Chữa đầy bụng, khó tiêu bằng gừng tươi
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, khoa Nội Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, cho biết người trung niên và cao tuổi dễ bị đầy hơi, khó tiêu hơn nhóm thanh niên và trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa bắt đầu lão hóa và có bệnh nền kèm theo.
Triệu chứng thường được người bệnh mô tả là không có vị trí chính xác. Phần nhiều là cảm giác nặng nề, căng chướng, đầy tức hoặc lạnh vùng quanh rốn hoặc thượng vị. Có thể kèm theo ợ hơi, buồn nôn nhưng không nôn được, kèm khó chịu vùng sau xương ức.
Theo bác sĩ Thủy, chứng đầy hơi, khó tiêu thường xuất hiện sau khi ăn quá khuya. Đặc biệt sau những bữa ăn thịnh soạn liên tục có nhiều tinh bột, nhiều đạm ít chất xơ, nhiều đồ chiên xào, món ăn được nêm nhiều muối, uống nhiều nước ngọt có gas. Việc này xảy ra là do thức ăn lượng quá nhiều, tồn lưu lâu mà không được truyền tống hấp thu, dẫn đến việc sinh nhiều hơi chướng bụng.
Khi bị đầy hơi, khó tiêu đơn thuần (không kèm triệu chứng toàn thân như sốt, tiêu chảy cấp...) thì không cần dùng thuốc uống, bác sĩ Thủy cho hay. Thay vào đó, có thể dùng gừng tươi để chữa các chứng ăn không tiêu, nôn mửa, đau lạnh vùng bụng, giúp kích thích tiêu hóa. Bác sĩ hướng dẫn ba cách dùng gừng tươi hiệu quả như sau:
Ăn gừng tươi chấm muối: Lấy một củ gừng tươi còn vỏ, rửa sạch, bào lát, nhai với vài hột muối hột. Sau khoảng 10 phút lại nhấm nháp một chút nữa, ăn từ từ. Dùng khoảng 4-5 lát là bụng sẽ khỏe.
Bác sĩ lưu ý, để gừng dễ ăn, bớt hăng nồng, nên dùng gừng non. Sau khi rửa sạch ngâm sơ qua với nước ấm. Tuy nhiên, cách này tránh dùng cho trẻ nhỏ.
Trà gừng: Lấy một củ gừng tươi, to bằng ngón tay cái rửa sạch, cạo vỏ, giã nhuyễn. Bỏ gừng vào ly nước sôi 200 ml, đậy nắp ủ trong khoảng hai phút. Người bệnh uống trực tiếp lúc ấm hoặc pha thêm một chút đường, mật ong cho dễ uống. Uống từng ngụm từ từ cho đến hết. Để uống dài lâu, có thể nấu nhiều và để tủ lạnh, hâm nóng lại mỗi khi dùng.
Người bị đầy hơi, khó tiêu nên uống hai ly trà mỗi ngày cho đến khi hết bệnh. Uống trong và sau bữa ăn sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Bác sĩ khuyên không nên uống quá hai ly trà gừng mỗi ngày. Bởi nhiều hơn, có thể gây ra ợ nóng, hạ huyết áp, chảy máu trong cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai tránh sử dụng, vì trà gừng có thể gây co thắt tử cung, làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non.
Túi chườm gừng nóng: Dùng khoảng 400 g gừng tươi rửa sạch, nghiền nhỏ, vắt lấy nước. Bã gừng cho vào nồi đun nóng, sau đó đổ ra một chiếc khăn mịn sạch bọc lại. Đợi cho bã nguội bớt, rồi đắp lên bụng, xoay vòng theo chiều kim đồng hồ toàn bụng. Khi bã gừng nguội, tiếp tục cho vào nồi, thêm chút nước gừng, đun nóng lên rồi đắp tiếp. Mỗi tối thực hiện một lần khoảng 30 phút sẽ giúp trị đầy hơi, khó tiêu đạt hiệu quả nhanh nhất.
Để giữ độ nóng lâu của túi chườm, nên dùng thêm 500 g muốt hạt trộn chung với gừng tươi giã nhuyễn. Ngoài đun nóng bằng nồi, có thể đem rang hoặc quay trong lò vi sóng.
Nếu lần đầu chườm túi gừng nóng, nên để nhiệt độ vừa ấm, và lót bằng một tấm vải mỏng, tránh bị phỏng rộp da.
Có nhiều mẹo vặt khác được bác sĩ chỉ để chữa chứng đầy hơi, như ăn chậm nhai kỹ, ăn nhiều rau xanh, chườm túi nước, khăn ấm, hoặc massage nhẹ nhàng vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Ăn đu đủ chín, dứa, uống dấm táo hoặc chanh pha nước ấm giúp dễ tiêu.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường