Những điều cần biết khi sắc thuốc
Phương pháp sắc thuốc có khoa học hay không, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng trị liệu của thuốc. Cho nên, khi sử dụng thuốc thang, cần nắm vững một số vấn đề:
- DÙNG DỤNG CỤ NÀO?
Phần lớn các thầy thuốc Đông y cho rằng, tốt nhất nên sử dụng các dụng cụ làm bằng đất nung, tức loại đồ gốm. Đồ gốm dẫn nhiệt đều và bảo ôn tốt; có tính chất hóa học ổn định nên không phát sinh các phản ứng bất lợi với các vị thuốc. Ngoài gốm, còn có thể dùng đồ tráng men trắng hoặc đồ i-nốc (nhưng phải là loại i-nốc tốt). Thế nhưng, nhất thiết không được dùng đồ sắt, đồ đồng.
Từ xưa đến nay, y gia đã vẫn thường hay nhắc nhở: Khi sắc thuốc không được dùng đồ đồng và đồ sắt, cần dùng đồ bạc hoặc đồ đất nung. Ngày nay, chúng ta biết rằng sắt là kim loại có hoạt tính hóa học cao, dễ sinh ra những phản ứng bất lợi đối với nhiều vị thuốc.
Thí dụ, như Đại hoàng, Hà thủ ô, Bạch thược, Tô mộc, Ngũ bội tử v.v... khi đun trong nồi sắt thì nước thuốc sẽ bị đổi màu, thậm chí tính chất của thuốc bị thay đổi, có thể gây nên tác dụng phụ nguy hiểm. Thêm nữa, thuốc rót ra sẽ có mùi sắt, gây cảm giác khó chịu hoặc uống vào dễ bị nôn mửa. Còn sắc thuốc bằng đồ đồng, thì các phần tử vi lượng đồng thường hòa tan vào trong nước thuốc và tạo nên nhiều phản ứng với các vị thuốc, rất bất lợi đối với sức khỏe.
Hiện nay một số người vẫn hay dùng nồi nhôm để đun thuốc. Đồ nhôm tuy gọn nhẹ, hấp thụ nhiệt nhanh. Song khi nấu những thang thuốc có vị chua hoặc mặn, có thể sinh ra những phản ứng hóa học bất lợi. Vì phân tử nhôm có thể hòa tan vào dung dịch thuốc. Khi lượng nhôm hấp thu vào cơ thể lớn gấp 5-10 lần mức bình thường, có thể gây ức chế sự hấp thụ phốt-pho trong đường tiêu hóa, gây rối loạn quá trình trao đổi phốt-pho, làm cho tỷ lệ giữa can-xi và phốt-pho bị mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Đồng thời còn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiết xuất của các thứ men tiêu hóa trong dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa. Kết quả nghiên ở nước ngoài cho thấy: nếu lượng nhôm hấp thu vào cơ thể quá cao trong thời gian dài, có thể dẫn tới sự lão suy quá sớm, thần kinh đại não bị thoái hóa, gây ra những sai lệch trong hành vi, thậm chí gây nên Alzheimer, tức bệnh si ngốc ở tuổi gìa.
- DÙNG LOẠI NƯỚC NÀO ?
Nước là dung môi chủ yếu của thuốc thang. Các thầy thuốc cổ truyền rất chú ý tới các loại nước dùng sắc thuốc. Thậm chí, một số sách thuốc thời xưa còn yêu cầu đối với mỗi loại thuốc, phải chọn một loại nước riêng. Thí dụ, sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân viết: Dùng nước mưa sau tiết Lập xuân để sắc thuốc phát tán và thuốc bổ trung ích khí; dùng nước giếng để nấu thuốc bổ âm và thuốc chữa các chứng khí huyết đàm hỏa, ...
Thực ra đòi hỏi quá cầu kỳ như vậy cũng không cần thiết và rất khó thực hiện. Trên thực tế, tất cả những thứ nước thường dùng để nấu ăn, như nước giếng, nước máy, nước mưa, nước suối v.v... đều có thể dùng để sắc thuốc. Chủ yếu là nước phải tinh khiết, không bị ô nhiễm, không chứa tạp chất bẩn, không có vị lạ ... Tuy nhiên, loại nước đã đun đi đun lại nhiều lần hoặc để trong phích nước nóng đã lâu, đã biến chất, không nên sử dụng để sắc thuốc.
- DÙNG LƯỢNG NƯỚC BAO NHIÊU ?
Lượng nước có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thang thuốc. Nước quá nhiều, thời gian đun kéo dài có thể làm tổn thất hoặc phá hoại mất một số hoạt chất trong thuốc, nước quá ít làm cho chất thuốc khó hòa tan v.v... Nói chung, sau khi đổ nước vào nồi, rồi ép chặt thuốc xuống, thấy độ nước cao hơn mặt thuốc khoảng 2 đốt ngón tay (khoảng 2 cm) là vừa.
Lượng nước nhiều hay ít còn tùy thuộc vào chứng bệnh, khối lượng, thể tích, độ thấm nước của các vị thuốc và nhiều nhân tố khác nữa. Lượng nước cần tăng giảm tùy theo khối lượng của các vị thuốc trong một thang thuốc. Khối lượng thuốc bằng nhau nhưng nếu chất thuốc mềm xốp độ hút nước cao, cần tăng thêm nước, chất thuốc chắc đặc độ hút nước thấp cần giảm bớt nước đi. Như trong thang thuốc có nhiều thứ lá, hoa nhẹ xốp, cần tăng thêm nước; thuốc có nhiều loại rễ, củ, khoáng vật cần giảm bớt nước đi. Kinh nghiệm có thấy:
- Với những thang thuốc bổ lượng nước cho lần đun đầu tiên (nước thứ nhất) khoảng 700 - 900 ml, nuớc thứ hai và thứ ba khoảng 400 - 450 ml.
- Với những thang thuốc giải biểu (chữa cảm, cúm) nước cho lần đun đầu tiên (nước thứ nhất) khoảng 400 - 600 ml, nuớc thứ hai và thứ ba khoảng 250 - 300 ml.
- Với những thang thuốc thuộc loại khác (thuốc chữa phong thấp, kiện tỳ, thanh phế v.v...) nước cho lần đun đầu tiên (nước thứ nhất) khoảng 500 - 700 ml, nuớc thứ hai và thứ ba khoảng 300 - 350 ml.
- DÙNG LỬA TO HAY NHỎ ?
Thời xưa, vấn đề củi lửa khi sắc thuốc cũng được mô tả rất kỹ lưỡng. Đọc y văn cổ ta thường gặp những đoạn mô tả thú vị về lửa cành dâu (tang sài hỏa), lửa tre trúc (trúc hỏa), lửa lau sậy (lô hỏa), v.v... thậm chí y gia còn quy định cho mỗi loại thuốc một thứ củi riêng.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì những thứ củi dùng để nấu ăn đều có thể dùng để sắc thuốc. Vấn đề quan trọng là độ lửa to nhỏ, thuật ngữ Đông y gọi đó là "Hỏa hậu", cần phải thích hợp. Hỏa hậu có hai thứ: lửa to gọi là "vũ hỏa", lửa nhỏ gọi là "văn hỏa".
Hỏa hậu to nhỏ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của một thang thuốc. Lửa quá lớn có thể làm cho nước thuốc trào ra ngoài gây lãng phí và phần thuốc dưới đáy nồi bị cháy. Thuốc đã bị cháy thì chất thuốc cũng bị thay đổi, phải bỏ đi - chứ không thể lại thêm nước vào mà đun lại, như một số người vẫn thường làm. Ngược lại, lửa quá nhỏ thì không đủ độ nóng để hòa tan các hoạt chất của thuốc vào dung dịch, hiệu quả của thuốc cũng bị giảm đi.
Nói chung độ lửa thường điều chỉnh theo quy tắc "Tiền vũ hậu văn", tức là: lúc đầu dùng lửa to đun cho thuốc sôi mạnh lên, sau đó dùng lửa nhỏ giữ cho thuốc sôi lăn tăn trong một thời gian để "hầm" thuốc.
Khi đun thuốc cần đậy vung cho kín. Nhất là khi dùng "văn hỏa" mà để mở nồi thì nước không sôi lên được, phần thuốc phía trên trương ra và khô hết nước, còn phần thuốc ở dưới lại hay bị cháy. Nếu đậy kín vung thì hiện tượng như vậy sẽ không xảy ra.
Đun thuốc là một việc hệ trọng. Không nên đặt nồi thuốc lên bếp rồi bỏ đi làm việc khác. Cần ngồi tại chỗ, để theo dõi và xử lý kịp thời. Trong khi đun, nên dùng đũa trộn cho phần thuốc ở trên và ở dưới cùng ngấm nước đều. Nếu đun chưa đủ thời gian, mà thấy thiếu nước, thì kịp thời cho thêm nước vào v.v...
- THỜI GIAN SẮC THUỐC LÀ BAO LÂU ?
Sắc một thang thuốc đòi hỏi khá nhiều thời gian. Thời gian đun một thang thuốc không cố định, mà tùy thuộc vào chứng bệnh, tính năng của thuốc, lượng nước nhiều ít, độ lửa to nhỏ khác nhau v.v.... Nói chung mỗi thứ thuốc cần đun trong một thời gian nhất định:
Thuốc bổ: Các thang thuốc bổ thường có nhiều vị thuốc chắc đặc như các loại củ, rễ cây, sừng, mai, xương động vật v.v... Cho nên thường cần đun kỹ để cho thuốc hòa tan hết vào dung dịch. Nói chung, với các thang thuốc bổ cần dùng lửa to đun cho sôi lên, sau đó dùng lửa nhỏ hầm cho kỹ, nước đầu cần sắc trong khoảng 45 phút, các nước sau khoảng 30 phút.
Thuốc giải cảm (giải biểu): Các thang thuốc giải cảm thường chứa những loại cây cỏ như tía tô, kinh giới, bạc hà, kim ngân, liên kiều, ma hoàng, hành, gừng v.v.. Khí vị cay thơm (chứa các thứ tinh dầu) đun lâu quá chất thuốc sẽ bị phát tán mất. Cần dùng lửa to (vũ hỏa), đun nhanh rồi rót ra uống ngay để tận dụng hết "khí thế" của thuốc. Nuớc đầu đun khoảng 10 phút, nước thứ hai 5 phút là rót ra uống ngay.
Các thứ thuốc khác: bao gồm những thang thuốc chữa bệnh về Khí Huyết, Tạng Phủ, ... Đông y gọi là thuốc lý khí, thuốc lý huyết, thuốc thư can, hòa vị v.v.... Với loại thuốc này cần dùng lửa to đun sôi mạnh lên sau đó dùng lửa nhỏ sắc kỹ thêm, nước đầu 30 phút, các nước sau 20 phút.
- NHỮNG VỊ THUỐC NÀO CẦN NẤU TRƯỚC, NẤU SAU?
- Nấu trước: Một số loại vỏ cứng (giáp xác) hoặc khoáng vật, ví dụ như Quy giáp, Miết giáp, Đại giả thạch, Thạch quyết minh, sinh Mẫu lệ, Từ thạch, Thạch cao - do chất thuốc rắn chắc, thành phần hữu hiệu khó hòa tan trong nước, cần đập vụn và nấu trước khoảng 20 phút. Một số loại có nhiều bùn đất, như táo tâm thổ (đất lòng bếp), Nhu mễ căn (rễ lúa nếp), cũng như loại thuốc có tỷ trọng nhẹ mà khối lượng lớn như Lô căn ( rễ sậy), Bạch mao căn (rễ cỏ tranh), Trúc nhự ... cũng cần nấu trước, chắt lấy nước rồi cho các vị thuốc còn lại vào sắc.
- Cho vào sau: Đối với những vị thuốc khí vị phương hương (thuốc thơm), thành phần hữu hiệu (hoạt chất) chủ yếu là tinh dầu, như Bạc hà, Sa nhân, Đậu khấu, ... thì chỉ khi các vị thuốc khác đã nấu gần xong, mới cho vào, nấu thêm khoảng 5 phút nữa thì bắc ra.
- Đối với một số thứ thuốc đặc biệt, cần có cách sắc và uống đặc biệt, khi đó cần thực hiện đúng lời căn dặn của thầy thuốc thì mới có thể thu được hiệu quả.
- CÓ CẦN NGÂM THUỐC TRƯỚC KHI NẤU?
Thuốc trước khi nấu, cần ngâm trong nước sạch một thời gian nhất định, để cho các hoạt chất hòa tan vào nước tốt hơn. Lý do là: Trong dược liệu đã phơi hoặc sấy khô thành phần thủy dịch đã bốc hơi hết, vách tế bào và các ống dẫn đã co tóp lại, dịch tế bào cũng đã khô đi; khi đó các hoạt chất trong thảo dược tồn tại ở dạng kết tinh hoặc trầm tích bên trong tế bào. Ngâm nước sẽ khiến các tế bào thực vật lại nở ra như trước khi phơi sấy. Sau khi ngâm nước một thời gian, các tế bào sẽ trương phình ra và vỡ vụn, khiến các hoạt chất dễ dàng phóng thích vào trong dung môi.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, thuốc trước khi sắc, nói chung nên ngâm trong nước từ 30 - 60 phút. Mùa hè, nhiệt độ cao, thời gian ngâm có thể rút ngắn. Ngược lại, mùa đông nhiệt độ hạ thấp, thời gian ngâm có thể kéo dài thêm. Nước ngâm thuốc có nhiệt độ từ 25oC - 50oC là thích hợp nhất. Nhưng nhất thiết không dùng nước sôi để ngâm thuốc.
- CÓ NÊN DÙNG PHÍCH ĐỂ SẮC THUỐC ?
Hiện nay, một số người hay dùng phích nước nóng để hãm thuốc thang. Không ít người thường làm như sau: Cho các vị thuốc vào trong phích, trước khi đi ngủ đổ nước nóng vào phích, đậy kín nắp, để qua đêm, đến hôm sau đổ nước thuốc ra uống.
Kết quả khảo sát cho thấy, đối với những thảo dược có chứa tinh dầu, hãm thuốc trong phích có kết quả tốt hơn là cách sắc thông thường, vì có thể bảo tồn đại bộ phận thành phần tinh dầu trong thuốc. Như vậy, đối với thuốc giải biểu (giải cảm), dùng những thảo mộc có chứa tinh dầu, như Bạc hà, Hoắc hương... hãm thuốc trong phích là thiết thực và chấp nhận được.
Tuy nhiên, đối với phần lớn các loại thuốc khác, hãm thuốc trong phích không thích hợp. Lý do là: Đại bộ phận các hoạt chất trong thảo mộc chỉ có thể hòa tan trong nước ở nhiệt độ 100oC và từ 100oC trở lên. Trong khi đó khi nhiệt độ của nước sôi sau khi đổ vào phích cao nhất chỉ đạt 98oC. Giai đoạn đầu, nhiệt độ nước còn tương đối cao, sau đó giảm dần, nói chung chỉ còn 70oC - 80oC hoặc thấp hơn. Kết quả thực nghiệm với các vị thuốc như Hoàng liên, Cam thảo... cho thấy, lượng hoạt chất chiết ra (hòa tan trong nước thuốc) khi hãm trong phích, giảm xuống đáng kể so với cách sắc thuốc thông thường. Hơn nữa, sắc thuốc không chỉ là quá trình thẩm xuất vật lý các hoạt chất, mà còn là một quá trình phản ứng hóa học. Do đó, dùng phích hãm thuốc để thay thể cho phương pháp sắc thuốc thông thường là không thích hợp.
Trường hợp thuốc đã được ngâm nước trước khi cho vào phích, sau khi đổ nước nóng vào, thì nhiệt độ của nước trong phích sẽ còn thấp hơn, và trong điều kiện đó, các hoạt chất sẽ không thể thẩm xuất vào trong dung dịch.
Tóm lại, sắc thuốc là một việc quan trọng không thể xem thường. Chính như Lý Thời Trân đã từng nhắc nhở: Khi uống thuốc thang, dù phép trị hoàn toàn chính xác, dù cho cho các vị thuốc được lựa chọn một cách tinh tế, nhưng nếu đun thuốc lại cẩu thả, vội vàng, luợng nước, sức lửa không đúng mức... thì thang thuốc cũng thành ra vô hiệu.
Nguồn: Lương y Đỗ Tất Hùng - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường