Chủ quan, nhiều người trẻ gắn cuộc đời với máy chạy thận
Suy sụp khi biết mắc suy thận giai đoạn cuối
Gần 1 năm nay, N.V.T (35 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải chạy thận 3 buổi/tuần ở BV Hà Đông (Hà Nội). Theo lời T, nhiều năm nay T không đi khám sức khỏe vì chủ quan nghĩ mình trẻ, mọi triệu chứng bất thường đến thoáng qua rồi đi rất nhanh. Chỉ đến khi thấy cơ thể mệt mỏi kéo dài, không thể làm việc được được T mới đi khám.
Tại đây, T sốc khi biết mình đã suy thận ở giai đoạn cuối, có chỉ định phải lọc máu 3 lần/tuần. "Giờ mình sống chung với chiếc máy chạy thận này, thấy thật tiếc, giá như mình đi khám sớm hơn, suy thận ở độ nhẹ hơn thì vẫn còn cơ hội thuốc thang. Các bạn trẻ đừng chủ quan với những thay đổi của cơ thể, nhớ đi khám sớm để không đáng tiếc như mình", T nói.
Theo BSCKII Trần Văn Phú, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do bệnh thận cũng tăng qua các năm. Cụ thể 5 năm trở lại đây tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%. Những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng rõ rệt thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của suy thận phải chỉ định lọc máu cấp cứu và chu kỳ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, những năm gần đây cũng ghi nhận số ca suy thận mạn phải chạy thận tăng. Có những người rất trẻ, chỉ 18 - 20 tuổi đã suy thận mạn, và hầu hết phát hiện muộn.
Tại đây, hơn 3 năm qua, cô gái trẻ N.T.T (26 tuổi, Hà Nội) gắn mình với 3 buổi đều đặn mỗi tuần chạy "lọc máu chu kỳ" để duy trì cuộc sống. T bất ngờ nhận kết quả chẩn đoán suy thận mạn tính giai đoạn cuối khi chớm tuổi 23. Trước nhập viện T chỉ thấy cơ thể vô cùng mệt mỏi.
Triệu chứng suy thận mơ hồ
Theo TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận-Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện rõ ràng như buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ, khó thở, tiểu nhiều hoặc ít… thì bệnh nhân hầu hết đều đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Bởi nếu không được chạy thận nhân tạo sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong.
BS Tuyên cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận có thể có yếu tố di truyền, hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.
Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.
Bên cạnh đó nhiều người trẻ có thói quen dùng các loại thuốc, chế phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, trong đó chứa kim loại nặng gây hại cho thận...
Để phòng bệnh, theo BS Phú, mọi người cần điều trị ổn định các bệnh nền; thực hiện chế độ ăn lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và thể thao phù hợp; cần khám sức khỏe định kỳ hàng năm... để phát hiện sớm bệnh.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Gấp rút phòng dịch bệnh sau bão lũ
Phòng bệnh - 17/09/2024
Gấp rút phòng dịch bệnh sau bão lũ
TP.HCM công bố dịch sởi
Phòng bệnh - 28/08/2024
TP.HCM công bố dịch sởi
Dấu hiệu “báo” ung thư cổ tử cung?
Phòng bệnh - 26/08/2024
Dấu hiệu “báo” ung thư cổ tử cung?
Làm gì để phòng viêm gan B cho trẻ?
Phòng bệnh - 09/08/2024
Làm gì để phòng viêm gan B cho trẻ?
Thanh Hóa ghi nhận thêm 2 ca bệnh bạch hầu
Phòng bệnh - 09/08/2024
Thanh Hóa ghi nhận thêm 2 ca bệnh bạch hầu