Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'
Trong Đông y, uống rượu ngâm làm lưu thông khí huyết, kích thích tiêu hóa, giúp người uống với liều lượng nhất định cảm thấy khỏe khoắn, ăn ngon miệng hơn. Rượu được chưng cất đúng cách theo phương pháp cổ truyền để loại bỏ độc tố như metylic và các aldehyd, ngâm chung với các thảo dược hoặc động vật sẽ bồi bổ sức khỏe. Một số rượu thuốc quý như rượu nhân sâm, rượu câu kỷ tử, rượu hà thủ ô...
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết rượu thuốc cũng giống như thuốc, phải uống điều độ, không phải cứ uống càng nhiều càng tốt và ai cũng uống được. "Nguy hiểm hơn là ngâm rượu theo công thức truyền miệng, nghe nói, nghe đồn hoặc tiện đâu mua đó", giáo sư nhấn mạnh.
Chọn thuốc tốt, ngâm đúng cách, sử dụng đúng liều, đúng tiêu chuẩn thì mới phát huy hết tác dụng quý của rượu thuốc. Chỉ nên uống 30 ml mỗi ngày trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Không nên uống quá nhiều, uống lúc đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Sau khi uống nếu xuất hiện tình trạng ngủ lịm, lơ mơ hoặc kích thích quá nhiều thì nên đưa bệnh nhân tới viện để được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Mỗi loại thuốc và dược liệu đều có công dụng khác nhau, phải đặc biệt kỹ lưỡng trong việc lựa chọn hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, mật động vật không rõ độc tính. "Sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao", tiến sĩ Nguyễn Thị Bay, nguyên trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP HCM, nhấn mạnh.
Trong y học cổ truyền, mật thường được dùng để chữa các chứng bệnh có liên quan đến gan, sốt cao, co giật, chấn thương, bầm dập, bong gân, gãy xương... Khi sử dụng bằng đường uống cần thận trọng vì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hiện, nhiều loại rượu ngâm bán trên thị trường có dùng nhiều dược liệu giả. Do đó nên mua dược liệu từ nhà chuyên môn hay những địa chỉ bán uy tín và ngâm đúng quy trình. Nếu không chắc chắn về loại rượu uống, hoặc không dùng, hoặc nên pha loãng và uống số lượng ít.
Những người bị bệnh gan cần hạn chế do gan bị tổn thương sẽ không đào thải được rượu, dẫn tới rượu tích tụ trong cơ thể gây xơ gan hoặc bệnh gan nặng hơn. Người bệnh cao huyết áp nếu uống rượu thuốc cũng làm huyết áp tăng cao đột ngột, dễ làm vỡ mạch máu, xuất huyết não gây tử vong.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Y học cổ truyền - 04/06/2022
Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Y học cổ truyền - 13/06/2020
Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Y học cổ truyền - 17/05/2020
Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn
Ai không nên ăn cay
Y học cổ truyền - 11/05/2020
Ai không nên ăn cay
Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của 13 thực phẩm phổ biến trong nhà
Y học cổ truyền - 16/04/2020
Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của 13 thực phẩm phổ biến trong nhà