Chợ đen chục tỷ USD vấy bẩn y học cổ truyền

Việc khai thác động vật quý hiếm như hổ, tê tê, tê giác bừa bãi làm tổn hại danh tiếng của y học cổ truyền Trung Quốc, các lương y cảnh báo.

Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương đẩy mạnh vai trò của y học cổ truyền Trung Hoa trong điều trị bệnh, bởi cho rằng Trung y là phần thiết yếu của cả nền văn hóa, khoa học lẫn kinh tế nước này. Ước tính tổng giá trị ngành Trung y dược lên đến 420 tỷ USD tính đến cuối năm nay, theo Sách Trắng y tế Trung Quốc. 

Tuy nhiên những mảng tối trong việc tiêu thụ động vật có nguy cơ tuyệt chủng - những thứ được cho là vị thuốc, đặc biệt là mối nghi virus gây đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, đang làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội. Sự chỉ trích lên đến mức giới chức Trung Quốc đầu tháng này phải ra tay ngăn chặn bằng soạn thảo dự luật quy định xử phạt người nào "phỉ báng y học cổ truyền". 

Chính phủ thậm chí xây dựng chuyên trang về đại dịch mang tên "Chiến đấu với Covid-19 theo cách Trung Quốc", dành một phần đáng kể nói về Trung y. 

Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho biết hiện có 900 triệu người thực hành y lý Đông phương ở 183 quốc gia. Con số vẫn tiếp tục tăng lên. Trong năm 2017, các phòng khám y học cổ truyền Trung Quốc khám và điều trị một tỷ lượt bệnh nhân, và con số này tăng 6% mỗi năm. 

Theo báo cáo trên cổng thông tin nhà nước, Tiến sĩ Zhang Boli, học giả tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã điều trị thành công cho 564 bệnh nhân Covid-19 bằng y học cổ truyền, không trường hợp nào tiến triển nguy kịch. 

Một công nhân đang lấy mật gấu tại trang trại phía đông nam, Trung Quốc vào năm 2012. Ảnh: AFP
Một công nhân đang lấy mật gấu tại trang trại phía đông nam, Trung Quốc vào năm 2012. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nhiều người nhận định chính việc sử dụng động vật hoang dã với danh nghĩa nguyên liệu bào chế thuốc là nguồn cơn của đại dịch Covid-19, giết chết hơn 400.000 người trên toàn thế giới. Nghiên cứu công bố hôm 6/5 trên tạp chí Nature cũng  cảnh báo cần đánh giá nghiêm ngặt hơn đối với các bài thuốc của Tiến sĩ Zhang Boli. 

Các nhà khoa học đại lục từng nghi ngờ tê tê hoặc dơi là vật chủ trung gian truyền nCoV. Chính quyền nước này cũng vì thế mà loại bỏ vẩy tê tê khỏi Dược điển Trung Hoa - danh sách chính thức quy định các loại nguyên liệu được dùng bào chế thuốc. Trước đó, tê tê được coi là nguồn nguyên liệu quý hiếm, giúp tăng số lượng bạch cầu, củng cố hệ miễn dịch cho người. 

Khi bệnh Covid-19 bùng phát cuối tháng 12/2019, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán - nơi bán nhiều động vật hoang dã, bị nghi ngờ là ổ dịch Covid-19 đầu tiên. Tháng 2, Đại hội đồng Nhân dân Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên cạn. Tuy nhiên trọng tâm của lệnh nhằm hạn chế ăn thịt thú rừng, thay vì kiểm soát việc sử dụng lông hoặc da chúng điều chế thuốc.

Chưa đầy một tháng sau, chính quyền nước này lại khuyến nghị sử dụng Tan Re Qing, một loại thuốc tiêm có chứa mật gấu, để điều trị các ca nhiễm nCoV nặng và nghiêm trọng. Kể từ thế kỷ thứ 8, mật gấu được coi là nguyên liệu phổ biến trong y học cổ truyền. Mật gấu đen và gấu nâu châu Á chứa hàm lượng  ursodeoxycholic cao, được tin là giúp làm tan sỏi mật, điều trị bệnh gan ở người. 

Bên ngoài Trung Quốc, việc sử dụng mật gấu bị các nhà bảo vệ động vật lên án dữ dội. 

"Thật đau lòng khi biết rằng bác sĩ Trung y đang lấy mật gấu chữa cho người mắc Covid-19. Lý do gì để hủy hoại danh tiếng của Trung y bằng hành động nuôi thú lấy tạng? Câu trả lời duy nhất tôi nghĩ tới là thị trường buôn bán động vật hoang dã đang núp dưới cái tên y học cổ truyền", Grace Gabriel, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Động vật Quốc tế, cho biết.

Bà Gabriel không phải chuyên gia đầu tiên có quan điểm như trên. 

"Vấn đề không phải ở lương y, mà là ở những người buôn bán động vật hoang dã", tiến sĩ Lixing Lao, hiệu trưởng Đại học Y khoa Virginia, nhận định. "Người ta kiếm tiền từ điều này. Nó để lại tai tiếng đối với y học cổ truyền. Họ lợi dụng tên tuổi của Trung y để thực hiện ý đồ cá nhân, nhưng các lương y trong sạch". 

Một hiệu thuốc Đông y ở Indonesia bày bán sản phẩm bào chế từ vẩy tê tê, xuất xứ Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Guardian
Một hiệu thuốc Đông y ở Indonesia bày bán sản phẩm bào chế từ vẩy tê tê, xuất xứ Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Guardian

Theo thống kê năm 2017 của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, chỉ riêng thị trường nuôi thú hoang để lấy các bộ phận cho việc làm thuốc đã có giá trị thị trường 50 tỷ nhân dân tệ (7 tỷ USD). Đó là chưa kể đến số tiền trong việc buôn bán phi pháp động vật sống, xác động vật hoặc các bộ phận của chúng. Con số này thường cao hơn gấp nhiều lần, ước tính dựa trên số lượng động vật hoang dã buôn lậu bị thu giữ gồm vảy tê tê, sừng tê giác và xương hổ. The Guardian ước tính giá trị chợ đen này là 74 tỷ USD. 

Năm ngoái, nhà chức trách Trung Quốc thu giữ hơn 130 tấn sản phẩm có chứa tê tê, hầu hết được gắn mác thuốc cổ truyền. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, số lượng quần thể tê tê ở nước này đã giảm hơn 90%, kể từ năm 1960. Nhiều hãng dược tìm đủ cách luồn lách để có được vẩy tê tê, dù chúng được liệt vào danh sách động vật được bảo vệ. 

Các tổ chức bảo tồn thế giới cũng vì thế mà phát động nhiều phong trào kêu gọi hạn chế dùng động vật hoang dã nguy cấp trong Trung y.

"Nhìn chung, chúng tôi ủng hộ sự phát triển của y học cổ truyền, nhưng hoàn toàn không đồng tình với việc sử dụng động vật hoang dã, đang trên bờ vực tuyệt chủng như tê tê. Các động thái gần đây xuất phát từ lợi ích kinh doanh nhiều hơn là hướng đến ngành dược phẩm", Linda Wong, Phó tổng Thư ký Quỹ Phát triển Xanh và Bảo tồn Đa dạng Sinh học Trung Quốc, cho biết. 

Tiến sĩ Lao dẫn lời một danh y đời Đường, sống cách đây 1.500 năm, cho rằng 100% thuốc Trung y có thể lấy từ cây cỏ. 

"Sự cân bằng với thiên nhiên là điểm mấu chốt của Trung y. Việc sử dụng thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng là trái tự nhiên. Ngay cả trên lâm sàng, sử dụng động vật đã được chứng minh là không tốt", Lao nói. 

Y học cổ truyền Trung Hoa không chỉ có thuốc, mà là tập hợp của nhiều liệu pháp khác nhau, bao gồm châm cứu, hít thở, tập thể dục, điều chỉnh thói quen ăn uống phù hợp với thể trạng... Tất cả hướng về sự cân bằng. 

Tiến sĩ Lao khẳng định chỉ nên sử dụng các bài thuốc khi thực sự cần thiết, thay vì kê đơn đại trà như thuốc Tây, bởi y học Đông phương có phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhằm giảm nhu cầu dùng thuốc ngay từ đầu.

Thục Linh (Theo Guardian, Nature, National Geographic)

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Y học cổ truyền - 04/06/2022

Bất ngờ khi bưởi, chanh và ngải cứu có thể chữa thoát vị đĩa đệm

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Y học cổ truyền - 17/05/2020

Mẹo phân biệt cá tươi và cá ươn

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Y học cổ truyền - 15/05/2020

Hiểm họa chết người từ rượu ngâm 'gia truyền'

Ai không nên ăn cay

Ai không nên ăn cay

Y học cổ truyền - 11/05/2020

Ai không nên ăn cay

Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của 13 thực phẩm phổ biến trong nhà

Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của 13 thực phẩm phổ biến trong nhà

Y học cổ truyền - 16/04/2020

Tác dụng chữa bệnh bất ngờ của 13 thực phẩm phổ biến trong nhà

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới