Thuốc ợ nóng được thử nghiệm trị Covid-19
Thông tin được các quan chức tại New York xác nhận ngày 27/4. Thử nghiệm được thực hiện bởi Viện nghiên cứu y học Feinstein thuộc Northwell Health, nơi điều hành hệ thống 23 bệnh viện ở thành phố New York.
Ít nhất 187 bệnh nhân tham gia thử nghiệm. Kết quả dự kiến sẽ có trong vài tuần tới. Bác sĩ Kevin Tracey, chủ tịch Viện nghiên cứu y học Feinstein, cho biết ông hy vọng sẽ tuyển được thêm 1.200 người tham gia nghiên cứu.
"Mọi người đang hy vọng vào mọi thứ có thể để chống lại nCoV. Do đó thử nghiệm lâm sàng này là cần thiết. Có nhiều ví dụ trong lịch sử y học, cho thấy một loại thuốc được sản xuất ra cho mục đích này lại có tác dụng với một căn bệnh khác", ông Tracey nói.
Bác sĩ Kevin cũng nhấn mạnh rằng ông không biết famotidine có phát huy tác dụng với bệnh nhân Covid-19 không, nhưng một khi có tiến triển thì việc áp dụng rộng rãi sẽ rất dễ dàng. Tuy nhiên, ông cảnh báo các bệnh nhân không nên đến nhà thuốc và tự ý mua thuốc ợ nóng để uống.
"Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm được tiêm thuốc trị ợ nóng qua tĩnh mạch. Liều lượng cho các bệnh nhân này cao gấp chín lần so với những người bình thường bị ợ nóng", bác sĩ Tracey cho biết.
Một nửa số bệnh nhân tham gia thử nghiệm sẽ được dùng thuốc famotidine, một nửa còn lại sẽ được truyền giả dược. Ngoài ra, các bệnh nhân cũng đang được dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine.
Tuy nhiên, hydroxychloroquine có thể không được khuyến khích sử dụng trong thời gian tới. Tuần trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã đưa ra cảnh báo loại thuốc này có thể gây ra các nguy cơ nghiêm trọng về tim mạch khi thử nghiệm cho bệnh nhân Covid-19.
Bác sĩ Tracey chia sẻ ông có ý tưởng nghiên cứu famotidine sau khi nói chuyện với một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Người đồng nghiệp này từng làm việc với các bệnh nhân nhiễm nCoV ở Trung Quốc. Ông quan sát thấy rằng những người nghèo bị ợ nóng sống sót lâu hơn những người giàu ợ nóng. Ông phát hiện những người nghèo hơn đang dùng famotidine trong khi những bệnh nhân giàu có có xu hướng dùng một loại thuốc đắt tiền hơn.
Ngoài ra, phòng thí nghiệm Alool có trụ sở tại Florida đã sử dụng một mô hình máy tính để lập danh sách các loại thuốc hiện tại có thể chống lại nCoV và famotidine xuất hiện hàng đầu trong danh sách.
Tracey nói rằng vì về mặt lý thuyết, cấu trúc của famotidine giúp nó có thể ngăn chặn virus nhân lên, giống như cách các chất ức chế protease được sử dụng để điều trị HIV, chống lại virus. Ông cho biết sẽ lập hội đồng độc lập giám sát thử nghiệm và ra quyết định về việc có nên tiếp tục sử dụng loại thuốc này không.
Tính đến 28/4, thế giới ghi nhận hơn ba triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 210.000 người đã chết, một số nước nới hạn chế khi tình hình đã ổn định hơn. Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận gần 1 triệu ca nhiễm, trong đó gần 56.000 người tử vong. Cho đến nay, Mỹ đã thực hiện gần 5,6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, song giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Đông Nam Á ghi nhận 40.766 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.445 người chết. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong.
Lê Cầm (Theo Hill, CNN)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Dừng mua thuốc cho tình huống 10.000 người nhiễm nCoV
Dược Mỹ phẩm - 30/04/2020
Dừng mua thuốc cho tình huống 10.000 người nhiễm nCoV
Lung lay niềm hy vọng thuốc kháng nCoV
Dược Mỹ phẩm - 29/04/2020
Lung lay niềm hy vọng thuốc kháng nCoV
Thu hồi nước rửa tay khô chứa methanol
Dược Mỹ phẩm - 17/04/2020
Thu hồi nước rửa tay khô chứa methanol
BẠN BIẾT GÌ VỀ PLACENTA – NHAU THAI?
Dược Mỹ phẩm - 15/01/2020
BẠN BIẾT GÌ VỀ PLACENTA – NHAU THAI?
7 loại thuốc làm thay đổi thế giới và những điều ẩn sau
Dược Mỹ phẩm - 15/01/2020
7 loại thuốc làm thay đổi thế giới và những điều ẩn sau