1001 Bài thuốc quý từ cây Sa nhân
Tác dụng dược lý
Thử nghiệm trong ống nghiệm cho thấy sa nhân có tác dụng ức chế sự phát triển của phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, trực khuẩn thương hàn và diệt amip lỵ. Trong một thử nghiệm lâm sàng, hạt sa nhân có hiệu quả điều trị rõ rệt trên viêm loét dạ dày-tá tràng.
Công dụng
Sa nhân là vị thuốc kích thích và giúp tiêu hóa, chữa ăn không tiêu, đau bụng lạnh, tiêu chảy, lỵ, nôn ọe, động thai. Ngày uống 3-6g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài hạt sa nhân giã thành bột, chấm vào răng đau, hoặc ngâm rượu với nồng độ đặc rồi ngậm để chữa đau răng. Thân rễ cây sa nhân (10g) cắt nhỏ ngâm với 100 ml rượu trong 15 ngày, dùng xoa bóp chữa đau nhức các khớp.
Ở Trung Quốc, sa nhân còn được dùng làm thuốc điều kinh, hạ sốt, trị bệnh lao có ho ra máu, bệnh về gan, tử cung và thấp khớp. Sa nhân thường có trong thành phần các thuốc lợi tiêu hóa, trị ho và cảm lạnh.
Bài thuốc có sa nhân
Chữa viêm loét dạ dày-tá tràng:
- Vùng thượng vị đau dữ dội: Sa nhân 8g; hương phụ, lá khôi, mỗi vị 10g, khổ luyện tử 8g; trầm hương, chích thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Vùng thượng vị đau liên miên, nôn nhiều: Sa nhân 10g, lá khôi 20g, sâm bố chính 12g, vân mộc hương 8g; bán hạ chế, trần bì, mỗi vị 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tiêu chảy cấp tính do nhiễm lạnh, lên men hơi:
- Sa nhân 8g, bạch biển đậu 12g, rau má sao vàng 10g; hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g, gừng 2g. Sắc uống ngày một thang.
- Sa nhân 8g, hoắc hương 12g, vỏ vối 10g; vân mộc hương, trần bì, hương phụ, hạt vải, mỗi vị 8g. Tán bột làm viên, ngày uống 10g hay sắc uống ngày một thang.
Chữa tiêu chảy cấp tính do nhiễm khuẩn: Sa nhân 12g, bạch biển đậu 20g; thảo quả, ô mai, sắn dây, mỗi vị 12g, cam thảo 6g. Tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g với nước chè đặc.
Chữa tiêu chảy mạn tính ở các trường hợp rối loạn tiêu hóa do kém hấp thu, loạn khuẩn, viêm đại tràng mạn:
- Sa nhân 8g; sâm bố chính, củ mài, ý dĩ sao, mỗi vị 12g; trần bì, vân mộc hương, mỗi vị 8g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Sa nhân 6g; bạch truật, đảng sâm, hoài sơn sao, ý dĩ sao, mỗi vị 12g; phục linh, trần bì, mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tiêu chảy mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, phân thường sống: Sa nhân 8g; sâm Bố chính, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ, mỗi vị 12g; nhục quế, can khương, vân mộc hương, vỏ quýt, mỗi vị 8g. Tán bột, mỗi ngày uống 20g.
Chữa chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy: Sa nhân, hạt sen, cát cánh (sao), ý dĩ, mỗi vị 500g; bạch biển đậu (ngâm nước gừng, bỏ vỏ, sao nhẹ); nhân sâm, phục linh, bạch truật, cam thảo (sao), hoài sơn, mỗi vị 100g. Các vị nghiền thành bột, trộn đều. Mỗi lần uống 6g bột với nước sắc táo nhân.
Chữa trẻ em tiêu chảy do suy dinh dưỡng (suy dinh dưỡng độ II): Sa nhân 2g, hoài sơn 12g; bạch truật, ý dĩ, mỗi vị 6g; cam thảo nam, mạch môn, mỗi vị 4g. Nếu do tích trệ đồ ăn, bụng trướng, thêm: đại phúc bì, sơn tra, thần khúc, mỗi vị 4g. Tán bột làm viên, uống mỗi ngày 4-8g.
Chữa tiêu chảy kéo dài ở trẻ em bị rối loạn tiêu hóa loạn khuẩn, phân sống, trẻ chậm lớn, người gầy yếu: Sa nhân 8g, đảng sâm 20g; ý dĩ, liên nhục, bạch biển đậu, bạch truật, phục linh, hoài sơn, mỗi vị 16g; cát cánh, trần bì, mỗi vị 8g, cam thảo 6g. Tán bột làm viên, uống mỗi ngày 6-10g.
Chữa chứng tích trệ sữa không tiêu ở trẻ nhỏ còn bú: Sa nhân 20g, hương phụ 80g; mạch môn, thần khúc, mỗi vị 40g, chích thảo 20, trần bì 8g. Tán bột, ngày uống 4-6g chia hai lần uống.
Chữa chứng tích trệ đồ ăn ở trẻ em do không tiêu hóa được, bụng đầy trướng, tiêu chảy mũi chua, ra thức ăn không tiêu: Sa nhân 8g; vân mộc hương, bạch truật, mạch nha, chỉ thực, hoàng liên, sơn tra, trần bì, mỗi vị 12g; liên kiều, hạt cải củ, mỗi vị 8g. Tán nhỏ, làm viên. Ngày uống 4-8g.
Chữa rối loạn tiêu hóa kéo dài ở trẻ em: Sa nhân 20g; ý dĩ, hoài sơn, liên nhục, đảng sâm, bạch biển đậu, mỗi vị 100g, mầm mạ cây lúa 30g, trần bì 20g. Hai vị: sa nhân, trần bì, sắc nước đặc, các vị khác tán bột mịn, làm thành dạng cốm. Trẻ em 1-3 tuổi, ngày uống 12-16g chia 2 lần.
Chữa trẻ em hay trớ sữa: Sa nhân 14 nhân, bạch đậu khấu 14 nhân; sinh cam thảo, chích cam thảo, mỗi vị 6g. Tán thành bột mịn, xát vào miệng trẻ.
Chữa lỵ amip bán cấp, phân có nhiều chất nhầy, ít máu, còn gọi là bạch lỵ: Sa nhân 6g, thương truật 12g; hoắc hương, bán hạ chế, mỗi vị 8g; hậu phác, trần bì, mộc hương, mỗi vị 6g; nhục quế, gừng, mỗi vị 4g, đại táo 4 quả. Sắc uống ngày một thang.
Chữa suy nhược cơ thể ở người có các bệnh rối loạn tiêu hóa mạn tính như tiêu chảy mạn tính, viêm loét dạ dày-hành tá tràng, viêm đại tràng mạn tính:
- Sa nhân 6g, đảng sâm 16g; bạch truật, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, liên nhục, mỗi vị 12g; phục linh, cát cánh, mỗi vị 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang hoặc tán bột, mỗi ngày uống 20g.
- Sa nhân 6g, đảng sâm 16g, bạch truật 12g; phục linh, bán hạ chế, mỗi vị 8g; trần bì, mộc hương, mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Tán bột, uống mỗi ngày 20g, hoặc sắc uống ngày một thang.
Chữa suy nhược cơ thể ở người rối loạn tiêu hóa kéo dài, trời trở lạnh thường đau bụng, đầy bụng, tiêu chảy:
- Sa nhân 8g, hoài sơn 16g, hạt sen 12g; vỏ quýt, mạch nha, cây vú bò, bán hạ chế, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Sa nhân 6g, đảng sâm 16g; bạch truật, liên nhục, mỗi vị 12g; can khương, trần bì, mỗi vị 6g, chích thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tăng huyết áp: Sa nhân 6,6g, đỗ trọng 33g, hoàng bá 10g, cam thảo 6,6g. Trong trường hợp bị suy tim, gia thêm quế 6,6g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa tăng cholesterol máu: Sa nhân 8g; đảng sâm, câu đằng, củ chóc (chế), mỗi vị 15g; mạch môn, thạch cao, bạc hà (hoặc phòng phong), vỏ quýt, mỗi vị 12g; cúc hoa vàng, lá tre non, mỗi vị 10g. Làm thành viên hoàn, ngày uống 20-30g.
Chữa đau lưng, chân tay đau mỏi: Sa nhân 30g, thỏ ty tử 120g, đỗ trọng 60g; tục đoạn, tỳ giải, hồi hương, cẩu tích, đương quy, lộc nhung, mỗi vị 30g; xuyên sơn giáp (vẩy tê tê), nhũ hương, mỗi vị 20g, một dược 10g. Chế thành viên hoàn. Mỗi lần uống 3g với nước muối nhạt.
Chữa thấp khớp, đầu gối đau, hoặc bong gân: Lá sa nhân, lá dâm hôi, lượng bằng nhau, nấu nước đặc, ngâm chân trong nước thuốc ấm.
Chữa ngạt mũi, cảm cúm, nhức đầu: Cao xoa, dạng cao mềm chứa tinh dầu sa nhân, tinh dầu đinh hương, bạc hà, quế, long não, hồi. Khi dùng, lấy một ít cao bôi xoa vào mũi, thái dương, gáy.
Chữa thần kinh suy nhược, kém trí nhớ, hồi hộp, mệt mỏi, kém ăn, kém ngủ: Sa nhân 1g, sơn tra 2g, cẩu tích 4g, toan táo nhân 1,2g, tá dược vừa đủ làm viên, chia 2-3 lần uống trong ngày. Dùng nhiều ngày.
Chữa liệt dương do suy nhược cơ thể, ăn kém, ngủ ít, di tinh: Sa nhân 6g; hoài sơn, đinh lăng, ý dĩ, hoàng tinh, cám nếp, hà thủ ô đỏ, kỷ tử, long nhãn, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa di mộng tinh: Sa nhân 30g, hoàng bá 60g; thục địa, thiên môn, đảng sâm, mỗi vị 40g, cam thảo 10g. Các vị tán bột, trộn với mật ong, làm viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 30 viên với nước nóng trước bữa ăn độ một giờ.
Chữa kinh nguyệt ra trước kỳ, lượng nhiều, màu nhạt loãng, hồi hộp, thở ngắn hơi, cảm thấy eo lưng, đùi mỏi rũ, do cơ thể suy nhược, dinh dưỡng kém:
- Sa nhân 8g; đảng sâm, ý dĩ, mỗi vị 20g, hoài sơn 12g, bạch truật 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Sa nhân 4g; đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 8g, bạch linh 4g. Tán bột, làm viên hoàn, ngày uống 20-30g.
Chữa kinh nguyệt ra sau kỳ, sắc nhợt, dính, lượng có thể nhiều hay ít, ngực bụng trướng, thường buồn nôn, ăn kém: Sa nhân 6g; bạch truật, đảng sâm, mỗi vị 12g; phục linh, bạch thược, bán hạ chế, đương quy, mỗi vị 8g; vân mộc hương, trần bì, mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Tán thành bột, uống với nước nóng mỗi ngày 12-16g.
Chữa đau bụng lúc đang hành kinh hoặc trước lúc hành kinh, bụng dưới trương căng, kinh nguyệt không thông, chu kỳ hành kinh không nhất định:
- Sa nhân 6g; ích mẫu, ngưu tất, mỗi vị 12g; hương phụ, ô dược, mỗi vị 8g, thanh bì 6g. Làm thành thuốc tán, thuốc viên, ngày uống 20g.
- Sa nhân, ô dược, hương phụ, huyền hồ, mỗi vị 8g, vân mộc hương 6g, cam thảo 4g. Làm thành thuốc tán, thuốc viên, ngày uống 20g.
Chữa bế kinh do dinh dưỡng kém, lao động quá mệt nhọc, bế kinh vài tháng, tinh thần mệt mỏi, đầy bụng, ăn kém, đại tiện lỏng: Sa nhân 8g; đảng sâm 20g; hoài sơn, ý dĩ, mỗi vị 16g; đương quy, bạch truật, bạch biển đậu, liên nhục, mỗi vị 12g, phục linh 10g; xuyên khung, cát cánh, trần bì, mỗi vị 6g, cam thảo 4g. Làm thành thuốc tán, thuốc viên, ngày uống 20-30g.
Chữa mặt và chân tay phù thũng khi có thai vài tháng, đầy bụng: Sa nhân 6g; bạch truật, mộc qua, mỗi vị 12g; phục linh, trư linh, trạch tả, trần bì, đại phúc bì, tang bạch bì, tô ngạnh, mỗi vị 8g; binh lang, vân mộc hương, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay sẩy thai: Sa nhân 8g; đảng sâm 16g; bạch truật, thục địa, bạch thược, tục đoạn, mỗi vị 12g; phục linh, đương quy, hoàng cầm, mỗi vị 8g, xuyên khung 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Thuốc an thai:
- Sa nhân 4g, mầm cây mía 10g, rễ gai 8g, ích mẫu 6g, hương phụ 4g. Sắc uống làm một lần trong ngày.
- Sa nhân 6g; rễ gai, hoài sơn, thục địa, mỗi vị 20g; cành tía tô, tục đoạn, ngải cứu, mỗi vị 12g, chỉ xác 8g. Sắc nước uống chia làm 2 lần trong ngày.
Hỗ trợ điề trị trẻ em bị viêm tai giữa mạn tính, chảy mủ loãng kéo dài, ăn kém, chậm tiêu: Sa nhân 8g; củ mài, bạch biển đậu, mỗi vị 16g; đảng sâm, ý dĩ, liên nhục, mỗi vị 12g; bạch truật, phục linh, hoàng liên, trần bì, cát cánh, hoàng bá, mỗi vị 8g, cam thảo 4g. Tán bột, uống mỗi ngày 20g chia làm 3 lần uống.
GS. Đoàn Thị Nhu - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
Bài thuốc dân gian - 19/12/2023
Bất ngờ với công dụng chữa bệnh của loại lá mọc dại trong vườn
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Bài thuốc dân gian - 18/10/2023
6 bài thuốc dân gian chữa đau lưng từ cây thuốc
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Bài thuốc dân gian - 31/12/2022
Cà cuống vừa là đặc sản vừa là vị thuốc đáng quý
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Bài thuốc dân gian - 29/07/2022
Địa long, công dụng có như lời đồn?
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường
Bài thuốc dân gian - 10/07/2022
Tác dụng của hạt quả vải với người bệnh tiểu đường