Xét nghiệm máu phát hiện mức độ nghiêm trọng của Covid-19

Theo VnExpress 08:46 14/08/2020 - Y tế 24h
Mức tăng dấu ấn sinh học trong máu có thể giúp xác định độ nghiêm trọng, nguy cơ tử vong của bệnh nhân Covid-19.

Các nhà khoa học từ Đại học George Washington (GW) bắt đầu nghiên cứu dựa trên kết quả ban đầu về mối liên quan giữa dấu ấn sinh học và tình trạng diễn tiến xấu của bệnh nhân Covid-19 tại Trung Quốc. Dấu ấn sinh học là chỉ số đo lường mức độ nghiêm trọng hoặc sự hiện diện của một số trạng thái bệnh.

Theo công trình mới đăng trên tạp chí Future Medicine, nhóm phân tích mẫu máu của 299 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại viện GW, Mỹ trong thời gian từ ngày 12/3 tới 9/5. Trong đó, họ phân tích kỹ cả 5 dấu ấn sinh học trong máu của 200 người, gồm CRP, D-dimer, IL-6, LDH, và ferritin.

Kết quả, mức tăng của 5 dấu ấn sinh học này có liên quan tới các rối loạn máu và tình trạng viêm, dẫn tới nguy cơ phải điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), dùng máy thở và tử vong cao. Tỷ lệ tử vong cao nhất khi mức D-dimer cao hơn 3 μg/ml và LDH cao hơn 1.200 đơn vị/lít.

Mẫu máu của một người dân xét nghiệm âm tính nCoV tại Mỹ. Ảnh: Fox News
Mẫu máu của một người dân xét nghiệm âm tính nCoV tại Mỹ. Ảnh: Fox News

"Chúng tôi hy vọng những dấu ấn sinh học này sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, xác định bệnh nhân nào nên được xuất viện, theo dõi bệnh nhân đã xuất viện như thế nào", Ayanian, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, phó giáo sư y học Đại học Y khoa và Khoa học Y tế GW phát biểu.

Hiện, các bác sĩ xác định nguy cơ tử vong do Covid-19 và mức độ nặng, nhẹ bệnh tiến triển dựa trên tuổi tác và tình trạng các bệnh lý nền như béo phì, bệnh tim, suy giảm hệ miễn dịch. Với phát hiện này, chỉ một xét nghiệm máu đơn giản tại phòng cấp cứu có thể giúp bác sĩ định hướng cách điều trị bệnh nhân, đề ra kế hoạch chăm sóc phù hợp dựa trên thông tin về dấu ấn sinh học.

"Trước những thách thức hiện tại mà nhiều nước gặp phải do đại dịch Covid-19, đặc biệt những cơ sở y tế đang chật vật với lượng bệnh nhân cần nhập viện quá lớn, kết quả này có thể rất hữu ích với các bác sĩ trong việc xác định bệnh nhân nặng, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hợp lý", nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Ayanian và nhóm sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu, nhằm giúp các bác sĩ đưa ra quyết định có cơ sở hơn cho bệnh nhân, cũng như hỗ trợ các bệnh viện phân bổ nguồn lực hợp lý.

Lê Hằng (Theo Science Daily, Fox News)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Y tế 24h - 21/11/2024

Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Y tế 24h - 19/11/2024

Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Y tế 24h - 15/11/2024

Mổ cấp cứu thai phụ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, vỡ ối sớm

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Y tế 24h - 12/11/2024

Cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân bị TNGT do đột quỵ bất ngờ

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Y tế 24h - 31/10/2024

Cứu trẻ sơ sinh mắc bệnh tim thoát cửa tử

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới