Mối nguy từ nCoV, bạch hầu, tay chân miệng
Covid-19
42 ca dương tính tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Hà Nội, TP HCM xuất hiện 6 ngày vừa qua đã chấm dứt hơn 3 tháng Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nguồn lây chưa rõ ràng. Theo kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới, có đặc tính lây lan nhanh hơn. Đà Nẵng nâng cấp độ cách ly toàn thành phố, thực hiện quyết liệt các biện pháp tránh bùng phát dịch.
nCoV chủ yếu lây truyền từ các giọt bắn văng ra khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi. Bạn có thể nhiễm bệnh khi hít phải virus nếu đang ở gần người nhiễm Covid-19 hoặc chạm vào bề mặt có virus, rồi đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng. Bệnh nhân Covid-19 thường có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, nặng hơn là viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong. Bệnh có khả năng biến chứng nặng ở những người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, nhưng người trẻ tuổi vẫn có khả năng nhiễm bệnh nếu không biết cách chủ động phòng chống.
Trên thế giới, Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 17 triệu người nhiễm, khoảng 660.000 người tử vong. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và số tử vong cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất.
Bệnh bạch hầu
Cuối tuần qua, Bình Phước vừa có ca bệnh bạch hầu, đây là tỉnh đầu tiên khu vực miền Đông Nam Bộ xuất hiện bạch hầu. Đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum ghi nhận 119 ca bạch hầu. Quảng Trị 5 ca. Trước đó. TP HCM ghi nhận một ca.
Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn, khó thở, khó nuốt. Dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh là xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng. Giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen, dai, dính, dễ chảy máu. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt. Bệnh có thể trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Một trong những nguyên nhân gây lây lan bạch hầu là do việc bảo vệ sức khỏe chủ động kém, bao gồm tiêm chủng và vệ sinh cá nhân. Trong Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, trẻ 2-24 tháng tuổi được tiêm vaccine 6 trong 1 (hoặc 5 trong 1) phòng bệnh bạch hầu, nhưng khả năng miễn dịch chỉ kéo dài khoảng 10 năm. Do vậy, nếu không tiêm đầy đủ và nhắc lại thì người lớn vẫn có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao, có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải đến 30 ngày và truyền qua bằng con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp; hoặc gián tiếp qua các bề mặt, đồ vật có dính chất bài tiết của người mang vi khuẩn. Vì vậy, ngoài việc chích ngừa đầy đủ, biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn ảnh hưởng của bạch hầu chính là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể.
Bệnh tay chân miệng
Bệnh do virus đường ruột gây ra, dù vậy, con đường lây lan chủ yếu lại qua tiếp xúc với dịch tiết (từ mũi, nước bọt, nốt phỏng) khi tương tác trực tiếp với người mang mầm bệnh; hoặc nguy hiểm hơn là gián tiếp qua việc đụng chạm bề mặt dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà... bị dính virus.
Đối tượng thường mắc bệnh là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là nhóm dưới 3 tuổi, do giai đoạn này trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh nhưng chưa có ý thức tự giữ vệ sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chỉ trẻ em mới mắc bệnh, mà ngay cả người trưởng thành cũng không tránh khỏi.
Triệu chứng ban đầu của tay chân miệng là có nốt bọng nước trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng, niêm mạc lưỡi, má, vòm họng thường bị nhầm lẫn với thủy đậu, viêm da hay nhiệt miệng, khiến mọi người chủ quan, dễ điều trị sai cách và làm bệnh lan tràn. Tình trạng nặng hơn gây sốt cao liên tục khó dứt, nguy cơ biến chứng nặng về thần kinh, hô hấp, thậm chí đe dọa tử vong. Bệnh tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây ra và hiện chưa có vaccine, cũng như thuốc đặc trị, nên bất kể độ tuổi nào cũng có thể bị tái nhiễm.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi công văn chỉ đạo tích cực công tác vệ sinh chống bệnh tay chân miệng. Trong đó, việc sát khuẩn môi trường sống, đồ chơi, và rửa tay với xà phòng là biện pháp hàng đầu.
Theo số liệu của tổ chức Y tế thế giới WHO, mỗi năm nước ta có khoảng 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc tay chân miệng được báo cáo, trong đó có một số trường hợp tử vong. Bệnh có tính chất truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch.
Rửa tay sạch hỗ trợ phòng bệnh
Cả ba bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm, thông qua con đường trực tiếp (giọt bắn, tiếp xúc, tương tác...), hoặc gián tiếp qua vật trung gian như chạm tay vào đồ vật, bề mặt đã bị nhiễm vi khuẩn, virus.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong hầu hết tài liệu hướng dẫn phòng chống bệnh lây nhiễm, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng luôn được khuyến khích thực hiện, đối với cả người lớn và trẻ em. Theo WHO, chỉ cần một động tác rửa tay sạch đã giảm 35-47% nguy cơ nhiễm các bệnh tay chân miệng, tiêu chảy, thương hàn...
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, giảng viên khoa Sinh lý bệnh và Miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, rửa tay là một trong những biện pháp quan trọng giúp hạn chế lây lan các vi sinh vật gây bệnh được các nhà nghiên cứu trên thế giới công nhận. Không chỉ có tác dụng làm giảm lây lan chéo và nhiễm trùng bệnh viện, rửa tay sạch còn là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cá nhân, giảm nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng.
Diệp Chi
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Y tế 24h - 28/11/2024
Hai nữ sinh nhập viện sau khi uống 20 viên thuốc giảm đau
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Y tế 24h - 27/11/2024
Chàng trai 18 tuổi chết não hiến tạng cứu sống 7 người
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Y tế 24h - 25/11/2024
Người bệnh nguy hiểm tính mạng vì kháng thuốc
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Y tế 24h - 21/11/2024
Liệt dây thần kinh số 7 có phục hồi được không?
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ
Y tế 24h - 19/11/2024
Tìm lại nụ cười cho bé trai biến dạng mặt sau tai nạn pháo nổ