Stress kéo dài gây ra trầm cảm, hoang tưởng ở trẻ vị thành niên
Gia đình cần lưu ý trẻ trầm buồn, khó thích ứng trong học tập
Việc khám và điều trị sức khỏe tâm thần các học sinh, sinh viên tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu có vấn đề về trầm buồn, khó thích ứng trong học tập, nhất là khi đi học tập trực tiếp.
“Có trường hợp các em tự nhận thấy biểu hiện nặng, thấy vấn đề của mình đáng báo động yêu cầu bố mẹ đi khám. Tuy nhiên có em nặng duy trì trạng thái trầm buồn, khó thích ứng học tập lâu, cha mẹ không quan tâm, không chia sẻ cũng như không nhận thấy việc trẻ báo động với bố mẹ là vấn đề lớn khiến các em không tiếp tục chia sẻ với bố mẹ. Các bạn giữ kín trong lòng không chia sẻ nói chuyện với ai, về nhà chui vào phòng riêng, tránh né áp lực học tập”, bác sĩ Hương nói.
Mới đây nhất, Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận điều trị cho một nam sinh 18 tuổi ở Thái Bình rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề, có ý muốn tự sát.
Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đỗ Thùy Dung, bác sĩ Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên cho biết, khai thác tiền sử bệnh nhân là người có tính cách hiền lành, trầm tính, ít nói, ít chia sẻ, học lực tốt và hầu như chỉ tập trung học tập. Bệnh nhân có năng khiếu môn tiếng Anh, đã có chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng đại học nhưng trong quá trình học năm cuối, bệnh nhân xin ra khỏi đội tuyển tiếng Anh vì áp lực, chán nản.
Người bố nghiêm khắc, nóng tính, luôn kỳ vọng rất nhiều và ít chia sẻ với con cái thường xuyên mắng bệnh nhân, đặc biệt hay nhắc đến việc bỏ thi đội tuyển.
Bệnh nhân vẫn cố gắng duy trì việc học tập các môn học nhưng áp lực từ gia đình khiến bệnh nhân dần mất hứng thú, chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai. Từ đó, bệnh nhân ngủ kém, chơi điện tử trên điện thoại , máy tính tới 2-3 giờ sáng và không học bài.
“Khoảng cách khiến cho bệnh nhân không muốn chia sẻ với bố mẹ, chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời. Người mà bệnh nhân có thể chia sẻ là người cô ruột”, bác sĩ Dung cho hay.
Bệnh nhân được cô ruột đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát, được chỉ định nhập viện. Do gia đình chưa thu xếp được người chăm sóc, bệnh nhân được kê đơn thuốc ngoại trú với sự theo dõi sát của gia đình.
Sau khi hết thuốc tình trạng của bệnh nhân không cải thiện, bệnh nhân không học, không nói chuyện với bố mẹ, sử dụng điện thoại nhiều, không chịu hoạt động, thường xuyên ở một mình trong phòng không ra ngoài, còn ý nghĩ tự sát. Bệnh nhân tái khám và nhập Viện Sức khỏe tâm thần.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Thanh Hương, Phòng Tâm lý lâm sàng, lý do khiến bệnh nhân này rơi vào trạng thái toan tự tử vì yếu tố căng thẳng kéo dài dẫn tới rối loạn trầm cảm, không chia sẻ được với gia đình.
Trong quá trình đó, bệnh nhân phải đối mặt với áp lực của thi cử dẫn tới trầm cảm nặng hơn. Khi thấy mức độ con nghiêm trọng, gia đình mới đưa con đi khám thì quá trình điều trị đã phức tạp.
Đến nay, sau 2 tuần điều trị bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, khí sắc cải thiện, vui vẻ, không còn suy nghĩ tiêu cực, tích cực tập thể dục thể thao, nói chuyện với mọi người chung quanh nhiều hơn. Bệnh nhân đã cải thiện mối quan hệ với bố mẹ và có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn, bệnh nhân xuất viện về nhà duy trì thuốc và tái khám theo hẹn.
Trầm cảm kéo dài sẽ kéo theo ý tưởng tự sát
Theo thạc sĩ, bác sĩ nội trú Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần, Trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng khoa M4, Viện Sức khoẻ Tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3-7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1-2% ở tuổi 13 và từ 3-7% ở tuổi 15. Theo CDC, ước tính tỷ lệ mắc bệnh là 0,5% ở trẻ em 3-5 tuổi, 2% ở trẻ 6 đến 11 tuổi và lên đến 12% ở trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn (10% đến 13% ở trẻ em trai và 12% đến 18% đối với trẻ em gái).
Các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt như cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ.
Phần lớn trẻ thể hiện qua phàn nàn triệu chứng cơ thể như ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, sự hứng thú và giảm tập trung thì ngược lại.
Ở trẻ, tỷ lệ có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý.
Trầm cảm kéo dài, dẫn tới ý tưởng tự sát ở trẻ. Tỷ lệ toan tự sát ở trẻ em và vị thành niên ước tính 3-4%. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi tự sát và ý tưởng tự sát phổ biến hơn đáng kể ở trẻ gái (10 đến 35%), nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở trẻ trai cao gấp 3 lần trẻ gái. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng cân bằng ở 2 giới.
Các ý tưởng tự sát hiếm khi xuất hiện trước 10 tuổi, tăng chậm cho đến 12 tuổi và sau đó tăng nhanh hơn trong khoảng 12 đến 17 tuổi.
Các kế hoạch và nỗ lực tự sát xuất hiện rất thấp (dưới 1%) ở trẻ dưới 12 tuổi, sau đó tăng dần đến 15 tuổi, và sau đó chậm hơn cho đến 17 tuổi.
Phần lớn các thanh thiếu niên có sự chuyển đổi từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch tự sát với 63,1% và từ ý tưởng tự sát sang nỗ lực tự sát (86,1%), những điều này thường xảy ra trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu nảy sinh các ý tưởng tự sát.
Sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, dẫn tới cảm xúc của các em mất kiểm soát, dễ bùng nổ, hiệu quả học tập giảm sút nhiều. Việc điều trị cho trẻ trầm cảm lâu dài khá khó khăn vì nhận thức ở tuổi này chưa hoàn thiện.
Do đó, theo các chuyên gia, cha mẹ cần dành 1 tiếng cho con mỗi ngày tâm sự để nắm bắt tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, những lo lắng của con.
“Cha mẹ phải học cách không áp đặt suy nghĩ của người lớn, phải đồng cảm để các em không cô đơn, lạc lõng, luôn có người đồng hành trong con đường em đang đi. Để trẻ thoát trầm cảm, ngoài trị liệu tâm lý, vai trò của gia đình, xã hội, nhà trường vô cùng lớn. Cha mẹ cần thay đổi cách trao đổi với ai, nhà trường cần nhận biết để phối hợp với gia đình trong nuôi dạy con”, bác sĩ Hương nhấn mạnh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội