Cách triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hiệu quả cho trẻ em

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ Y tế đang tập trung đánh giá một cách toàn diện, khoa học khách quan và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Theo báo cáo mới nhất được tổng hợp gần đây, tỷ lệ biến chứng nặng do Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chỉ ở mức 5% so với 10% ở người lớn. Tuy nhiên, tình trạng viêm đa cơ quan gặp ở nhóm này và điều trị không hề đơn giản. Ngoài ra, các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ không nhỏ hội chứng hậu Covid-19 cũng ghi nhận ở trẻ em, theo đó, trẻ có biểu hiện mệt mỏi hoặc nhanh mệt khi làm việc, học tập, khó tập trung (dấu hiệu sương mù não). Đây là trở ngại lớn đối với việc học tập và thời gian các triệu chứng này tồn tại khá dài, từ vài tuần đến vài tháng sau đó. Trước sự lây lan mạnh của các biến thể, trong khi nhóm trẻ lớn và người lớn đã được bảo vệ bằng vắc-xin nhưng vẫn duy trì khả năng lây nhiễm, số trường hợp mắc ở lứa tuổi nhỏ ngày một tăng, kèm theo số lượng trường hợp nặng và nguy kịch cũng tăng theo, do đó, các địa phương chịu áp lực lớn trong quyết định mở cửa trở lại của các trường học. Không ít trường vừa mở cửa đã ngay lập tức phải đóng vì số ca mắc trong trường học tăng cao.

Tại Mỹ, kể từ khi vắc-xin phòng Covid-19 được cung cấp cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi vào đầu tháng 11/2021, nhiều gia đình đã xếp hàng để đưa trẻ em đi tiêm phòng trước khi đi du lịch và tụ tập vào kỳ nghỉ. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và chỉ ra lợi ích của việc tiêm chủng vượt xa các nguy cơ rủi ro có thể gặp phải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã rà soát cơ sở dữ liệu về các tác dụng phụ và không tìm thấy bất kỳ báo cáo nào về tình trạng biến cố bất lợi nặng của những trẻ từ 5 đến 11 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Một số bang tại Mỹ đã ban hành quy định bắt buộc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh. Toàn bộ dữ liệu tiêm chủng sẽ được thu thập, bao gồm số lượng học sinh được tiêm chủng đầy đủ, được tiêm một mũi và chưa được tiêm chủng, sau đó phụ huynh của các học sinh chưa được tiêm chủng sẽ được nhà trường vận động, khuyến khích để đưa các em đi tiêm.

Nhiều nước ở châu Âu cũng đã tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, nhưng mỗi quốc gia lại theo đuổi các chiến lược rất khác nhau. Pháp và Đức chỉ ưu tiên tiêm chủng cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, gồm trẻ bị thừa cân hoặc có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, trong khi Đan Mạch tiêm chủng cho tất cả trẻ em. Trở ngại lớn nhất vẫn thuộc về các bậc cha mẹ. Việc thiếu dữ liệu về sự ảnh hưởng của vắc-xin đối với trẻ em là lý do chính cho sự chần chừ quyết định tiêm chủng, một số bậc cha mẹ đã lo ngại về các báo cáo liên quan đến tác dụng phụ hiếm gặp của vắc-xin ở người lớn... Trước tình hình đó, Pfizer và BioNTech đã thông báo không có lo ngại về an toàn nghiêm trọng nào liên quan đến vắc-xin đã được xác định trong các thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù thời gian triển khai khác nhau, nhưng hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều chuẩn bị kế hoạch thu hút sự quan tâm của phụ huynh cùng các em nhỏ đối với việc tiêm chủng. 

Tại châu Á, Singapore đã phê duyệt vắc-xin Pfizer-BioNTech/Comirnaty Covid-19 để sử dụng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Còn hầu hết các quốc gia châu Phi có sự chậm trễ, khó khăn trong việc triển khai vắc-xin phòng Covid-19 ở đối tượng hơn 18 tuổi, cho nên khi triển khai trên đối tượng trẻ em còn gặp nhiều trở ngại hơn nữa. Việc triển khai tiêm chủng chậm do nhiều nguyên nhân như quỹ vắc-xin hạn chế, những lo ngại chung quanh sự an toàn và không chắc chắn của vắc-xin, không có khả năng tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương kịp thời, các vấn đề chung quanh chiến tranh và xung đột... Đặc biệt, yêu cầu bảo quản của vắc-xin Pfizer là phải được lưu giữ ở nhiệt độ âm sâu (-90 đến -60°C), trong khi thiếu nguồn kinh phí để cung cấp và duy trì dây chuyền lạnh cũng là trở ngại lớn khiến cho vắc-xin này chỉ được tiêm cho trẻ em ở một số ít quốc gia châu Phi…

Tại nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức mua, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. Hiện nay Bộ Y tế đang tập trung đánh giá toàn diện cũng như thường xuyên tham khảo Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm từ các nước đang tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Từ kinh nghiệm của hơn 40 quốc gia trên thế giới triển khai vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, chương trình tiêm chủng tại Việt Nam cần tiến hành với kế hoạch và chiến lược phù hợp. Trước tiên, cần tăng cường hợp tác với các cộng đồng để quảng bá vắc-xin là đáng tin cậy thay vì chỉ yêu cầu cộng đồng tin tưởng. Thông qua nỗ lực đó, cần tập trung xây dựng độ tin cậy của vắc-xin. Chính các thầy thuốc là nguồn thông tin đáng tin cậy về thông tin vắc-xin phòng Covid-19, bản thân họ cũng cần có nhận thức đầy đủ nhất về giá trị của vắc-xin và từ đó lan tỏa thông tin, nhưng họ không phải là nguồn duy nhất. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều quan trọng là phải dựa vào chuyên môn và tiếng nói của các đối tác tại cộng đồng.

Phương tiện truyền thông xã hội cũng là một cách hiệu quả để tiếp cận thanh thiếu niên có thể tự quyết định xem họ có muốn tiêm vắc-xin Covid-19 mà không cần sự đồng ý của cha mẹ. Thanh thiếu niên cũng có thể ảnh hưởng đến cha mẹ và các thầy thuốc cũng cần sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những thông điệp quan trọng này. 

Công tác chuẩn bị về chuyên môn không khác nhiều so với giai đoạn triển khai cho trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, công tác tập huấn, lập kế hoạch và triển khai cần phải làm một cách thận trọng. Theo đó, cán bộ y tế không chỉ dừng lại ở tư vấn cho đối tượng tiêm chủng mà cần tư vấn cả cho cha mẹ của trẻ để có thể theo dõi trẻ tại nhà một cách cẩn trọng và sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu. 

Đáng chú ý, hiện nay các bậc cha mẹ nhận được rất nhiều thông tin về bệnh ở trẻ em cũng như vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Không ít thông tin trong đó bị sai lệch về vắc-xin Covid-19 có thể khiến họ cảm thấy quá tải. Các bậc cha mẹ nên tin tưởng vào truyền thông chính thống và có thể trò chuyện với con cái về thông tin của phương tiện truyền thông và đánh giá thông tin đó. Và họ có thể nói chuyện với trẻ về cách tiêm vắc-xin có thể bảo vệ cho bản thân và những người khác. Tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên là rất quan trọng để tăng cường sức khỏe và thể chất của họ, cũng như tiến gần hơn đến việc chấm dứt đại dịch.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Phòng bệnh - 12/04/2024

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Phòng bệnh - 08/04/2024

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Phòng bệnh - 03/04/2024

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Phòng bệnh - 01/04/2024

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Phòng bệnh - 01/04/2024

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới