15% dân số Việt Nam mắc các rối loạn do stress
Có tới 50% bệnh nhân mắc rối loạn do stress không được phát hiện
TS, BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho hay, có tới gần 50% bệnh nhân mắc rối loạn do stress không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa. Các bác sĩ nội khoa cũng ít quan tâm đến triệu chứng cảm xúc; sự suy yếu của tâm lý và căng thẳng, stress nên dẫn tới nhiều nhầm lẫn trong chẩn đoán. Nhiều bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần khá muộn do sợ bị kỳ thị, hiểu nhầm; do chỉ lo các bệnh lý nội khoa… “Các rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống... cũng là bệnh lý tâm thần mà nhiều người không biết”, TS Phương nói.
Viện Sức khỏe tâm thần vừa tiếp nhận hai ca bệnh mắc chứng rối loạn liên quan đến stress. Một bệnh nhân nữ (38 tuổi) vào viện vì thường xuyên đau đầu và đã phải nghỉ việc một năm. Bệnh nhân là người hay lo nghĩ, cầu toàn và stress suốt bốn năm qua do phải vay tiền xây nhà, trong khi chồng làm ở xa không giúp đỡ xây nhà, chăm con.
Sau một thời gian biểu hiện hay căng thẳng lo lắng, bệnh nhân có cảm giác đau đầu hai bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm bệnh nhân khó vào giấc chỉ ngủ được 1-2 giờ/đêm. Khi gặp căng thẳng bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi về nội khoa, uống thuốc không đỡ lại tiếp tục đi khám ở cơ sở y tế khác.
“Sau khi điều trị ở tim mạch, thần kinh tại bệnh viện các tuyến, bệnh nhân được đưa vào điều trị tại viện. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn dạng cơ thể. Riêng chi phí đi khám, mua thuốc đã nhiều hơn cả số tiền vay nợ xây nhà”, TS Phương cho hay.
Một ca bệnh khác là một nam thanh niên 28 tuổi làm nghề lái xe. Bệnh nhân vào viện vì có cơn cảm giác hồi hộp sáu tháng trước. Bệnh nhân gặp quá nhiều lo lắng căng thẳng vì lo đám cưới, lo về kinh tế, về sức khỏe, lo sợ tai nạn xảy ra nên không dám ra ngoài đường. Rối loạn stress khiến bệnh nhân ngủ kém, đêm giật mình, mệt mỏi kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi…
Mặc dù đám cưới đã diễn ra năm tháng trước nhưng bệnh nhân vẫn còn triệu chứng lo lắng lan man dẫn tới tình trạng sức khỏe giảm sút, phải nghỉ làm.
“Bệnh nhân này cũng đã đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh. Sau đó bệnh nhân lên khám tại Bệnh viện Bạch Mai, được chụp CT sọ não, holter điện tim, đo chức năng hô hấp nhưng đều không phát hiện bất thường. Bệnh nhân được người quen giới thiệu nên đến khám tại Viện sức khỏa Tâm thần và chúng tôi tìm ra nguyên nhân bệnh của nam thanh niên này do rối loạn lo âu lan tỏa”, BS Phương nói.
15% dân số Việt Nam mắc các rối loạn do stress
Theo TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị liên quan stress, các rối loạn liên quan stress ngày càng gia tăng tùy theo các quốc gia khác nhau và từng thể bệnh. Các bệnh lý do stress thường khởi phát ở lứa tuổi trẻ, nữ gặp nhiều hơn nam và hay gặp ở các nước phát triển.
TS Tâm cho hay, ở nước ta, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress (năm 2017). Tuy nhiên, số người biết bệnh và đi khám rất thấp. Thời gian gần đây, số trường hợp đến khám rối loạn liên quan stress tại viện có phần gia tăng hơn, với khoảng 300 bệnh nhân/ngày.
Theo một nghiên cứu của Mỹ, các rối loạn hoảng sợ chiếm từ 1,5-2,5%; rối loạn ám ảnh cưỡng chế là 2,5%; rối loạn stress sau sang chấn từ 1-14%; rối loạn lo âu lan toản chiếm 9%.
Rối loạn lo âu liên quan đến stress biểu hiện ở hai dạng bệnh lý là cấp tính và kéo dài. Trong đó, về trầm cảm do stress, có khoảng 350 triệu bệnh nhân trên thế giới phải chịu đựng trầm cảm, với chi phí tiêu tốn khoảng 210,5 tỷ USD/năm (2010) để chẩn đoán. Có tới 90% người có quyết định tự tử liên quan đến rối loạn tâm thần.
Lo âu cũng mang lại gánh nặng với khoảng 5% dân số trên toàn thế giới mắc phải. Riêng chi phí y tế cho rối loạn lo âu rất lớn, gấp ba lần các bệnh nội khoa thông thường. “Khi bị mắc các rối loạn liên quan đến stress, nhiều người có xu hướng tìm đến game, rượu, ma túy, cờ bạc… dẫn tới nghiện, càng khó cho bác sĩ tâm thần điều trị”, TS Tâm nói.
TS Dương Minh Tâm cho biết, các yếu tố stress, cơ thể và tinh thần là ba yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý về tâm thần. Stress phụ thuộc nhiều vào chống đỡ của cá nhân, vào nhân cách mỗi người. Người có nhân cách mạnh nhưng yếu đuối thì sự chống đỡ yếu hơn.
Sau stress, ai cũng có phản ứng cảm xúc căng thẳng ở mức nhất định nhưng sau thời gian sẽ giảm và ổn dần, nếu là bệnh thì ngược lại. BS Tâm chia sẻ, người bệnh trước khi khoẻ mạnh nay xuất hiện triệu chứng không thể giải thích về mặt cơ thể, nhưng các triệu chứng thường dao động theo trạng thái tinh thần; hoặc ở giai đoạn muộn hơn, sau khi đi khám xét và xét nghiệm không phát hiện bất thường phù hợp với các khó chịu mà mình đang trải nghiệm, thì nghĩ đến chuyên khoa tâm thần.
“Việc chẩn đoán đúng thể bệnh, đúng nguyên nhân quyết định việc chữa khỏi bệnh hay không. Bệnh có nguyên nhân tâm lý nên việc điều trị bằng tâm lý là quan trọng”, TS Tâm cho hay.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?