Cây Mộc hương

Mộc hương còn gọi là Vân mộc hương, Quảng mộc hương, Mộc hương bắc có tên khoa học Saussurea Lappa Clarke thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Cây Mộc hương có nguồn gốc ở Ấn Độ (Jammu và Kasmir) và Nepal. Cây Mộc hương được người Trung Quốc di thực từ Ấn Độ vào trồng ở Vân Nam nên có tên là Vân mộc hương, còn Mộc hương được di thực vào trồng tại Quảng Đông có tên là Quảng mộc hương. Mộc hương mọc tự nhiên ở độ cao từ 2.600 - 3.600m ở vùng núi Himalaya, Kashmir và Pradesh Himachal.

 

Hiện nay cây Mộc hương được trồng nhiều tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, còn có ở Myanmar, Pakistan. Mộc hương được di thực vào trồng ở nước ta tại Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Phó Bảng (Hà Giang), Sìn Hồ (Lai Châu), Đà Lạt (Lâm Đồng). Mộc hương thích nghi với khí hậu mát, ẩm, nhiệt độ trung bình từ 15 – 20°C ở độ cao từ 1.500m trở lên so với mặt nước biển. Mộc hương là loại cây thân thảo, sống lâu năm, thân hình trụ rỗng cao đến 2m, vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá mọc so le, phiến lá chia thùy không đều ở cuống, mép khía răng cưa, cuống lá dài. Rễ mập, cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế hơi dẹp, màu nâu nhạt. Mùa hoa từ tháng 7 - 9, mùa quả từ tháng 9 - 10.

 

Bộ phận dùng:

Rễ Mộc hương dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Rễ thu hoạch vào mùa Thu, Đông đem về rửa sạch đất, cát, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi khô. Khi dùng thái mỏng hoặc tán bột. Rễ tròn, cắt có dầu, mùi thơm, vỏ màu vàng sẫm, đường kính 2-3cm, dài 7 – 8cm, không có rễ nhỏ, chắc ruột, không có tạp chất lẫn lộn, khô, không mốc là loại tốt.

Thành phần hóa học:

Rễ mộc hương chứa tinh dầu từ 0,3 – 3%, thành phần chính là các sesquiterpen lacton.

Theo y học cổ truyền: Mộc hương được xếp vào các vị thuốc lý khí, nó có vị đắng, cay, tính ôn; quy kinh Can, Tỳ, Vị, Đại tràng, (có tài liệu nói vào 3 kinh Phế, Can, Tỳ); có tác dụng hành khí, chỉ thống, kiện tỳ, tiêu tích; chủ trị các chứng tỳ vị khí trệ, tả lỵ do tích trệ, can mất chức năng sơ tiết, tỳ vị khí hư thường dùng làm thuốc giúp sự tiêu hóa, chữa đau bụng, ỉa chảy, đi lỵ, ợ hơi, trừ đờm, bí tiểu tiện. Liều dùng từ 3 – 6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột. Thận trọng khi dùng đối với bệnh nhân âm hư hỏa vượng.

Theo y học hiện đại, kết quả nghiên cứu được lý cho thấy Mộc hương có các tác dụng:

- Giảm đau, kháng viêm. Chống co thắt cơ ruột, trực tiếp làm giảm nhu động ruột.

- Kháng histamin và acetylcholin. Chống co thắt phế quản, trực tiếp làm giãn cơ trơn của phế quản.

- Tăng cường chức năng của dạ dày.

- Tinh dầu có tác dụng sát trùng, tỷ lệ 1/3.000 có tác dụng ức chế liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng.

 

Một số bài thuốc đã được ứng dụng trong lâm sàng:

Chữa rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đầy hơi, sôi bụng dùng bài “Mộc hương điều khí tán”: Mộc hương, Bạch đậu khấu, Đàn hương, Cam thảo mỗi vị 4g, Đinh hương 2g, Hoắc hương diệp 10g, Sa nhân 5g, sắc uống.

- Chữa chứng tả lỵ, bụng đau, khí trệ ở đại tràng dùng bài “Mộc hương binh lang hoàn”: Mộc hương, Ngô thù mỗi vị 4g, Binh lang 10g, Thanh bì, Trần bì, Chỉ xác, Tam lăng mỗi vị 6g, Hoàng bá 10g, Nga truật 6g, Hoàng bá, Đại hoàng, Hương phụ, Khiên ngưu, Mang tiêu mỗi vị 10g, sắc uống.

Có thể dùng bài “Hương liên hoàn”: Mộc hương 4g, Hoàng liên 6g, sắc uống hoặc tán thành bột, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.

Ở nước ta, ngoài việc dùng chữa đau bụng, đi ngoài, Mộc hương còn dùng làm thuốc bổ dạ dày, an thai, chữa ho, đỡ đau ngực, chữa lỵ.

Tại Trung Quốc, Mộc hương dùng chữa đau tức ở ngực và vùng thượng vị, khó tiêu, chán ăn, gây ngủ, cầm máu, giải độc, chống ung thư. Ở Ấn Độ, Mộc hương làm thuốc dễ tiêu, gây trung tiện, chữa ho, hen, bệnh tả, bệnh tim, bệnh sỏi niệu. Ở Nhật Bản, Triều Tiên đều dùng Mộc hương chữa bệnh tiêu hóa, đường ruột, đau bụng, đau tim, thấp khớp. Từ rễ Mộc hương người ta chế tinh dầu để làm thuốc, làm nước hoa, hương, gội đầu.

Trong sách Trung dược học Trung Quốc nêu 2 loại làm vị Mộc hương, ngoài cây Mộc hương kể trên còn cây Xuyên mộc hương Viadiminia souliei (Franch) Ling. thuộc họ Cúc Asteraceae.

Ngoài ra, trên thị trường còn dùng cây Thổ Mộc hương (Inulahelenium L.) cũng thuộc họ Cúc tác dụng gần giống vị Mộc hương. Ở nước ta ngoài vị thuốc Mộc hương Bắc nói trên còn dùng cây Nam mộc hương Aristolochia balansae Franch. thuộc họ Nam mộc hương Aristolochiaceae; cây Rụt Ilex godajam Wall. thuộc họ Nhựa ruồi Aquyfoliaceae, Cây Vỏ dụt Hymenodictyon orixense (Roxb.) Mabb. thuộc họ Cà phê Rubiaceae cũng dùng làm thuốc gọi là Mộc hương Nam thay thế cho vị Mộc hương Bắc nói trên.

DS. Nguyễn Thọ Biên

TC Thuốc và Sức khoẻ, số 536.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bài thuốc dân gian - 19/12/2023

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Bài thuốc dân gian - 18/10/2023

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Bài thuốc dân gian - 31/12/2022

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Bài thuốc dân gian - 29/07/2022

Địa long, công dụng có như lời đồn?

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Bài thuốc dân gian - 10/07/2022

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới