Dự phòng đột quỵ
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết để dự phòng nguy cơ đột quỵ ở cả người trẻ lẫn người già, điều đầu tiên và quan trọng là cần khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, phần lớn người dân ít đi khám, hoặc chỉ khám sức khỏe định kỳ tầm soát chức năng gan, thận, ung thư... Ít ai để ý đến yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Ở người trẻ tuổi, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Dị dạng mạch máu não có thể bẩm sinh hoặc trải qua nhiều năm dị dạng mới hình thành. Có hai phương pháp khảo sát mạch não là chụp cộng hưởng mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não. Nếu phát hiện dị dạng mạch, bác sĩ điều trị nút mạch chủ động trước khi dị dạng bị vỡ.
Bác sĩ khuyên không chỉ người cao tuổi cần chụp kiểm tra mạch máu não mà người trẻ cũng nên chụp tầm soát, tối thiểu một lần. Chi phí khoảng 1,9 đến 2,5 triệu đồng một lần, tùy chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ.
Ngoài ra, siêu âm mạch cảnh cũng có thể tầm soát nguy cơ. Bệnh thiếu máu não do hẹp động mạch cảnh rất phổ biến nhưng ít người để ý để khám và điều trị. Nhiều trường hợp bác sĩ bỏ quên khi khám lâm sàng cho bệnh nhân. Tai biến mạch máu não xảy ra, 25-30% là do hẹp động mạch cảnh.
Động mạch cảnh có kích thước khá lớn, nằm ở cổ, gồm có động mạch cảnh trái và động mạch cảnh phải mà ta có thể sờ thấy được nhịp đập của chúng ở hai bên cổ. Động mạch cảnh có chức năng đưa máu từ tim lên nuôi dưỡng não. Động mạch cảnh bị hẹp là do mảng vữa xơ phát triển dày lên từ thành mạch, làm giảm lưu lượng dòng máu não. Mảng vữa xơ có thể gây nên huyết khối tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch não. Hẹp động mạch cảnh là một trong các nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ nhồi máu não và cơn thiếu máu não thoáng qua.
Bác sĩ khuyến cáo siêu âm mạch cảnh ưu tiên kiểm tra hàng năm, giá chỉ 150-200.000.
Ở người cao tuổi, dấu hiệu đột quỵ thường từ các cơn thiếu máu não thoáng qua, nhưng nhiều người bỏ qua. Khoảng 12% bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó. Bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất để dự phòng đột quỵ là khi có những cơn thiếu máu thoáng qua, bệnh nhân không được chủ quan mà cần đến viện ngay để chẩn đoán, kịp thời điều trị.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết đột quỵ não là bệnh có thể dự phòng bằng các biện pháp chống yếu tố nguy cơ như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp...
Đối với nhóm dự phòng cấp một chưa từng đột quỵ, bệnh nhân cần khám bác sĩ thường quy để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và kiểm soát sớm ngay từ đầu, nhất là những người đái tháo đường, huyết áp, mỡ máu nên đi khám một tháng một lần.
Đối với nhóm dự phòng cấp hai, đã từng bị đột quỵ, bác sĩ nhận định những trường hợp này nguy cơ cao tái phát. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý, giảm ăn mặn để phòng ngừa tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6 g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn. Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.
Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch. Tập thể dục mức độ trung bình là đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút một lần một ngày, 5 ngày một tuần cũng rất hữu ích.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khác gây đột quỵ là thói quen hút thuốc lá, béo phì và lười vận động, tiểu đường, tăng huyết áp, uống rượu bia... Khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi hút thuốc lá. Thuốc lá chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
Đột quỵ não là một trong những bệnh lý tạo ra gánh nặng cho gia đình, xã hội vì chi phí điều trị rất cao và tỷ lệ tàn phế rất nặng. Bệnh có thể phòng bệnh được khi chúng ta phát hiện và điều trị sớm các yếu tố nguy cơ. Các chuyên gia cho biết, một khi đột quỵ đã xảy ra, bệnh nhân cần được nhanh chóng đến bệnh viện vào các đơn vị (trung tâm) đột quỵ để điều trị kịp thời giảm tỷ lệ tử vong, tàn phế. Bác sĩ khuyên mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh tránh nguy cơ đột quỵ nói riêng và các bệnh lý khác nói chung.
Thúy Quỳnh - Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Phòng bệnh - 10/12/2024
Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng bệnh - 05/12/2024
Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Phòng bệnh - 03/12/2024
Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh