Sơn tra: vị thuốc tiêu thực
Cây Bắc sơn tra còn gọi Táo gai Trung Quốc, Shanzha, mọc hoang ở các đồi núi độ cao từ 500 - 2.000m cây cao đến 6m, cành nhỏ và thường có gai. Lá có 3 – 5 thùy, mép lá có răng cưa, các gân mặt dưới có lông mịn. Hoa màu trắng. Quả hình cầu, đường kính 1 - 1, 5cm, khi chín có màu đỏ thẫm. Cây ra hoa vào tháng 5 – 6.
Bộ phận dùng: Quả. Thu hoạch quả chín vào tháng 9 đem thái lát ngang quả dày 3 – 5mm, phơi khô. Tùy theo phương pháp chữa bệnh, Sơn tra chế biến bằng cách đem sao, sao cháy, sao thành than hoặc chế biến làm thành khúc.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã phân lập và xác định trong quả Bắc sơn tra có hơn 150 hợp chất bao gồm flavonoid, triterpenoid, steroid, monoterpenoid, sesquiterpenoid, lignan, các acid hữu cơ và các hợp chất chứa nitơ.
Theo y học cổ truyền: Sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ôn ; vào 3 kinh: Tỳ, Vị, Can ; có tác dụng tiêu thực hóa tích, hoạt huyết tán ứ ; chủ trị các chứng tích trệ, bụng đau tiêu chảy, sản hậu đau bụng, tinh hoàn đau. Liều dùng 10 – 30g, sắc uống. Dùng thận trong với bệnh nhân tỳ, vị hư nhược.
Theo y học hiện đại: Sơn tra có tác dụng:
- Cường tim, hạ huyết áp, tăng lưu lượng máu mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim, phòng và giảm bớt thiếu máu cơ tim.
- Hạ lipid máu rõ rệt và giảm xơ vữa động mạch
- Tăng lượng enzym trong dạ dày giúp tiêu hóa tốt hơn.
- Ức chế các trực khuẩn thương hàn, lỵ, bạch hầu, mủ xanh, liên cầu khuẩn B, tụ cầu vàng.
- An thần, làm tăng tính thẩm thấu của mao mạch và làm co tử cung.
Một số bài thuốc
- Chữa chứng rối loạn tiêu hóa bụng đầy dùng bài “ Quân khí tán ”: Sơn tra, Thanh bì, Mộc hương các vị lượng bằng nhau, tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g uống với nước sôi để nguội.
- Chữa tắc kinh do ứ huyết hoặc sau khi sinh bụng đau do ứ trệ: Sơn tra 30g sắc nước, bỏ xác cho thêm 25g đường mía, uống.
- Chữa kiết lỵ cấp, viêm đại tràng cấp: Sơn tra 60g, sao cháy nhẹ cùng với 30ml rượu trắng, trộn đều, đem sao cho khô rượu, cho 200ml nước, đun trong vòng 15 phút, bỏ xác, cho 60g đường đỏ, đun sôi. Uống lúc nước còn nóng.
- Chứa mỡ máu cao: Sơn tra, mạch nha cô chế thành dạng trà. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 gói 30g. Uống trong hai tuần.
- Chữa cơn đau thắt tim, bệnh động mạch vành: là Sơn tra tán thành bột sau chế thành viên, Trỗi viên 25mg, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 4 viên, uống trong vòng 4 tuần.
Trong sách “ Bản thảo kinh tập chú ” tên mang vị thuốc Sơn tra ngoài cây Bắc sơn tra Crataegus pinnatifida Bunge nói trên còn có cây Nam sơn tra Crataegus cuneata Sieb. et Zucc, thuộc họ Hoa hồng Rosaceae, phân bố tại Trung Quốc, Nhật Bản. Cây Nam sơn tra còn gọi Tứ chi Trung Quốc, Sanzashi ( Trung Quốc ), loại cây bụi, mọc hoang ở độ cao 200 - 2. 000m, cao đến 15m, có gai nhỏ. Lá có 3 – 7 thùy, mặt dưới lúc lá non có lông mịn, sau lá nhẵn. Hoa màu trắng, lưỡng tính có cả hoa đực và hoa cái. Quả hình cầu, đường kính 1 - 1, 2cm, khi chín có màu vàng hay đỏ. Mùa hoa từ tháng 5 – 6. Quả chứa 0,44 % protein, 1 % chất béo, 22,1 % carbohydrat, 0,6 % tro, giàu vitamin C, acid trái cây và pectin. Quả và hoa có tác dụng hạ huyết áp cũng như thuốc bổ tim, được sử dụng trong điều trị chứng khó tiêu, trì trệ thực phẩm béo, đầy bụng, vô kinh, đau bụng dưới, cao huyết áp và bệnh mạch vành.
Ở Trung Quốc, Nhật Bản quả cây Nam sơn tra dùng tươi hoặc nấu chín làm bánh. Bột chiết xuất từ lá, hạt được sử dụng làm nguyên liệu. Gỗ cứng nên được chế tạo thành các dụng cụ cầm tay.
Ở nước ta dùng thay thế cho vị Sơn tra có hai cây:
- Cây Chua chát, còn gọi Gan, Táo rừng, Táo ngọc linh, Sán sá ( Tày ), Co sam sa ( Thái ), tên khoa học Malus doumeri ( Bois ) A. Chev., thuộc họ Hoa hồng Rosaceae. Cây này phân bố ở Kon Tum ( Tu Mơ Rông ), Gia Lai ( Kon Hà Nùng ), Lâm Đồng ( Lạc Dương, Di Linh, Bảo Lộc ). Cây Chua chát thuộc loại cây gỗ cao đến 20m, có gai, nhánh non có lông mịn. Lá hình trứng, đầu nhọn, mép khía răng cưa. Hoa họp thành tán, màu trắng. Quả hạch, hình cầu, khi chín màu vàng lục. Quả chứa tanin, đường, acid tartric, acid citric. Mùa hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 9.
- Cây Táo mèo còn gọi Chi tô di ( H' Mông ) tên khoa học Docynia indica ( Mall. Dcc., cũng thuộc họ Hoa hồng, phân bố ở Lai Châu ( Phong Thổ, Giao San ), Sơn La ( Bắc Yên, Mường La ), Yên Bái ( Mù Cang Chải ), Lào Cai ( Sa Pa ), Lâm Đồng ( Lạc Dương ). Cây này cao đến 6m, nhánh và thân non có gai. Lá đa dạng, lá ở thân non có gai và phiến lá có thùy, lá ở nhánh già thon, mép có răng nhỏ. Hoa màu trắng. Quả thịt tròn hay trứng, khi chín màu vàng lục, có vị chua, hơi chát. Quả Táo mèo ở Lào Cai chứa tanin 2,76 %, đường 16,4 %, acid hữu cơ 2,7 %. Mùa hoa từ tháng 2 – 4, mùa quả tháng 9 – 10.
Phân biệt vị Bắc sơn tra và loại quả Chua chát và Táo mèo của ta:
Bắc sơn tra quả thái lát nhỏ bằng đồng xu ít khi có hạt, vị chua chát. Khi phơi khô mép quả hơi cuộn lại có vết nhăn dọc, vỏ ngoài có vằn nhằn, có chấm nhỏ màu trắng tro, cùi màu nâu nhạt.
Loại quả Chua chát và Táo mèo thái dày, thịt cứng, vị chua chát. Bổ dọc quả có hình cầu tròn nhỏ hơn, mặt ngoài màu đỏ tro, có vằn và chấm nhỏ, mép hơi lồi đầu kia có vết của cuống quả, hạt to, cùi mỏng, màu đỏ nâu.
Miền núi nước ta rất thuận lợi trồng 2 cây Chua chát, Táo mèo, cần nghiên cứu phát triển trồng 2 cây này để làm nguyên liệu thay thế cây Bắc Sơn tra và để tăng nguồn hàng xuất khẩu.
Nguồn: Tổng hợp
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường