Cách ly tại nhà thế nào để không lây nhiễm?
Người cách ly tại nhà hay nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca nhiễm; người thuộc nhóm cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính (như trường hợp 'bệnh nhân 1342'); người theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc địa phương.
Người được cách ly tại nhà phải có ý thức chấp hành cách ly, đúng thời gian quy định, tốt nhất ở một phòng riêng trong 14 ngày. Trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
Hạn chế ra khỏi phòng riêng hay tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như người khác. Tự theo dõi sức khỏe. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Không ăn chung cùng với những người khác.
Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay và nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và đổ rác hàng ngày. Khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng cho vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy.
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm giám sát người cách ly tại nhà; cưỡng chế nếu người cách ly không tuân thủ quy định.
Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú phải vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các chất tẩy rửa thông thường, dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút, hoặc 0,1% Clo hoạt tính đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là một phút, hoặc chứa ít nhất 60% cồn. Dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới.
Các bề mặt cần lau gồm nền nhà, tường, bàn ghế, đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao...), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy. Các khu vực này cần khử trùng ít nhất một lần mỗi ngày. Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can, nút bấm, cabin thang máy, lau khử trùng ít nhất hai lần mỗi ngày.
Sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa. Gom rác thải và xử lý hàng ngày.
Từ ngày 29/11 đến 2/12, TP HCM ghi nhận 4 ca nhiễm mới nội địa, trong đó hai ca lây nhiễm cho nhau trong khâu cách ly, hai ca lây nhiễm cộng đồng. Nguồn lây nhiễm là một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines - "bệnh nhân 1342" - không tuân thủ quy định cách ly sau chuyến bay từ nước ngoài về, đã ở chung với bạn - giáo viên tiếng Anh (được ghi nhận "bệnh nhân 1347") và đến trường Đại học Hutech. Người giáo viên này đã lây nhiễm cho một em bé một tuổi ("bệnh nhân 1348") và một nữ học viên tiếng Anh ("bệnh nhân 1349"). Hơn 2.500 người các diện tiếp xúc phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hàng chục trường đại học và tiểu học phải đóng cửa, hơn 170.000 học sinh, sinh viên phải nghỉ học, cách ly tại nhà.
Tiếp viên hàng không này đã bị khởi tố hình sự hành vi Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Thùy An
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh