Cây Thạch đen

Ở miền Bắc tên gọi là cây Thạch đen, còn ở miền Nam gọi là cây Sương sáo, tên khoa học Mesona chinensis Benth, thuộc họ Hoa môi Lamiaceae.
Cây Thạch đen - Ảnh minh họa
Cây Thạch đen - Ảnh minh họa

 

Thạch đen có nguồn gốc ở Đông và Đông Nam châu Á, phát triển rộng rãi ở vùng Đông Nam Trung Quốc, Đài Loan; loài này mọc hoang ở các khe núi, bãi cỏ, đất khô và đất cát vùng rừng núi. Ở nước ta, cây Thạch đen gặp phân bố tự nhiên tại Cao Bằng (Nguyên Bình, Bảo Lạc), Lạng Sơn (Tràng Định), nay được trồng ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, các vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ như Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đồng Tháp (Sa Đéc), An Giang (Châu Đốc)... Cây Thạch đen thuộc thảo, sống hàng năm, cao đến 1m, ít phân nhánh, có lông thô rậm. Lá mọc đối, hình thuôn dài dạng trứng, mép có răng. Cụm hoa ở ngọn, có lá bắc màu hồng ở gốc, cuống dài, tràng hoa màu trắng hay hồng nhạt. Quả bế nhẵn, thuôn. Ra hoa tháng 7 – 9, có quả tháng 10 – 12. Thời vụ trồng thường từ tháng 12 đến tháng 3.

Bộ phận dùng: phần cây trên mặt đất. Ở Trung Quốc thường gọi là Lương phấn thảo. Thu hái cây toàn năm nhưng chủ yếu vào mùa Xuân Hè, rửa sạch, cắt đoạn, phơi khô để dùng dần.

Theo y học cổ truyền, Thạch đen vị nhạt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải thử; chữa trị cao huyết áp, cảm mạo, đau khớp. Liều dùng 30 – 60g dưới dạng thuốc sắc. Nếu uống hoặc ăn thạch từ cây Thạch đen quá nhiều sẽ gây khó chịu, đầy bụng và khó tiêu.

Theo y học hiện đại, hợp chất phenol trong cây có hoạt tính chống oxy hóa, hạ nhiệt, giảm sốt, ngăn ngừa chứng khó tiêu, giảm huyết áp, giúp giảm cân bởi vì Thạch đen có năng lượng thấp.

Ở nước ta, cây Thạch đen là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến từ lâu. Sản phẩm từ cây Thạch đen chủ yếu là thạch, được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống và được sử dụng trong dân gian.

– Nấu thạch Thạch đen từ thân lá khô: Thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn là năng suất cao nhất. Cần cắt sát gốc, thân và lá thu hái về rải đều phơi nắng nhẹ một ngày sau đó đánh đống lại 1 – 2 ngày mới đem ra phơi tiếp cho thật khô. Để làm món Thạch đen phải rửa cành lá khô hết đất cát cho vào nồi nấu nhừ, lọc bỏ bã, lấy nước (hoặc đem xay thân lá khô thành bột, thêm nước vào nấu kỹ, lọc lấy nước), thêm ít bột sắn hay bột gạo vào quấy đều, nấu cho sôi. Để mau đông người ta thường cho thêm nước tro hoặc hàn the. Khi nào dung dịch quánh lại, bắc ra đổ vào khay, để nguội cho đông. Thạch sau khi đông có màu đen tuyền, bóng và giòn.

– Nấu thạch Thạch đen từ thân lá tươi: Theo công thức 1kg lá tươi và 10 lít nước. Đầu tiên cho 1kg lá với 8 lít nước và thêm 2 thìa canh nước tro. Đem nấu đến sôi và khi thấy dịch nhớt thì ngừng lại và đem lọc lấy nước. Cho thêm 2 lít nước còn lại và thêm 2 thìa bột mỳ rồi đem dịch này đun trên ngọn lửa nhẹ. Khuấy đều nấu khoảng 5 phút rồi để nguội đông lại thành thạch có màu đen.

Thông thường thạch Thạch đen được ăn với nước đường và tinh dầu chuối, có thể kết hợp với các nguyên liệu khác như hạt lựu, hạt sen, hột é… Gần đây thạch Thạch đen đã được nghiên cứu chế biến thành thức uống công nghiệp đóng hộp, gói bột từng bịch. Thạch làm từ cây Thạch đen dùng để ăn cho mát, còn dùng làm thuốc chữa cảm mạo do nắng, chữa huyết áp cao, đau cơ, đau khớp xương, đái tháo đường, viêm gan cấp tính.

Ở Đài Loan và Indonesia người ta cho rằng bột thân lá cây Thạch đen còn có tác dụng lợi tiểu.

Xuất phát từ nhu cầu thị trường, cây Thạch đen hiện nay đã được trồng nhiều nơi để dùng trong nước và được xuất sang thị trường các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Có tỉnh xác định cây Thạch đen là cây kinh tế của tỉnh và còn gọi là “cây trăm tỷ”.

Ở nước ta có cây Sương sâm tên khác là Sâm nam leo, Sâm lông, dây xanh leo; tên khoa học là Tiliacora triandra (Colebr.) Diels thuộc họ Tiết dê Menispermaceae. Cây Sương sâm nguồn gốc bản địa tại vùng Đông Nam Á mọc trong rừng trên núi đá vôi tới độ cao 300m; có ở Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaysia, Việt Nam… Ở nước ta có nhiều ở tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sương sâm là loài dây leo, lá màu lục đậm có phiến xoan, cụm hoa ở nách lá, hoa đực màu vàng. Quả hạch màu đỏ. Mùa hoa thường từ tháng 12 đến tháng 6. Nhân dân ta thường trồng lấy lá ăn và làm thạch. Lá cây Sương sâm dùng làm thạch sâm bằng cách vò nát lá cả non và già vắt lấy nước, lọc bỏ bã, để một lát tạo thành thạch màu xanh lá cây, dùng với đường và nước đá làm món giải khát khi trời nóng bức. Thạch ngoài việc làm thức uống giải khát, còn có tác dụng nhuận gan, tiêu độc. Rễ cây Sương sâm là vị thuốc chữa các bệnh về gan, thanh nhiệt, giải độc.

Ở Campuchia, lá Sương sâm dùng để chữa lỵ. Ở Thái Lan, rễ làm thuốc chống sốt.

DSCK2 Nguyễn Thọ Biên

Theo TC Thuốc và Sức khỏe, tháng 11 năm 2023.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cây Hồng xiêm

Cây Hồng xiêm

Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024

Cây Hồng xiêm

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Gừng vàng

Gừng vàng

Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024

Gừng vàng

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Cây thuốc quanh ta - 19/01/2024

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Cây thuốc quanh ta - 04/01/2024

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới