Quan niệm ăn rau răm làm yếu sinh lý, liệt dương có đúng?
Rau răm là loại cây gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, thường được ăn cùng với các món gỏi, nộm, trứng vịt lộn, canh thịt bò,… Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ăn rau răm dẫn tới chứng yếu sinh lý đã khiến không ít người, đặc biệt là các quý ông e ngại khi sử dụng loại rau gia vị này.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội, lời đồn ăn rau răm bị yếu sinh lý, liệt dương chỉ có đôi chút đúng về mặt lý thuyết.
Về lý thuyết, rau răm có thể gây ra nóng, giảm tinh khí, có thể làm suy yếu tình dục, kể cả nam và nữ. Đàn ông thì kém cường dương tráng khí, khô chân huyết, còn phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, để có các ảnh hưởng này thì phải nạp vào cơ thể lượng rau răm rất lớn (từ 0,5kg trở lên) và ăn thường xuyên, mỗi ngày.
“Thực tế, rau răm là loại rau gia vị nên thường được dùng với lượng ít. Do vậy, khi ăn các món có rau răm, hay ăn trứng vịt lộn với rau răm không có chuyện bị yếu sinh lý, liệt dương”, lương y Bùi Đắc Sáng nhấn mạnh.
Trong Đông y, rau răm là vị thuốc tính vị đắng, cay, ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ngon miệng, ấm bụng, mạnh lưng gối, sáng mắt. Rau răm thường được dùng để chữa các chứng dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng; chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, sâu quảng (bệnh loét sâu ở chân); chữa rắn cắn hay chó dại cắn.
Một số bài thuốc có rau răm trong Đông y:
- Chữa bệnh thổ tả: hạt rau răm 20g, hương nhu 40g, tất cả sắc uống.
- Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi: rễ rau răm 20g sắc lên, hòa với 1 chén rượu rồi uống.
- Chữa say nắng, khô khát: rau răm tươi lấy 1 lượng đủ dùng, giã, vắt lấy nước uống.
- Chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, sâu quảng: rau răm lấy lượng đủ dùng, giã vắt lấy nước cốt rồi hòa với lượng rượu vừa đủ để bôi, dùng bã đắp ngoài.
Ngoài ra, theo lương y Bùi Đắc Sáng, rau răm còn là bài thuốc rất hữu hiệu để chữa sỏi thận theo công thức: Buổi sáng ngủ dậy, bệnh nhân uống thật nhiều nước lọc, uống càng nhiều càng tốt, bất cứ khi nào khát chỉ được uống nước lọc. Đến bữa trưa và chiều, nấu một bát canh rau răm ăn cùng với cơm (rau răm chỉ cần 1 bó nhỏ to bằng ngón tay áp út, thái nhỏ nấu với tôm hoặc thịt). Bệnh nhân cần ăn đều hàng ngày, cả 2 bữa trưa và chiều. Công thức này không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh lý của người bệnh.
Liệu trình này kéo dài từ 8 - 15 ngày, bệnh nhân sẽ tiểu tiện ra viên sỏi. Lưu ý, trong thời gian trị liệu, người bệnh tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, trà mạn. “Công thức này thích hợp với sỏi nhỏ và vừa (kích thước dưới 2cm) vì nếu sỏi quá to rất khó đào thải qua đường tiểu tiện”, lương y Sáng cho biết.
Ông Sáng nhấn mạnh thêm, rau răm tuy là một bài thuốc rất hữu hiệu trong điều trị một số chứng bệnh, tuy nhiên, có những trường hợp không nên dùng loại dược liệu này. Cụ thể, những người bị ốm hoặc máu nóng không nên dùng rau răm bởi nó có tính nóng. Phụ nữ đến ngày không nên dùng rau răm bởi có thể gây rong kinh.
Đặc biệt, rau răm có thể gây sảy thai nên phụ nữ đang mang bầu tuyệt đối không nên ăn loại gia vị này, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Nguyễn Liên
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/nam-khoa/an-rau-ram-lam-yeu-sinh-ly-liet-duong-co-dung-596552.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường