Kim tiền thảo - Dược liệu quý điều trị sỏi thận
Kim tiền thảo còn có tên là vảy rồng, đồng tiền lông, mắt trâu; tên khoa học là Desmodin styracifolium (Osb.) Merr, thuộc họ Đậu – Fabaceae, bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây trên mặt đất. Kim tiền thảo là cây thân cỏ, cao 30 – 50 cm, mọc bò, lá mọc so le, mặt dưới có lông trắng bạc, mặt trên có những đường gân rất rõ; phân bố phổ biến ở các vùng trung du và đồi núi phía Bắc Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á.
Kim tiền thảo được ghi nhận đầu tiên từ sách “Trung Quốc dược vật đại từ điển” (1957), được gọi là Quảng Kim tiền thảo (để phân biệt với Tứ Xuyên Kim tiền thảo, tên khoa học là Lysimachia christineae Hance, thuộc họ Báo xuân hoa – Primulaceae, một dược liệu có công dụng tương tự nhưng cho hiệu quả trị sỏi thận và sỏi tiết niệu kém hơn).
Dược điển Trung Quốc có chuyên luận “Viên thạch lâm thông” với công dụng chính là trị sỏi thận, sỏi tiết niệu sử dụng dược liệu Quảng Kim tiền thảo, và đa số các chế phẩm thuốc trị sỏi thận, sỏi tiết niệu ở Trung Quốc đều sử dụng loài dược liệu này. Tại Việt Nam, Dược điển Việt Nam và các sách về cây thuốc chỉ nói đến loài Kim tiền thảo Desmodin styracifolium (Osb.) Merr, tức là Quảng Kim tiền thảo, được sử dụng phổ biến trong dân gian và là thành phần của các thành phẩm thuốc trị sỏi thận khá quen thuộc trong giới điều trị.
Chứng sỏi thận, sỏi niệu theo Y học cổ truyền gọi là chứng “thạch lâm”. Nguyên nhân dẫn đến thạch lâm chủ yếu là do thấp nhiệt lâu ngày ở hạ tiêu hun đốt khiến thấp hợp với chất trọc trong nước tiểu mà thành sỏi (tính chất của thấp là dính kết, chính vì vậy mới làm cho chất trọc (cặn bã) kết lại với nhau mà thành sỏi).
Kim tiền thảo có vị ngọt tính mát, quy kinh can thận bàng quang, tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm. Nhờ tính thanh lợi thấp nhiệt mà Kim tiền thảo vừa ngăn chặn sự tiếp diễn của thấp nhiệt, vừa làm tan đi thấp kết và khiến cho sỏi tan ra mà xuống bàng quang đi ra ngoài.
Theo sách “Lâm sàng dược tính hiện đại”, các nghiên cứu dược lý từ cao chiết Kim tiền thảo và các thành phần hóa học phân lập được từ cao chiết Kim tiền thảo như polysaccharid, saponin triterpen, flavonoid ... cho thấy tác dụng bài sỏi theo cơ chế:
- Tăng cường nhu động co bóp niệu quản, tăng áp lực niệu quản đoạn trên rõ rệt, tăng lưu lượng bài tiết nước tiểu (phù hợp với công năng lợi niệu thông lâm theo Y học cổ truyền).
- Ngăn chặn hình thành sỏi và hòa tan thành phần tạo sỏi, tăng khả năng bài tiết canxi, giảm lượng canxi lắng đọng ở thận và bàng quang, hòa tan thành phần kết tinh với canxi (phù hợp với công năng thanh nhiệt trừ thấp theo Y học cổ truyền).
- Ngoài ra, Kim tiền thảo còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm phù nề ở niệu quản.
Một số bài thuốc tiêu biểu chứa Kim tiền thảo:
Trị sỏi đường tiết niệu: Kim tiền thảo 40g, Mã đề 20g, Tỳ giải 20g, Trạch tả 12g, Uất kim 12g, Ngưu tất 12g, Kê nội kim 8g. Các vị trên thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml uống làm 2 lần trong ngày. Nếu đái ra máu thêm Nhọ nồi 16g.
Trị nhiễm trùng đường niệu: Kim tiền thảo 24g, Mã đề, Bòng bong, Kim ngân hoa mỗi vị 15g sắc uống.
Trị sỏi mật: Kim tiền thảo 30g, chỉ xác (sao) 10-15g, Xuyên luyện tử 10g, Hoàng tinh 10g, Sinh đại hoàng 10g, sắc nước uống.
Trị viêm thận cấp phù thũng và viêm gan truyền nhiễm hay viêm túi mật: Kim tiền thảo 60g, Mộc thông, Ngưu tất đều 20g, Dành dành, Chút chít mỗi vị 10g, sắc uống ngày 1 thang.
Ds. Trần Hồ Thạnh Phú - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường