Viêm khớp vảy nến - biến chứng của bệnh vảy nến
Bà mắc bệnh vảy nến da 8 năm, điều trị bằng thuốc. Bốn năm gần đây bà đau khớp tay chân, bác sĩ chẩn đoán viêm khớp vẩy nến. Tuy nhiên, bệnh nhân không điều trị liên tục theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý uống một loại thuốc nam.
Mới đây, khi bà đến Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM khám, tình trạng viêm khớp, viêm da đã rất nặng. Các khớp bàn tay, ngón tay, khớp liên đốt ngón tay, khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân hai bên sưng đau nhiều. Vảy nến da toàn thân khiến bà không tự đi lại được, đáp ứng kém với thuốc.
Các bác sĩ thay đổi điều trị bằng thuốc sinh học. Sau khi tiêm 5 mũi thuốc sinh học, hiện vảy nến trên da người bệnh đã hết hoàn toàn, đau khớp giảm 90%, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Phạm Huỳnh Tường Vy, Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến dạng khớp, tàn phế. Nếu người bệnh có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim, béo phì, viêm ruột... thì viêm khớp vảy nến có thể gây biến chứng, làm tăng tỷ lệ tử vong.
"Tiến triển của bệnh còn tác động lên tâm lý của người bệnh gây lo âu, trầm cảm, thậm chí tự tử", bác sĩ Vy nói.
Viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm khớp mạn tính ở các khớp ngoại biên hoặc cột sống, có liên quan đến bệnh vảy nến. Đây là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tạo ra các đáp ứng viêm dẫn đến các triệu chứng như sưng, đau, cứng khớp và mệt mỏi.
Khoảng 6-42% người bị vảy nến sẽ tiến triển sang viêm khớp vảy nến. Bệnh thường xảy ra nhất ở người từ 30 đến 50 tuổi. Các triệu chứng khởi phát muộn, 10-12 năm sau khi có tổn thương da. Một số trường hợp viêm khớp vảy nến xảy ra trước hoặc cùng lúc với vảy nến da.
Theo bác sĩ Vy, hiện chưa xác định nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp vảy nến. Các nhà nghiên cứu cho rằng, có thể do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, môi trường và yếu tố miễn dịch, hoặc do tác nhân nhiễm khuẩn và chấn thương.
Người bệnh viêm khớp vảy nến thường gặp những triệu chứng như mệt mỏi, sưng, đau các gân, sưng ngón tay, ngón chân, cứng khớp, sưng, đau một hoặc nhiều khớp, giới hạn vận động khớp, cứng khớp buổi sáng; móng tay chân bị lõm, rỗ; tiêu chảy, đỏ và đau mắt.
Các triệu chứng này có thể giống với các bệnh khớp khác như viêm khớp dạng thấp, gout, các thể viêm khớp cột sống... nên rất dễ nhầm lẫn. Do đó, việc chẩn đoán viêm khớp vảy nến chủ yếu dựa vào đánh giá của bác sĩ chuyên khoa và loại trừ các nguyên nhân khác.
Về phác đồ điều trị, viêm khớp vảy nến cần điều trị song song tổn thương da và khớp. Cần kết hợp dùng thuốc, vật lý trị liệu phục hồi vận động hoặc ngoại khoa để chỉnh sửa, thay khớp ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn bệnh nhẹ, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc gồm NSAID hoặc DMARD cổ điển. Nếu không đáp ứng với nhóm thuốc này, và viêm khớp vảy nến đã nặng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc sinh học.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, thường xuyên tái khám để bác sĩ theo dõi, đánh giá diễn tiến và điều chỉnh thuốc phù hợp trong từng giai đoạn bệnh. Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi giúp người bệnh giảm viêm, duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân làm tăng áp lực lên khớp. Người bệnh cần giảm đường và chất béo, bỏ rượu bia và thuốc lá. Đồng thời tập thể dục 30 phút mỗi ngày, các khớp được linh hoạt hơn và tăng sức cơ.
"Tuyệt đối không được bỏ điều trị và tự ý điều trị các thuốc mà không được bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo", bác sĩ Vy nhấn mạnh.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường