Tuổi sống khỏe của người Việt Nam còn thấp
Theo số liệu báo cáo về tình hình thực hiện công tác dân số của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) mới được công bố cho thấy, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ở mức khá cao, hơn 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh của nguời cao tuổi ở nước ta thấp, chỉ được 64 tuổi; đặc biệt, có 67,2% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như: Mạch vành, huyết áp, tiểu đường, ung thư...
Ngoài ra, còn các hội chứng đặc trưng ở người già như suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bình quân mỗi người cao tuổi có ba bệnh và tỷ lệ đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa cao. Số năm bệnh tật của người Việt Nam trung bình khoảng 11 năm đối với nữ giới và khoảng tám năm đối với nam giới. Tình trạng này, không chỉ làm suy yếu khả năng lao động, giảm thu nhập mà còn làm tăng chi tiêu y tế.
Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi thường cao gấp 8 đến 10 lần người trẻ. Do vậy, chăm sóc sức khỏe vừa là nhu cầu, vừa là thách thức lớn đối với người cao tuổi.
Theo Phó Vụ trưởng Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Mai Xuân Phương một trong những xu hướng của thế giới trong thế kỷ 21 là sự bùng nổ dân số cao tuổi, tức là số người từ 60 tuổi trở lên tăng rất nhanh. Cùng chung xu hướng này, ở nước ta cũng đang diễn ra quá trình già hóa nhanh chóng.
Theo đó, năm 2011, người cao tuổi Việt Nam chiếm 10% tổng số dân, nghĩa là bắt đầu bước vào quá trình già hóa dân số. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người từ 60 tuổi trở lên (tương ứng khoảng 11,86% số dân), Theo dự báo, đến năm 2038, tức là chỉ sau khoảng 27 năm, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20%, khi đó nước ta được gọi là có "dân số già". Đáng chú ý, để tăng gấp hai lần tỷ lệ người cao tuổi, tại các nước phải mất rất nhiều thời gian, như ở Mỹ là 69 năm, Australia 73 năm, Thụy Điển 85 năm, Pháp 115 năm...
Điều này cho thấy, già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh, nhiều hơn so với các nước phát triển, tuy nhiên lại không có thời gian để chuẩn bị cho một xã hội "dân số già".
Tại hội thảo "Nhận diện những vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không bỏ lại ai phía sau" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông André Gama (An-đre Ga-ma), chuyên gia chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra các khuyến nghị các giải pháp nhằm đưa tới những giải pháp hiệu quả nhất cho người cao tuổi nói chung.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi sẽ ngày càng tăng, song điều đáng lưu ý là vẫn còn những khoảng trống về an ninh thu nhập cho người cao tuổi. Hiện mức hỗ trợ hưu trí cho người cao tuổi còn thấp; phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi ở mức khiêm tốn là những khoảng trống cần thu hẹp để cải thiện thu nhập cho người cao tuổi. Thực tế hiện nay, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi chỉ cao hơn một chút so với chuẩn nghèo.
Phân bổ ngân sách của Chính phủ về trợ cấp xã hội cho người cao tuổi năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% GDP. Đây là mức rất thấp so với các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế-xã hội tương đồng. Mức này chưa bảo đảm cho những đối tượng được hưởng để có thể thoát nghèo; trong khi đó điều kiện tối thiểu mức hưởng ít nhất phải đủ để họ có thể trang trải chi tiêu.
Bà Vũ Thiên Hương, cán bộ hưu trí tại quận Ba Đình (Hà Nội) từng là giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho biết: Với trình độ hai bằng đại học, khi về hưu, mỗi tháng bà được hưởng lương hưu chưa đến 5 triệu đồng, nếu không dành dụm, tích lũy khi còn đang công tác thì sẽ không đủ chi trả cho bản thân, chứ nói gì đến việc khi ốm đau, bệnh tật.
Bà Hương mong muốn Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, an sinh xã hội, bảo đảm quỹ bảo hiểm xã hội được an toàn, minh bạch để người cao tuổi được an hưởng tuổi già sau những năm tháng cống hiến tâm huyết, trí lực cho đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, đối với chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giải pháp hiện nay vẫn là nguồn lực. Bởi hiện nay, Việt Nam đang thiếu bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng có kinh nghiệm; hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế còn ít. Nguồn nhân lực chăm sóc người già chủ yếu dựa vào người nhà và ngày càng giảm.
Qua khảo sát 610 người hơn 80 tuổi sống tại ngoại thành Hà Nội cho thấy khá nhiều cụ sống một mình; gần 28% cần trợ giúp trong sinh hoạt như ăn uống, mặc quần áo...
Tiến sĩ Nguyễn Trung Anh đề xuất, để chăm sóc toàn diện cho người già và tiến tới đáp ứng nhu cầu khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, các bệnh viện cần thành lập khoa lão để tiếp nhận điều trị cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần thành lập thêm hệ thống viện dưỡng lão có chăm sóc y tế, trung tâm chăm sóc ban ngày cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, xây dựng các khu nhà ở, chung cư có hệ thống chăm sóc, tiện ích dành riêng cho người già...
Ngoài ra, cần thêm nhiều dịch vụ cho người già như: dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, trợ giúp bữa ăn, dịch vụ vui chơi giải trí cho người già... Các chuyên gia cũng nêu rõ, cùng với hệ sinh thái, môi trường sống trong lành, lý tưởng, người già sẽ khỏe hơn nếu được ở chung một cộng đồng người cao tuổi. Bởi khi có những người bạn đồng niên, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, từ đó giúp nâng cao cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Y tế 24h - 12/11/2024
Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Y tế 24h - 31/10/2024
Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Y tế 24h - 14/10/2024
Tái tạo vòng 1 cho bệnh nhân ung thư vú
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Y tế 24h - 02/10/2024
Kỳ công vá lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa
Y tế 24h - 01/10/2024
Kiểm tra phòng khám tư nhân ở Gia Lai phát hiện "bác sĩ" tốt nghiệp ngành văn hóa