Ðánh thức tiềm năng dược liệu vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên (Kỳ 1)

Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là hai vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển các vùng dược liệu trọng điểm: diện tích khá lớn, địa hình đa dạng thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu. Ðây cũng là vùng đa dân tộc, đa văn hóa, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây cỏ làm thuốc.
Sục rửa dược liệu bằng công nghệ Ozone tại Công ty cổ phần Dược Lâm Ðồng. Ảnh: HOÀNG VƯƠNG
Sục rửa dược liệu bằng công nghệ Ozone tại Công ty cổ phần Dược Lâm Ðồng.
Ảnh: HOÀNG VƯƠNG

Phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đã từng bước xây dựng các đề án chiến lược phát triển dược liệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong các khâu từ nuôi trồng đến chế biến dược liệu.

Bài 1: Ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo tồn, phát triển dược liệu

Thời gian qua, để phát huy các tiềm năng, lợi thế về dược liệu của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Ðảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, như: Chương trình Tây Nguyên, chương trình sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, chương trình quỹ gen, chương trình nông thôn mới. Từ những chính sách này, các địa phương trong vùng đã triển khai, áp dụng KH và CN để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, xác định được một số dược liệu là thế mạnh để nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, hình thành vùng trồng dược liệu tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Quảng Nam có sâm Ngọc Linh và cây ba kích là sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương. Theo đề án "Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam)", vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh thuộc địa bàn bảy xã của huyện Nam Trà My, với diện tích quy hoạch lên đến 15.568 ha. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt hơn 665 ha và đạt hơn 15 nghìn héc-ta vào năm 2030 với sản lượng ước đạt từ 150 đến 200 tấn/năm.

Về vùng "lõi" trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, chúng tôi tận mắt thấy những vườn sâm Ngọc Linh mướt xanh dưới tán rừng già, biết được ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư vào trồng, chế biến sâm. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu vui mừng chia sẻ: "Từ khi có đề án bảo tồn và phát triển cùng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, 5 năm gần đây, việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh được người dân địa phương và DN triển khai tại nhiều nơi.

Trước năm 2014, chỉ có 100 hộ tại xã Trà Linh trồng, với diện tích khoảng hơn 60 ha, đến nay, đã có hơn 1.500 hộ với diện tích đăng ký hơn 2.000 ha. Nhờ thu nhập từ sâm, cuộc sống người dân ở huyện Nam Trà My được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Hiện, giá sâm các loại bình quân từ 50 đến 75 triệu đồng/kg. Có nhiều hộ trồng đến 10 nghìn gốc sâm và trở thành tỷ phú trên đỉnh núi Ngọc Linh. Bên cạnh đó, nhiều hộ tập trung đầu tư phát triển cây sâm giống để cung ứng cho người dân trên địa bàn huyện. Sâm giống loại một năm tuổi có giá từ 150 đến 180 nghìn đồng/cây".

Ngoài sâm Ngọc Linh, Quảng Nam còn tập trung phát triển vùng dược liệu cây ba kích và các loài dược liệu quý khác tại các huyện: Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân miền núi mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu cho cây dược liệu, nhất là thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Tại tỉnh Kon Tum, nhiều DN mạnh dạn đầu tư, phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm. Ðiển hình là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển được hơn 500 ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH Thái Hòa trồng 40 ha sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ vàng, gừng, giảo cổ lam... Tại tỉnh Khánh Hòa, Công ty cổ phần Trang trại dược liệu Liên Sơn đang triển khai dự án trồng dược liệu kết hợp bảo vệ nuôi dưỡng rừng trồng, trên diện tích tự nhiên 82,65 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng; thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN xây dựng mô hình trồng cây sa nhân tím theo tiêu chuẩn GACP nhằm tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất thuốc tại huyện Khánh Vĩnh, với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Tại tỉnh Gia Lai, Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh đầu tư xây dựng cụm nhà máy sản xuất dược liệu, thực phẩm Trường Sinh, dự kiến nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 đến 20 tấn dược liệu/năm.

Trong khi đó, Lâm Ðồng được xem là "vựa dược liệu" của khu vực và tỉnh đã có những kết quả đáng kể về ứng dụng KH và CN vào phát triển, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý. Tỉnh đã xây dựng "Danh lục Tài nguyên dược liệu Lâm Ðồng". Hiện Lâm Ðồng có bảy công ty, bốn hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu. Các DN đã liên kết với các hộ trồng dược liệu trên địa bàn. Khoảng 80% sản phẩm dược liệu tiêu thụ tại thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu, như: trà a-ti-sô, nấm linh chi, diệp hạ châu… Riêng cây a-ti-sô đã được trồng quy mô lớn, khoảng 160 ha, theo hướng sản xuất hàng hóa tại TP Ðà Lạt và huyện Lạc Dương, năng suất bình quân 384,5 tạ/ha, sản lượng hơn 6.150 tấn/năm.

Ngoài vùng nguyên liệu a-ti-sô và các loại dược liệu quý đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO) và Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), hiện, Công ty cổ phần Dược Lâm Ðồng (Ladophar) nhập khẩu các giống a-ti-sô mới để trồng thử nghiệm, hướng tới mở rộng diện tích trồng phục vụ sản xuất. Công ty đầu tư ba nhà máy quy mô lớn, với hệ thống dây chuyền chiết xuất cao a-ti-sô đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và chứng nhận HACCP cho ngành sản xuất thực phẩm chức năng.

Tổng Giám đốc Ladophar Phạm Thị Xuân Hương cho biết: "Ladophar hiện đang cung cấp sản phẩm thuốc điều trị cho hệ thống bệnh viện, phòng khám và các cơ sở chăm sóc sức khỏe cả nước; cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các công ty dược, các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng trong nước và nước ngoài. Kênh xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự phát triển dài hạn tại thị trường quốc tế. Doanh thu xuất khẩu năm 2019 dự kiến hơn một triệu USD".

Tỉnh Lâm Ðồng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước định hướng di thực, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Theo các nhà khoa học, qua 5 năm thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt với mái che nhân tạo và công nghệ mới trên độ cao 1.400 m tại Lâm Ðồng cho kết quả rất khả thi; năng suất, chất lượng cao; hàm lượng saponin vượt trội. Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng cho biết: "Việc trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Ðồng giúp tạo ra nguồn sâm có giá trị, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và bảo vệ môi trường của tỉnh. Ðồng thời, mở ra triển vọng phát triển sâm Việt Nam tại nhiều địa phương trong nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ giao sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình canh tác sâm theo hướng công nghệ cao, từng bước chuyển giao phát triển sản xuất sâm quy mô lớn".

Xóa đói giảm nghèo nhờ cây dược liệu

Nhờ mô hình liên kết trồng dược liệu giữa DN và người dân, đến nay, nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có thu nhập ổn định. Theo đồng chí Ha Rô Ky, Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng), phát triển cây dược liệu đang mở ra triển vọng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã. Hiện xã có khoảng 25 hộ đã chuyển đổi sang trồng cây a-ti-sô, với diện tích hơn 5 ha, trong đó, phần lớn tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ với Công ty Ladophar.

Thời gian tới, sẽ có nhiều gia đình chuyển đổi một phần diện tích sang trồng một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đầu ra được bảo đảm. Người dân yên tâm chuyển đổi sang trồng dược liệu vì có sự đồng hành của DN, sự hỗ trợ của chính quyền. Như gia đình bà H’A Niê ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Ðôn, tỉnh Ðác Lắc nhiều năm chỉ trồng sắn, ngô cho nên hiệu quả không cao. Năm 2016, gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng cây hà thủ ô. Hiện, năng suất đạt 2,6 tấn/ha, giá bán hơn 90 triệu đồng/tấn và được DN hợp đồng thu mua. Gia đình bà Nguyễn Thị Lương ở thôn Tân Tiến, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’Gar, tỉnh Ðác Lắc trồng 300 cây hòe, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.

Gia đình ông Ðinh Dũng (trú làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) được UBND huyện Kbang hỗ trợ 100 cây sa nhân tím trồng dưới tán cây bời lời trên diện tích 1 ha từ năm 2006. Theo ông Dũng, cây sa nhân dễ trồng, không yêu cầu kỹ thuật cao, khâu chăm sóc đơn giản, chủ yếu là cắt tỉa cây già. Sau từ 3 đến 5 năm, cây cho quả, bình quân 1 ha sa nhân tím cho sản lượng khoảng 700 kg quả tươi, mỗi năm thu về khoảng 60 triệu đồng/ha, giúp cải thiện nguồn thu nhập. Hiện, gia đình đã trồng mới thêm 1 ha sa nhân tím. Nhiều hộ dân cho biết, so với các loại cây trồng khác, nhất là trong tình hình giá cà-phê, hồ tiêu giảm thấp như thời gian gần đây, thì trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, nhờ đó mà đời sống người dân thoát khỏi khó khăn.

Trong quá trình chuyển đổi cây trồng cũng đã hình thành những mô hình phát triển dược liệu hiệu quả. Là đơn vị tiên phong trồng cây đương quy với diện tích lớn, HTX Nông nghiệp - Xây dựng và Thương mại Sơ Pai (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thành công với mô hình ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh và liên kết với hộ dân trồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Phạm Văn Hậu cho biết: Từ việc ký hợp đồng với DN, HTX đã mạnh dạn trồng gần 2 ha cây đương quy, mỗi héc-ta cho thu nhập hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm nay, HTX liên kết với 15 hộ dân trồng thêm 15 ha trên địa bàn hai xã Krong và Sơ Pai. Mỗi héc-ta, người dân được công ty hỗ trợ 40 triệu đồng cây giống và bảy tấn phân bón.

Với giá thu mua như hiện nay, không chỉ người dân có thu nhập ổn định mà HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Trong khi đó, để mở rộng vùng trồng và tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Kon Tum đã ban hành nghị quyết phấn đấu mỗi hộ dân tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông phát triển ít nhất một sào sâm dây. Chính quyền đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng quỹ đất kết hợp với sản xuất nương rẫy trồng xen cây sâm dây, Nhà nước hỗ trợ cây giống. Toàn xã có hơn 200 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số liên kết với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum để bảo vệ, chăm sóc vườn sâm dây, với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng người/tháng qua đó mở ra hướng thoát nghèo mới cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bên cạnh những giá trị về kinh tế, việc phát triển dược liệu vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các địa phương trong vùng cần hợp sức để xây dựng giải pháp tổng thể mang tính quyết định nhằm phát triển dược liệu gắn liền với bảo tồn. Ðể làm được điều này, cần đặt ra các chế tài, định hướng nền tảng, gắn phát triển dược liệu với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của từng tỉnh, thành phố.

(Còn nữa)

                                        CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC BÁO NHÂN DÂN TẠI ÐÀ NẴNG

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Y học cổ truyền - 04/06/2022

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền

Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền

Y học cổ truyền - 13/06/2020

Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Y học cổ truyền - 17/05/2020

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Y học cổ truyền - 15/05/2020

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Ai không nên ăn cay

Ai không nên ăn cay

Y học cổ truyền - 11/05/2020

Ai không nên ăn cay

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới