Tại sao không được bẻ nhỏ viên thuốc?

13/05/2020 - Blog chuyên gia
Không ít người cho rằng, uống thuốc chỉ cần đủ liều lượng, đúng giờ là được, còn việc uống như thế nào không quan trọng. Tuy nhiên đây là cách nhìn chưa đầu đủ. Việc uống thuốc không đúng cách như bẻ nhỏ, nghiền nát, nhai thuốc, mở viên nang con nhộng chỉ lấy thuốc bột bên trong uống… có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bẻ nhỏ thuốc dễ gây nguy hiểm vì sao?

Thuốc dành cho đường uống có 2 loại: Dạng lỏng gồm : sirô , nhũ dịch, hỗn dịch, thuốc uống nhỏ giọt; dạng rắn gồm: thuốc đóng gói, thuốc cốm, thuốc viên. Riêng thuốc viên lại chia ra: viên nén trần, viên nén bao (vỏ bọc là đường hoặc lớp phim mỏng), viên nhộng (còn gọi là viên nang).

Cổ họng của người lớn trung bình có đường kính 2cm. Tuy nhiên, một số viên thuốc có thể dày hơn 1cm hoặc rộng 0,5cm, khiến việc nuốt chúng trở nên vô cùng khó khăn. Hiện không có bất kỳ quy tắc cụ thể nào về hình dạng cũng như kích cỡ của các viên thuốc. Một số loại thuốc, chẳng hạn như các viên thuốc tránh thai, có hiệu lực cao, nên chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ tạo ra tác dụng mong muốn, nên viên thuốc tránh thai thường rất nhỏ. Ngược lại, có loại thuốc (như ibuprofen) có hiệu lực thấp, nên phải sử dụng lượng lớn dược chất mới tạo ra được các tác dụng đích, vì vậy viên thuốc có kích thước lớn. Ngoài ra trong viên thuốc thường được hòa trộn với tá dược giúp viên thuốc thực sự hòa tan khi tiếp cận đích.Tùy thuốc hoạt chất của thuốc và các tá dược đi kèm để có kích cỡ viên thuốc.

Sẽ nguy hiểm khi cho rằng có thể đập vụn hoặc bẻ nhỏ các viên thuốc lớn để khiến chúng dễ nuốt hơn hoặc khiến việc uống chúng dễ dàng hơn bằng cách trộn với thức ăn. Hầu hết các viên thuốc đều có lớp vỏ bọc. Các lớp vỏ này lại cần thiết cho dược chất phát huy đúng tác dụng. Đây chính là yếu tố quyết định liệu viên thuốc hoặc viên con nhộng có an toàn để nghiền nát, bẻ vỡ hoặc hòa tan trước khi uống hay không. Phần lớn các dạng thuốc viên nén, nhộng, nang mềm ...đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, nhai nhỏ, bỏ vỏ nhộng, bẻ vụn chia thành nhiều liều... vì các vỏ này có tác dụng: Bảo vệ thuốc khỏi bị phân hủy bởi dịch axit của dạ dày; có tác dụng bao tan để bảo vệ dạ dày và thuốc xuống ruột mới tan; tránh mùi vị khó chịu để dễ uống; có tác dụng để hoạt chất giải phóng từ từ và liên tục khi nó di chuyển khắp cơ thể. Do đó, việc cắt vụn viên thuốc thành các mảnh nhỏ đồng nghĩa với việc dược chất được giải phóng trước thời điểm đáng lẽ cần phát huy tác dụng. Việc làm này sẽ phá chu trình trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể dẫn đến mất hoặc tăng/giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người dùng. Một số loại thuốc được bào chế dưới dạng tác dụng chậm, phóng thích dần vào cơ thể. Nếu bạn nghiền nhỏ ra, thuốc sẽ cho tác dụng cấp tập một lần, gây nguy hiểm hoặc quá liều.

Với một số bệnh nhân đặc biệt (trẻ em, người mắc bệnh nuốt khó hay bệnh nhân có đặt ống thông dạ dày, người cao tuổi), rất khó khi phải uống nguyên viên thuốc. Nhưng không vì thế mà tự ý chia nhỏ thuốc của người lớn và nghiền thành bột cho trẻ uống. Đối với trẻ, dạng thuốc lỏng là thích hợp hơn cả, hoặc cũng có thể dùng dạng thuốc bột đóng gói, thuốc cốm, thuốc viên sủi bọt. Các loại thuốc này được pha vào nước thành dung dịch trước khi uống. Trong trường hợp, nếu trẻ bị ói mửa ngay sau khi uống thuốc, có thể cho uống liều khác thay thế. Nhưng nếu trẻ ói mửa sau 10 phút hoặc hơn sau khi uống thuốc, không nên cho uống liều bù thay thế vì thuốc có thể đã được hấp thu. Trường hợp người mắc bệnh nuốt khó hay bệnh nhân có đặt ống thông dạ dày, người cao tuổi, rất khó nuốt được cả viên thuốc, vì vậy bác sĩ điều trị thường lựa chọn đường dùng khác thay thế hoặc bất đắc dĩ phải dùng giải pháp nhai, nghiền hay bẻ nhỏ viên thuốc và chỉ bác sĩ mới có quyền quyết định việc này.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những dạng thuốc viên không được nhai, nghiền hay bẻ nhỏ

Thuốc dạng phóng thích dược chất kéo dài: Các dạng này có thể được nhận biết nhờ những kí hiệu trên tên thuốc như: 12-hour, 24-hour, CR (phóng thích có kiểm soát), LA (tác dụng kéo dài), Retard (chậm), SR (phóng thích chậm), XL (kéo dài hơn), XR (phóng thích kéo dài), LP (giải phóng kéo dài 8 giờ)...Đây là dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ (matrix) chứa thuốc, sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài, phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ. Đặc biệt, dạng thuốc này chứa liều cao hơn dạng thuốc thông thường nên phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng sai có thể gây quá liều nguy hiểm và đặc biệt không được nhai, bẻ nhỏ hoặc mở viên nang.

Thuốc bao tan trong ruột: Đây là dạng bào chế để thuốc đi qua dạ dày còn nguyên vẹn và chỉ tan ở phần đầu ruột non (tức tá tràng) và phóng thích dược chất ở ruột.Mục đích của dạng thuốc này là  ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày, ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày…vì vậy cần uống nguyên vẹn cả viên, không được bẻ nhỏ, kể cả nhai, ngậm.

Thuốc viên sủi: Đây là loại thuốc cần được làm tan hoàn toàn trong nước trước khi đưa vào cơ thể. Thuốc dạng sủi là dạng phải giữ nguyên viên, tránh ẩm tốt để giữ nguyên hoạt chất và chỉ uống sau khi hòa tan. Không được bẻ nhỏ viên sủi hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống, sẽ rất hại cho đường tiêu hóa và khi không đủ nước để tan, thuốc không thể phát huy hết tác dụng.

Thuốc ngậm dưới lưỡi: Với những viên thuốc đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được bẻ đôi, bẻ nhỏ viên thuốc. Việc làm này sẽ vô tình phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc,  làm hỏng dạng thuốc.

Thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc: Đối với các loại thuốc chứa dược chất có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc như để điều trị ung thư, thuốc gây độc tế bào, thuốc ức chế miễn dịch, như endoxan, methotrexat..., việc nhai hoặc nghiền các thuốc này có thể không ảnh hưởng đến dược động học của thuốc nhưng sẽ tạo ra các hạt phân tử có khả năng gây hại cho người thao tác do hít phải các phân tử này, hoặc bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây kích ứng.

DS. Hà Thanh - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới