và có nguy cơ tử vong nếu chuyển viện. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện hoặc cả hai nhằm bảo đảm kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, khi người bệnh SXH có đủ tiêu chuẩn báo động đỏ thì bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ theo một trong ba tình huống.
Tình huống một, bệnh viện có đủ khả năng xử trí theo quy trình báo động đỏ nội viện, không cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của bệnh viện khác.
Tình huống hai, bệnh viện có khả năng xử trí tại chỗ nhưng cần sự hỗ trợ khẩn cấp tiếp theo từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.
Tình huống ba, bệnh viện không đủ khả năng xử trí tại chỗ và cần sự hỗ trợ khẩn cấp hoàn toàn từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.
Phó Trưởng phòng Y tế huyện Cần Giờ Bùi Thị Ngọc Linh chia sẻ, thời gian qua, nhờ quy trình báo động đỏ bệnh viện huyện đã cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Vì vậy, triển khai quy trình báo động đỏ cho bệnh nhân mắc SXH sẽ giúp các trường hợp trở nặng được điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.
Cùng với việc triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH, Sở Y tế quyết định thành lập Tổ chuyên gia về điều trị SXH của ngành y tế thành phố. Nhiệm vụ của Tổ chuyên gia là tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị SXH; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị sốt SXH; tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân SXH nặng và tham gia quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân SXH nặng.
Tính đến giữa tháng 10/2022, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận gần 70 nghìn trường hợp mắc SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021. Số ca SXH nặng là 1.477, chiếm tỷ lệ 2,2% tổng số ca mắc và tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần 42 (từ ngày 10 đến 16/10), thành phố ghi nhận thêm 1.999 ca bệnh SXH, giảm 23,4% so với trung bình bốn tuần trước, số ca nội trú giảm 35,1% và ngoại trú giảm 13,1%. Tuy nhiên, trong tuần 42, ghi nhận 3 trường hợp tử vong do SXH tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong. Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong các ca tử vong do SXH trước đây từng ghi nhận trường hợp một bệnh nhi, 8 tuổi tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán ngưng tim, ngưng thở trước nhập viện - sốc SXH ngày 6 - tổn thương đa cơ quan.
Theo báo cáo tại bệnh viện, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ ba của bệnh, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao liên tục, có đáp ứng với thuốc hạ sốt, không ho, không sổ mũi. Đến ngày thứ bốn, thứ năm của bệnh, bệnh nhi còn sốt kèm ói nhiều, đau bụng và mệt nhiều. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị trong tình trạng bệnh đã rất nặng.
Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng bệnh nhi không thể qua khỏi và tử vong. Vì thế, ngành y tế khuyến cáo khi có dấu hiệu sốt cao 39-40oC, đột ngột, liên tục, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc, bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa bệnh nhân nhanh chóng đến bệnh viện. Đối với bệnh SXH, khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát dấu hiệu chuyển nặng.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Y tế 24h - 15/11/2024
Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử