Từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi T.Ư) tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản, có tới 70% số bệnh nhi đó đang phải gánh chịu di chứng của bệnh. Như trường hợp cháu N.M.H (6 tuổi, ở Hải Dương), khi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Sau khi thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm não Nhật Bản, được chỉ định điều trị tăng áp lực nội sọ, thở máy. Sau bốn ngày điều trị, bệnh nhi vẫn đang thở ô-xi qua mask, chưa tỉnh hẳn và có biểu hiện tăng lực cơ toàn thân.
Trường hợp khác là bé T.T.T (5 tuổi, ở Hải Phòng), đã nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (Trung tâm Bệnh nhiệt đới) ba tuần nay mà vẫn phải phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng. Trước đó, trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản và chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư.
TS, BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25 đến 35%). Hiện, tuy đa số trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi...
Những dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản gồm: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm vi-rút: mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê) hay các rối loạn vận động (liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn...).
Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất hiện nay. Các gia đình cần thực hiện tiêm đủ ba liều cơ bản cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên hiện nay có sự gia tăng trẻ ở nhóm sau năm tuổi mắc bệnh, cho nên các gia đình cần thực hiện tiêm nhắc lại 3 đến 5 năm/lần đến khi trẻ 15 tuổi. Các bác sĩ nhấn mạnh, viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, có thể diễn biến rất nhanh, tỷ lệ tử vong và di chứng cao.
Thời gian gần đây, lo sợ trước sự lây nhiễm của Covid-19 và những phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết (sốt, đau, mỏi người...) đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19 hay theo dõi sau tiêm. Đây là một trong những sai lầm trước nguy cơ dịch chồng dịch của Covid-19 và sốt xuất huyết.
Trường hợp người bệnh H.M.T (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một thí dụ. Sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19, T. xuất hiện sốt cao và đau mỏi người, cứ tưởng là phản ứng sau tiêm vắc-xin… đến khi người quá mệt, xuất hiện nhiều ban đỏ mới được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám. Tại đây, qua thăm khám và kết quả xét nghiệm máu, anh được bác sĩ xác định mắc sốt xuất huyết. Từ đầu hè đến nay, tại Hà Nội các ca mắc sốt xuất huyết ban đầu được ghi nhận ở các huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… sau đó lan vào các quận nội thành: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.
PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và điều trị khá nhiều người mắc sốt xuất huyết, trong đó một số trường hợp nặng. Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi-rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người.
Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Còn đối với người mắc Covid-19 có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5 đến 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Khi có một trong những biểu hiện nêu trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Phần lớn người mắc sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng khoảng bảy ngày, tuy nhiên khoảng 5% số người bệnh sẽ có biểu hiện nặng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19. Do đó người dân đặc biệt chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.