Tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, dù quá trình xây dựng dự thảo luật mới đang trong những bước đầu tiên. Trong số nhiều vấn đề dự kiến sẽ nằm trong phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội này, việc giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là một vấn đề được nhiều người chú ý.
Theo quy định hiện hành, bên cạnh việc đáp ứng điều kiện về tuổi đời, người lao động phải có tối thiểu 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng chế độ hưu trí. Nhiều ý kiến cho rằng, mức “sàn” này khá cao và có thể khiến không ít người lao động không đủ “kiên nhẫn” theo đuổi việc đóng bảo hiểm xã hội mà chuyển sang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, trong bối cảnh điều kiện hưởng chế độ này hiện được đánh giá là khá dễ dàng. Đó không chỉ là trở ngại đối với việc hiện thực hóa mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân mà còn trở thành vấn đề xã hội lớn trong tương lai, khi nhiều người hết tuổi lao động không có lương hưu...
Chính vì vậy, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã yêu cầu sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt, đồng thời với việc điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Trong đó có việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp...
Như vậy, dự kiến sửa đổi quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí chính là bước thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo hiểm xã hội.
Việc sửa đổi quy định này cũng có thể xem như “một mũi tên trúng nhiều đích” khi hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra sau hơn bốn năm thực hiện luật, nhằm mở rộng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội với tư cách là một trong những cột trụ quan trọng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia; hạn chế tình trạng gia tăng hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đồng thời tăng số người cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được hưởng lương hưu, giảm sức ép đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai...
Mặc dù vậy, cũng không thể xem đây là “cây đũa thần”, bởi việc giải quyết những vấn đề, tồn tại đang có trong chính sách và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội còn liên quan nhiều nội dung, giải pháp khác đã được đề cập cụ thể tại Nghị quyết 28-NQ/TW.
Riêng với nội dung này, một vấn đề cũng cần được lưu ý ngay, đó là: Với nguyên tắc đóng - hưởng, chắc chắn, với thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì tỷ lệ hưởng - mức lương hưu của người lao động cũng sẽ không thể cao. Điều đó vẫn có thể trở thành lý do dẫn đến những lựa chọn khác của người lao động.
Bởi vậy, yêu cầu đặt ra trong thời gian này là việc thiết kế chính sách này phải dựa trên những tính toán cụ thể, khoa học, bám sát thực tiễn, để có thể thỏa mãn được nhu cầu, mong muốn của cả cơ quan quản lý lẫn người lao động ■