Cây cứt lợn, những ứng dụng mới trong điều trị bệnh
Cây cứt lợn có tên khoa học là Ageratum conyzoides L., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
Ở nước ta, cây còn có những tên gọi khác: “Cây hoa cứt lợn”, “cỏ hôi”, “bù xích”, “hoa ngũ sắc”, “cỏ cứt heo”; “nhản mẩn”, “nhả bióoc khao” (đồng bào Tày), “nhờ hất bồ” (K’ho), “nhất meng” (K’dong) ...
Đặc biệt, ở một số địa phương, cây “Hy thiêm” (Siegesbechia Orientalis L., họ Cúc - Asteraceae) và cây “Bông ổi” (Lantana camara L., họ Cỏ roi ngựa – Verbenaceae), cũng có tên là “cứt lợn”, cần chú ý để tránh nhầm lẫn.
Cây cứt lợn cũng được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và cây cũng có rất nhiều tên khác nhau: “Thắng hồng kế”, "xú thảo", "hàm hà hoa", "xú lô thảo", "bạch hoa xú thảo", "bạch hoa thảo", "hàm hà thảo", "lộ ngộ hương","miêu thỉ thảo"; "bạch mao khổ", "mao xạ hương", ...
Cây cứt lợn là một loài cây thảo (cỏ) nhỏ, mọc hàng năm (vòng đời không quá 1 năm). Thân cao chừng 25-50cm, có nhiều lông nhỏ mềm. Toàn cây khi vò có mùi hôi đặc thù. Lá mọc đối, phía ngọn mọc so le. Phiến lá thay đổi: hình bầu dục hay 3 cạnh, chóp lá nhọn; dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, mặt dưới của lá nhạt hơn; hai mặt đều phủ lông và tuyến. Cụm hoa hình đầu, tập hợp lại thành ngù ở ngọn cây; bao chung hình chữ nhật tròn. Trong mỗi cụm hoa có 60-70 hoa nhỏ - tất cả đều lưỡng tính, hoa có ống tràng ngắn màu tím nhạt hoặc trắng. Quả bế màu đen, có 5 sống dọc, ở đỉnh có 5 vẩy có răng ở mép. Cây ra nhiều hoa và quả, hạt có túm lông, nhờ gió mà phát tán đi khắp mọi nơi.
Ở nước ta, cứt lợn là một cây quen thuộc và bị coi là một loài cỏ dại. Cây phân bố từ đồng bằng đến trung du và cả vùng núi cao trên 1500m. Cây thuộc loại ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng râm. Cây thường mọc gần như thuần loại, ở các nương ngô, bãi sông, ven đường và trong vườn. Hàng năm, mùa xuân cây con bắt đầu mọc lên từ hạt, phát triển mạnh vào mùa xuân và mùa hè, cây có hoa hầu như quanh năm; mùa thu cây kết quả và tới mùa đông thì tàn lụi. Nguồn trữ lượng cây cứt lợn ở Việt Nam rất lớn, ước tính lên tới hàng ngàn tấn một năm.
¨KINH NGHIỆM ĐÔNG Y
Theo kinh nghiệm dân gian và Đông y, cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát; vào 2 kinh Thủ thái âm Phế và Thủ quyết âm Tâm bào. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục ứ. Dùng chữa cảm mạo phát sốt, các chứng bệnh yết hầu sưng đau, ung thũng, mụn nhọt, ...
Sách Quảng Đông trung dược còn nói dùng để trị bệnh sa tử cung và u tử cung.
Liều dùng khi uống trong: từ 15-30g khô (hoặc 30-60g tươi), sắc với nước uống hoặc giã vắt lấy nước cốt uống; dùng ngoài không kể liều lượng.
¨NGHIÊN CỨU HIỆN ĐẠI
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Thành phần hóa học:
Toàn cây chứa nhiều loại hợp chất flavonoid: age-conyflavone A、B、C, nobiletin, sinensetin, linderoflavoneB,quercetin, daempferol- 3-rutinoside, … Còn chứa các alcaloid: lycopsamine, eclinatine; Các chất triterpenoid: friedelin,β- sitosterol,stigmasterol. Tinh dầu bao gồm các chất: ageratochromene, coumarin, β-caryophyllene, 7-methoxy-2,2- dimethylchromene và demethoxyager-atochrmene – (theo Trung Hoa bản thảo) 。
Tác dụng dược lý:
Tinh dầu cỏ cứt lợn có tính kháng khuẩn mạnh (Trung dược đại từ điển). Có tác dụng chống viêm rõ rệt đối với viêm cấp tính và viêm bán cấp tính của phản ứng viêm thực nghiệm. Có tác dụng giảm phù trên thực nghiệm chân chuột. Giảm rỉ dịch màng phổi và giảm u hạt thực nghiêm trên chuột cống trắng (Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam).
Độc tính:
Trên cơ sở thực tế kết quả trên lâm sàng, Đoàn Thị Nhu và cộng sự (Dựơc học 4 và 5, 1975) đã xác định độc tính cấp LD-50 (liều độc bán mãn) bằng đường uống là 82/kg. Với liều trên, dùng trong 30 ngày không thấy gây những biến đổi bất thường đối với các hằng số sinh hoá trong một số xét nghiệm về cơ năng gan và thận (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
MỘT SỐ BÀI THUỐC
- Chữa viên xoang:
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Năm 1965, y sĩ Điều Ngọc Thực ở Phú Thọ, đã phát hiện thấy trong nhân dân dùng cây cứt lợn chữa viêm xoang mũi dị ứng, đã áp dụng trên bản thân và một số người khác thấy có kết quả tốt.
Theo tài liệu khác: Năm 1973, khoa tai mũi họng Bệnh viện Phú Thọ đã áp dụng cây cứt lợn chữa viêm mũi xoang dị ứng, có kết quả tốt. Những năm sau đó, tại Hà Nội, khoa tai mũi họng Bệnh viện Việt Nam - Cu ba và phòng khám tai mũi họng Bệnh viện Hai Bà Trưng, đã sử dụng các chế phẩm từ cây cứt lợn để chữa viêm mũi xoang và có nhận xét:
(1) Đối với viêm mũi xoang mạn tính và viêm mũi xoang dị ứng có tác dụng tốt. Tác dụng kéo dài, làm giảm ngạt mũi, giảm viêm, giảm tiết dịch, giảm hắt hơi, giảm sổ mũi và giảm nhức đầu; Có khả năng thay thế thuốc cortison trong điều trị viêm mũi xoang dị ứng.
(2) Đối với viêm mũi và viêm xoang, có mủ đặc, kể cả cấp tính và mạn tính, thì tác dụng kém.
(3) Trừ tác dụng gây sốt trong thời gian ngắn khi nhỏ mũi, chế phẩm từ cỏ cứt lợn không gây tác dụng phụ gì khác đối với cơ thể người bệnh.
- Các bệnh ở yết hầu:
Tại Trung Quốc, cây cứt lợn (thắng hồng kế) được coi là một thứ “thánh dược” dùng chữa trị các bệnh ở cổ họng. Một số cách sử dụng cụ thể:
- Chữa các chứng bệnh ở cổ họng (cả bạch hầu): Hái chừng 30- 60g lá cây cứt lợn tươi; giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm nước và đường phèn vào, chia 3 lần uống trong ngày; cũng có thể lấy lá phơi khô, tán mịn, dùng làm thuốc bột - ngậm và nuốt dần xuống họng (Tuyền Châu bản thảo).
- Bạch hầu: Cỏ cứt lợn tươi, sài đất tươi, cỏ sữa nhỏ lá tươi – mỗi vị 60g, tất cả giã nát vắt lấy nước cốt, chia 3 lần uống trong ngày (Tụ trân thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
- Viêm amiđan cấp tính: Cỏ cứt lợn, tước sàng, bạch anh, mỗi thứ 30g, sắc nước uống (Tụ trân thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
“Tước sàng” có tên khoa học là Justicia Procumbens L. (Rostellularia procumbens (L.) Nees), thuộc họ Ô rô -Acanthaceae. “Bạch anh” còn gọi là “Cà đắng ngọt”, “Dây toàn”, tên khoa học là Solanum lyratum Thunb. (S. dulcamara L. var. lyratum (Thunb.) Sieb. et Zuce.), thuộc họ Cà - Solanaceae. Tước sàng và bạch anh đều là những cây mọc hoang khắp nơi ở nước ta.
- Phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở:
Trong dân gian có kinh nghiệm hái chừng 30- 50g cây hoa cứt lợn tươi, đem về rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt và chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 3-4 ngày (Những cây thuốc và vị thuốc VN ).
- Ngoại thương xuất huyết:
Lấy một nắm cây hoa cứt lợn, giã nát đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây trung thảo dược).
- Cảm mạo phát sốt:
(1) Lấy cây cứt lợn tươi 60g, sắc nước uống (Quảng Tây trung thảo dược).
(2) Lấy 15-20g cành và lá cây cứt lợn khô, sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày; Cũng có thể sử dụng chữa sốt rét (Văn Sơn trung thảo dược).
(2) Lấy cây cứt lợn 30g, long nha thảo 15g, bạc hà 10g, sắc lấy nước uống (Tụ trân thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
- Viêm tai giữa:
Lấy cành và lá cây cứt lợn tươi, lượng thích hợp, giã vắt lấy nước cốt, nhỏ vào tai, ngày 2-3 lần (Tụ trân thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
- Phong thấp đau nhức, gãy xương (sau khi đã cố định lại):
Lấy một nắm cây cứt lợn tươi, giã nát, đắp vào chỗ đau (Văn Sơn trung thảo dược).
- Sưng đau do giãn gân, sái xương:
Lấy một nắm cây hoa cứt lợn khô, cho vào lò đốt cháy và hun khói vào chỗ đau (Phúc Kiến dân gian thảo dược).
- Nga khẩu sang, đinh nhọt sưng đỏ:
Lấy 10-15g cành và lá cây cứt lợn, sắc nước uống (Vân Nam trung thảo dược).
"Nga khẩu sang" (lở loét như miệng con ngỗng; nga=con ngỗng, khẩu = miệng, sang=lở loét ), còn gọi là "tuyết khẩu chứng" (miệng như có tuyết bám vào) là tên gọi dân gian của chứng bệnh "viêm miệng ap-tơ" (oral thrush), do nhiễm phải một loại nấm mốc gây nên; thường thấy ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, tiêu chảy mạn tính, dùng kháng sinh và hormone tuyến thượng thận dài ngày. Chứng trạng: niêm mạc miệng phát đỏ, xuất hiện những nốt trắng hay màng trắng, bệnh kéo dài sẽ lan tới lưỡi, lợi, vòm họng trên, những mảng trắng rất khó lau sạch; bệnh kéo dài có thể gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa...
- Liêm sang:
Lấy cành và lá cây cứt lợn tươi, lượng thích hợp, thêm chút mật ong, giã nát đắp vào chỗ bị bệnh (Tụ trân thanh thảo dược thái sắc đồ phổ).
“Liêm sang” là tên chứng bệnh trong Đông y, chỉ tình trạng lở loét ở cẳng chân: Khởi đầu sưng đỏ, đau, ngứa, sau một thời gian thì vỡ ra, chảy nước nhớt như mỡ, thịt xám đen, rất khó liền miệng. Thời xưa liêm sang là chứng nan y trong ngoại khoa.
- Mụn nhọt mưng mủ chưa vỡ:
Lấy một nắm cây hoa cứt lợn tươi, thêm chút đường đỏ, giã nát đắp vào chỗ bị thương (Quảng Tây trung thảo dược)
- Trị tổ đỉa ở bàn tay (nga chưởng phong):
Cỏ cứt lợn 500g, phác tiêu 30g, phèn chua 15g.
Cách sử dụng: Sắc cây cứt lợn lấy nước đặc, bỏ bã, sau đó cho phác tiêu và phèn chua vào trộn đều. Lấy nước thuốc rửa chỗ tay bị bệnh nhiều lần trong ngày ( Bì phu bệnh trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ).
- Nước ăn chân:
(1) Dùng cây cứt lợn tươi, lượng thích hợp, muối ăn một chút, tất cả giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh. (2) Dùng cây cứt lợn tươi, lượng thích hợp, giã vắt lấy nước cốt, bôi vào chỗ bị bệnh (Bì phu bệnh trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ).
“Nước ăn chân” là cách nói theo dân gian, chỉ bệnh nhiễm nấm từ nước bẩn, hay xuất hiện trong những ngày nóng bức mùa hè. Khi bị mắc bệnh ngứa kịch liệt, kẽ ngón chân có những vết đỏ, bong da, … Trường hợp bệnh nặng, cả bàn chân đỏ tấy, bong da …
- Chữa thấp chẩn (chàm, eczema) mạn tính:
(1) Dùng cây cứt lợn tươi, lượng thích hợp, sắc lấy nước rửa chỗ bị bệnh. Có thể thêm bông ổi, lá sòi, lá bạch đàn đỏ, cùng sắc lấy nước rửa; hoặc có thể đem tất cả các vị thuốc nghiền mịn, trộn với dầu sở, bôi chỗ bị bệnh (Bì phu bệnh trung thảo dược nguyên sắc đồ phổ).
Lương y Đỗ Tất Hùng
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây Hồng xiêm
Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024
Cây Hồng xiêm
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Gừng vàng
Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024
Gừng vàng