Lê - quả ngon, vị thuốc hay
Quả lê còn có tên bạch lê, tuyết lê, ngọc nhũ, khoái quả, mật phụ, sa lê. Quả lê theo nghĩa ẩm thực là loại quả giả, do sự phình to của đế hoa sau khi kết trái của một số loài Pirus spp.; chủ yếu hay gặp ở loài Piru s communis L., họ Hoa Hồng. Nước ta đã di thực và trồng ở một số tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng không nhiều, chủ yếu là nhập khẩu. Các tỉnh biên giới phía Bắc có quả mắc coọc cùng họ, nhưng ít nước, vị chua chát ngọt, sản lượng thấp.
Về thành phần dinh dưỡng, cứ 100g lê có 86,5g nước; 0,1g lipid; 0,3g protein; 8g đường (levulose, fructose, glucose...); 1,6g chất xơ; 14mg Ca; 0,5mg Fe; 0,2mg vitamin PP; các vitamin nhóm B; betacaroten và acid malic, acid acetic. Do tính vị mát ngọt, lê không chỉ dùng bổ sung dinh dưỡng và nước cho người cao tuổi, bệnh nhân suy nhược cơ thể mà còn có tác dụng bảo vệ tế bào gan, trợ tiêu hóa, khai vị. Dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp do có tác dụng tư âm thanh nhiệt hạ huyết áp. Lê cũng rất thích hợp cho các bệnh nhân lao phổi, viêm phế quản, viêm họng. Lê có nhiều chất xơ nên có vai trò quan trọng trong tiêu hóa và chuyển hóa.
Theo Đông y, quả lê vị chua ngọt, tính lương; vào Phế và Vị. Tác dụng sinh tân, nhuận táo, thanh nhiệt, hóa đàm. Dùng rất tốt cho người bị đàm nhiệt, âm hư: ho khan, khái huyết, sốt nóng, kích ứng vật vã, mất nước khát nước, người đái tháo đường, ho, sốt, nôn nấc, táo bón. Quả lê có thể ăn tươi, ép nước hoặc nấu, hầm; có thể ăn 1-5 quả mỗi ngày. Sau đây là 6 món ăn thuốc có quả lê.
1. Ngũ trấp ẩm: nước ép quả lê, nước ép củ mã thầy, nước ép lô căn, nước ép mạch môn, nước ép giá đỗ xanh (hoặc ngó sen), liều lượng bằng nhau, hòa chung rồi uống hoặc hấp cách thủy, uống. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Trị ôn bệnh làm tổn thương tân dịch, miệng háo khát, họng khô, lưỡi đỏ ít rêu.
2. Nước ép lê: lê tươi 1-2 quả, ép nước, để tủ lạnh nửa ngày, uống dần ít một. Dùng tốt cho người nhiễm siêu vi trùng sốt nóng, mất nước, khát nước.
Hoặc: nước ép lê, uống nhiều lần từng ít một. Món này rất tốt cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.
3. Xi rô hạnh nhân nước ép lê: hạnh nhân (nhân hạt quả mận) 10g, lê 1 quả, đường phèn lượng thích hợp. Hạnh nhân giã nát, lê gọt vỏ thái lát. Hạnh nhân và lê cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn vào, khuấy đều. Thích hợp cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
4. Lê hầm mật: lê 1kg, mật ong vừa đủ. Lê rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, ninh nhừ, cho mật ong vào, đun thành dạng cao, đựng trong lọ. Mỗi lần uống 2-3 thìa nhỏ với nước, hoặc nhai ngậm. Dùng rất tốt cho người bị sốt nóng dài ngày, mất nước, khát nước, đái tháo đường, ho ra máu.
5. Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần trong ngày (sáng, tối). Trị viêm phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
6. Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê gọt vỏ, thái lát. Gạo vo sạch rồi nấu cháo, cháo chín cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều. Món này thích hợp cho người bị sốt nóng, kích ứng vật vã, khát nước, chán ăn.
Kiêng kỵ: Người tỳ hư tiêu chảy, ho do cảm lạnh không dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường