Địa long, công dụng có như lời đồn?

Trong Đông y, Địa long có công dụng trị sốt cao, phát cuồng, động kinh co giật, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, đau nhức do phong thấp, tiểu không thông.
Vị thuốc địa long - Ảnh minh họa
Vị thuốc địa long - Ảnh minh họa

 

Loài Địa long

Địa long hay còn được gọi là: Thổ long (Biệt Lục), Địa long tử (Dược Tính Luận), Hàn hán, Hàn dẫn, Phụ dẫn (Ngô Phổ Bản Thảo), Cẩn dần, Nhuận nhẫn, Thiên nhân đạp (Nhật Hoa Chư Gia Bản Thảo), Kiên tàm, Uyên thiện, Khúc thiện, Thổ thiện, Ca nữ (Bản Thảo Cương Mục), Dẫn lâu, Cận tần, Minh thế, Khước hành, Hàn hân, Khưu (khâu) dẫn, Can địa long, Bạch cảnh khâu dẫn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển), Giun đất, Trùn đất (Dược Điển Việt Nam). Tên khoa học: Lumbricus sp thuộc họ Megascolecidae. Địa long có công dụng trị sốt cao, phát cuồng, động kinh co giật, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, đau nhức do phong thấp, tiểu không thông.

Địa long (giun đất) thuộc chi giun,  ở nước ta mới được xác định có loài Pheretima SP., dài chừng 10-35cm, thô chừng 5-15mm, thân có nhiều đốt, ở mặt bụng và 2 bên thân có 4 đốt lông ngắn rất cứng giúp nó di chuyển được, vòng đai chiếm 3 đốt thứ 14-16. Giun đất đặc biệt không có mắt, nhưng vẫn có cảm giác với ánh sáng là nhờ các tế bào cảm giác ánh sáng riêng lẻ phân tán dưới da. Giun đất chưa có cơ quan hô hấp riêng, nên  hô hấp qua da.

Phân bố và thu hoạch

Giun đất ưa sống ở những nơi đất ẩm và giàu mùn hữu cơ. Ban ngày chúng lẫn ở dưới đất, đêm khuya khi sương xuống mới ngoi lên. Để thu bắt được loài này, người dân địa phương thường  gặp nơi mô đất ẩm như gốc bụi chuối lâu năm, bờ ao... sau đó lấy nước lá Nghễ răm hay nước Bồ kết, nước Chè, đổ lên đất thì giun sẽ tự bò trườn lên.

Giun đất được bắt bỏ nó vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa bằng nước ấm cho sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ sau đó mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng.

Lưu ý: Không dùng giun tự nhiên chui lên mặt đất vì những con gin đó có bệnh mới tự bò lên.

Toàn thể đã được cắt phẫu, biểu hiện một phiến dài nhỏ cong nhăn teo, dài chừng 12cm-20cm, rộng chừng 10mm-17mm, toàn thân có nhiều khoang vòng, hai đầu dầy mà cứng còn có sợi thịt mỏng tồn tại, chính giữa rất nhỏ, bán trong suốt, hai bên có màu đen tro, chính giữa màu vàng nâu, chất thu khó bẻ gẫy.

Giun đất - Ảnh minh họa
Giun đất - Ảnh minh họa

 

Bào chế

Danh Y Biệt Lục: Khi dùng Khâu dẫn, nếu muốn uống phải dùng khô, sao cho khô và làm vụn đi.

Lôi Công Bào Chế: Dùng 16 lượng Địa long, ngâm nước vo gạo 1 đêm, vớt ra để khô tẩm rượu một ngày sấy khô, rồi sao chung với Xuyên tiêu, gạo Nếp, mỗi thứ 2 chỉ rưỡi. Hễ gạo nếp chín vàng là được.

Bản Thảo Cương Mục: Khi dùng sậy khô tán bột, hoặc trộn muối vào cho hóa ra nước, hoặc đốt tồn tính, tùy theo trường hợp mà dùng.

Trung Dược Đại Từ Điển: Ngày nay người ta dùng bằng cách sau khi chế sơ chế xong tẩm rượu hoặc tẩm gừng sao qua tán bột để dùng.

Bảo quản: Tránh ẩm, đựng lọ kín.

Thành phần hóa học của Địa long

- Lumbroferine, Lumbritin, Terrestro-lumbrolysin, Hypoxathine, Xan thine, Adenine, Guanine, Choline, Guanidine, nhiều loại Acid amin, Vitamin và muối hữu cơ (Trung Dược Học).

- Lumbritin, Lumbofebin, Terrestro-lumrilysin (Sinh Dược Học Khái Luận (Nhật Bản), Nhật Bản Nam Giang Đường 1990: 354).

- Hypoxanthine, Xanthine, Adenine, Guanine, Guanidine, Choline, Alanine, Valine, Leucine, Phenylalanine, Tyrosine, Lysine (GiangTô Tân Y Học Viện, Trung Dược Đại Từ Điển (Q. Hạ), Thượng Hải Nhân Dân Xuất Bản 1977: 2111).

Tác dụng dược lý

Tác dụng đối với phế quản: thuốc làm giãn phế quản nên có tác dụng hạ cơn suyễn (Trung Dược Học). Thuốc có tác dụng hạ huyết áp chậm mà lâu dài, có thể do làm gĩan mạch nội tạng (Trung Dược Học). Thuốc làm tăng hoạt tính dung giải của Fibrin chống hình thành huyết khối. Có tác dụng hưng phấn tử cung, chất chiết xuất diệt tinh trùng (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Tác dụng giải nhiệt: cho uống 12g bột Địa long, thấy có tác dụng hạ sốt. Đối với bệnh nhân sốt do cảm nhiễm, cho uống 0,3g thấy có tác dụng giảm sốt. Tác dụng giảm sốt xuất hiện sau nửa giờ đến 3 giờ, từ 2-5 giờ thì hết sốt, trở lại bình thường (Phó Tuấn Lục, Thiểm Tây Trung Y 1980, 10 (3): 138).

Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Trị trúng phong (não thốt trúng khuyết huyết tính). Dùng dịch Địa long chích 10g/kg vào khoang bụng chuột bị chứng não thiếu máu bị trúng phong, thấy các triệu chứng giảm nhẹ (Uông Bội Căn, Sơn Tây Y Dược tạp Chí 1984, 13 (3): 133).

Vị thuốc Địa long

Tính vị: Vị mặn, tính hàn (Bản Kinh). Quy kinh: Vào kinh Can, Tỳ, Phế (Bản Thảo Tái Tân).

Công dụng: Đại giải nhiệt độc, hành thấp bệnh (Bản Thảo Giảng Nghĩa Bổ Di); Thanh Thận, khứ nhiệt, thấm thấp, hành thủy, trừ thấp nhiệt ở Tỳ Vị, thông đại tiện thủy đạo(Y Lâm Toản Yếu); Trừ phong thấp, đờm kết, khứ trùng tích, phá huyết kết (Đắc Phối Bản Thảo); Thanh nhiệt, trấn kinh, lợi niệu, giải độc (Trung Dược Học).

Chủ trị: Trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, đau nhức do phong thấp, tiểu không thông.

Liều lượng:  8-12g/lần. Trường hợp loét hạ chi mãn tính, dùng Giun đất tươi đâm nhuyễn với đường cát trắng đắp bên ngoài.

Bài thuốc có vị địa long:

Trị tiêu ra huyết do cổ độc: Khâu dẫn 14 con, 3 thăng giấm, ngâm cho tới khi Giun chết, lấy nước đó uống (Trửu Hậu phương).

Trị tay chân sưng đau muốn rời ra: Giun đất 3 thăng, 5 thăng nước, gĩa vắt lấy nước 1 thăng rưỡi uống (Trửu Hậu phương).

Trị mắt đỏ đau: Dùng Địa long 10 con sao tán bột, uống với nước trà 3 chỉ (Thánh Huệ phương).

Trị lợi răng chảy máu không cầm: Bột Địa long, Khô phàn mỗi thứ 4g, Xạ hương một ít, nghiền đều, xức vào một ít (Thánh Huệ phương).

Trị họng, thanh quản sưng đột ngột không ăn được: Địa long 14 con, gĩa nát, đắp ngoài họng, lại lấy 1 con hòa nước muối bỏ vào chút mật ong uống (Thánh Huệ phương).

Trị tai chảy mủ: Địa long (còn sống) nghiền nát, trộn với nước Hành và mỡ heo, bọc bông nhét vào tai, hoặc dùng bột Địa long thổi vào (Thánh Huệ phương).T

Trị dương độc kết tụ ở hông, đè vào rất đau, thở như suyễn, táo bón, cuồng loạn: Địa long sống 4 con, rửa sạch, nghiền nát như bùn, thêm một ít gừng tươi, một muỗng mật ong, một ít nước Bạc hà, lấy nước mới lấy ở dòng sông lên, nấu sôi quá thì thêm một ít Phiến não, mồ hôi ra thì đỡ, không đỡ dùng tiếp (Thương Hàn Uẩn Yếu phương).

Trị đau nhức do đầu phong: Vào ngày mùng 5 tháng 5, chọn Khâu dẫn, trộn với một ít Long não, Xạ hương, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng lớn. Mỗi lần lấy 1viên trộn với nước gừng, nhét vào trong lỗ mũi. Đau bên phải nhét bên trái và ngược lại (Long Châu Hoàn – Thánh Tễ Tổng Lục).

Trị ứ huyết do thấp đàm, kinh lạc ứ tắc gây đau: Xuyên ô đầu, Thảo ô đầu, Địa long, Thiên nam tinh, mỗi thứ 8g, Nhũ hương, Một dược, mỗi thứ 6g. Tán bột, chưng với rượu hồ làm thành viên. Mỗi lần uống 1 viên với nước sắc Kinh giới hoặc Tứ Vật Thang (Hoạt Lạc Đơn – Hòa Tễ Cục Phương).

Trị đầu đau do phong nhiệt: Địa long sao, tán bột, nước Gừng, Bán hạ, Xích phục linh các vị bằng nhau, tán bột, uống 2-4g với nước Sinh khương, Kinh giới, Bạc hà (Phổ Tế phương).

Trị tiểu không thông: Khâu dẫn, gĩa nát, ngâm nước lọc lấy nước cốt nửa chén, uống ngay (Đẩu Môn phương).

Trị nhọt độc đã vỡ mủ: Lá Hẹ trên đất có giun đất, gĩa nát lấy nước đắp vào, ngày thay 3-4 lần (Phù Thọ Tinh phương).

Trị huyết áp cao: Uống cao lỏng Địa long 40%, mỗi lần 10ml, ngày 3 lần, đạt kết quả tốt (Mao Văn Hồng, Thượng Hải Trung Y Dược Tạp Chí 1959, 4: 39).

Kiêng kỵ: Hư hàn mà không có thực nhiệt thì cấm dùng.

Phân biệt: Rắn giun là một giống rắn có tên khoa học là Tpholops. Thoáng nhìn, ta dễ lẫn rắn giun với giun đất vì rắn cũng có cỡ lớn và màu nâu thẫm bóng láng như giun. Nếu quan sát kỹ một chút, ta sẽ thấy thân rắn giun phủ vẩy như rắn. Đây là một loài rắn thực sự, do điều kiện sống chui dưới đất như giun, nên có hình dạng tương tự giun. Thân rắn giun hình trụ, có vẩy nhẵn bóng giúp con vật chui luồn dễ dàng. Mõm nhọn sắc, giúp con vật dễ khoan lỗ trong đất mềm. Đuôi ngắn có vẩy nhọn là chỗ tựa trên đất giúp rắn trườn về phía dưới. Mắt nhỏ ẩn dưới vẩy bên đầu, nên tránh khỏi sây sát khi rắn luồn trong đất. Rắn giun đào hầm dưới đất có khi sâu tới hàng mét và ăn các loại giun và sâu bọ ấu trùng ở đất. Người ta thường gọi là “Rắn hổ giun”, không cắn được người (Danh Từ Dược Học Đông Y).

Ngày nay, nhiều người truyền tai nhau việc sử dụng Địa long như một vị thuốc chữa bách bệnh. Do đó, chúng tôi bổ sung cho độc giả những thông tin như trên để độc giả tìm hiểu kỹ và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng Địa long để chữa bệnh. 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

Bài thuốc dân gian - 19/12/2023

Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Bài thuốc dân gian - 18/10/2023

6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Bài thuốc dân gian - 31/12/2022

Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Bài thuốc dân gian - 10/07/2022

Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường

Sâm cau, loài cây chứa hoạt tính hormon sinh dục nam

Sâm cau, loài cây chứa hoạt tính hormon sinh dục nam

Bài thuốc dân gian - 20/06/2022

Sâm cau, loài cây chứa hoạt tính hormon sinh dục nam

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới