Bé 1 tuổi mắc tay chân miệng tổn thương não, 3 dấu hiệu sớm báo bệnh nặng
Yếu chi sau mắc tay chân miệng
Tại buổi khám chữa bệnh từ xa ngày 11/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn 4 ca bệnh nặng, đáng lưu ý là trường hợp mắc biến chứng tay chân miệng tại Bắc Giang.
BS Nguyễn Thị Lệ từ đầu cầu Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang thông tin, bệnh nhi Nguyễn Anh Đ., 16 tháng tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang, vào viện 3/9 với các biểu co giật, ngủ gà, li bì.
Trước đó trẻ mệt mỏi, biếng ăn, không nôn, không co giật, sốt 38-39 độ C. Tuy nhiên trên người không có phát ban dạng phỏng nước nên gia đình chỉ cho hạ sốt thông thường.
Đến ngày thứ 2, trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, tiếp tục sốt cao, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Đến chiều cùng ngày, trẻ co các co giật toàn thân nên gia đình đưa vào Bệnh viện Sản nhi tỉnh cấp cứu.
Ngay khi vào viện, bệnh nhi được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó xuất hiện liên tiếp 2 cơn co giật cách nhau 30 phút.
Khi khám họng, bác sĩ phát hiện vết loét ở hàm ếch, thành sau họng loét có giả mạc trắng. Tay chân vẫn không có tổn thương mụn nước.
Được biết, trong gia đình bé có chị gái 3 tuổi và em họ 1 tuổi ở cùng nhà bị loét miệng nhưng đã hết sốt, theo dõi tại nhà.
Các bác sĩ tại Bắc Giang chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng độ 2b do virus EV71, nghi ngờ viêm não, chỉ định điều trị kháng sinh kết hợp hạ sốt và thuốc chống co giật. Tuy nhiên do một loại thuốc bị thiếu nên sau đó đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.
Tại tuyến trên, trẻ được chẩn đoán mắc tay chân miệng có biến chứng viêm não, viêm màng não. Sau vài ngày điều trị ổn định, bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Châm cứu Trung ương để châm cứu phục hồi chức năng do biến chứng thần kinh khiến trẻ không thể tự đứng, tự đi.
Qua trường hợp này, TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ, khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm chỉ để chẩn đoán, theo dõi các biến chứng.
Với bệnh nhi Đ., hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não không hề phát hiện bất cứ tổn thương nào ở bán cầu tiểu não, thân não, nhu mô não. Tuy nhiên, trẻ vẫn bị tổn thương thần kinh.
Theo TS Hải, để dựa vào hình ảnh CT sọ não xác định trẻ mắc tay chân miệng có tổn thương hay không sẽ cần bác sĩ rất nhiều kinh nghiệm mới có thể nhìn ra.
TS Hải cho biết, tay chân miệng rất dễ lây từ trẻ này qua trẻ khác, thường do 2 nhóm virus đường ruột Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch lớn.
3 dấu hiệu sớm nhận biết não tổn thương
Theo thống kê tại 5 bệnh viện lớn ở Việt Nam, biến chứng thần kinh hay gặp nhất, chiếm khoảng 70% với biểu hiện như viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm tủy gây liệt mềm cấp giống như bại liệt, kế đó là biến chứng tuần hoàn chiếm 24% và 22% bị biến chứng hô hấp.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỉ lệ viêm não, viêm màng não chiếm hơn 55%. Trong số trẻ gặp biến chứng này, có gần 90% bị rối loạn ý thức, ngủ gà, hôn mê, 96% giật mình nhiều, hơn 53% bị run chi, loạng choạng và hơn 42% bị nôn.
Các biến chứng có thể xảy ra từ bất kỳ ngày nào đến ngày 10, tuy nhiên chủ yếu gặp 5 ngày đầu tiên. Nếu tổn thương thần kinh trung ương càng sớm, tình trạng nặng càng cao.
“Do vậy, việc phụ huynh và nhân viên y tế phát hiện sớm các rối loạn thần kinh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp hạn chế biến chứng ở trẻ. Nếu chờ đến lúc trẻ lơ mơ đã ở giai đoạn muộn rồi”, TS Hải nhấn mạnh.
Theo TS Hải, nhiều trẻ nhỏ mắc tay chân miệng chưa biết nói nên người lớn cần dựa vào 3 dấu hiệu để phát hiện sớm các tổn thương thần kinh:
Thứ nhất, ở giai đoạn sớm trẻ thường xuyên quấy khóc vô cớ, có trẻ khóc cả đêm nhưng nhiều gia đình, nhân viên y tế nghĩ trẻ bị đau miệng, trong khi thực tế đây là triệu chứng sớm của tổn thương thần kinh trung ương.
Nếu không xử trí kịp thời, vài tiếng sau trẻ sẽ rơi vào trạng thái hoảng hốt, kích thích, tiếp theo là li bì, giật mình, lúc này đã trễ thêm 12-24 giờ.
Thứ hai, trẻ có biểu hiện liệt, yếu chi, đôi khi biểu hiện chỉ mới diễn ra nửa ngày hoặc 1 ngày, do đó nhân viên y tế cần khai thác kỹ từ phụ huynh.
Thứ ba, trẻ nôn hoặc buồn nôn không liên quan ăn uống, sốt cao và hay giật mình.
Đến nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Trường hợp có các biểu hiện bất thường như trên, cần đưa đến ngay các cơ sở y tế gần nhất. Những trường hợp nhẹ có thể tự theo dõi tại nhà, kết hợp dinh dưỡng, vệ sinh tránh bội nhiễm.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội