Dễ đột quỵ khi giao mùa
Cụ ông 92 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, được gia đình đưa vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Hà Nội, cấp cứu ngày 28/10 trong tình trạng hôn mê, xuất huyết não, phải đặt nội khí quản. Sáng cùng ngày ông dậy sớm, đi qua khoảng sân rộng trước nhà rồi đột ngột gục xuống. Bệnh nhân đang điều trị tại phòng hồi sức tích cực.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với bệnh nhân cao tuổi tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện, cho biết nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột, lúc hanh khô, khi ẩm ướt ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong cơ thể.
Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 4-6 bệnh phối hợp, sức đề kháng suy giảm nên dễ đổ bệnh. Nhiều người có thói quen ra ngoài tập thể dục từ rất sớm, thời tiết thay đổi nên có thể gây đột quỵ, tai biến mạch máu não. Bệnh thường xuất hiện bất ngờ, khó chẩn đoán.
Bác sĩ khuyến cáo trong những ngày thời tiết lạnh, người cao tuổi nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che hoặc, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm... Khi tập, cần căn cứ theo sức chịu đựng, không tập gắng sức.
Tự theo dõi huyết áp của mình nếu có thể, lắng nghe cơ thể để biết cách bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Đột quỵ do nhiều yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim, bệnh van tim... Trong đó, thói quen ăn mặn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng huyết áp. Bình quân mỗi người Việt tiêu thụ 10 g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Ăn muối dưới 5 g mỗi ngày. Ăn nhạt có thể giúp giảm huyết áp. Giảm dầu mỡ trong chế biến món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Theo bác sĩ, người có dấu hiệu đột quỵ nên đặt nằm cao đầu, nằm nghiêng một bên nếu có nôn, rối loạn ý thức. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc. Cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân, lau sạch chất nôn, đờm dãi rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
"Thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị đột quỵ, tai biến là 3 giờ đầu. Trong 6 giờ kể từ khởi phát, người bệnh cần phải được can thiệp kịp thời, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng", bác sĩ Trung Anh cho biết.
Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng hiện còn rất thấp. Trong năm 2016, chỉ 1,5% bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị bằng thuốc. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong 2017 và năm 2018 là 3,5% trong gần 7.000 bệnh nhân được điều trị.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Phòng bệnh - 27/12/2024
Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh