Người già dễ đột quỵ khi trời lạnh
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời. Trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ...
Bác sĩ cho biết, đột quỵ có hai dạng là đột quỵ do thiếu máu não (chiếm 80%) và vỡ mạch máu não. Tất cả đều gây tổn thương mạch máu não. Bệnh xuất hiện ở người trẻ và người già, song người cao tuổi có nhiều yếu tố nguy cơ thuận lợi dẫn đến xuất hiện đột quỵ hơn.
Ở đột quỵ thiếu máu não, theo quá trình lão hóa, các mạch máu của người già bị xơ cứng, sức cản lòng mạch cao kèm những rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu... Trong thời tiết lạnh, cơ chế tự điều hòa tuần hoàn não của người cao tuổi trở nên kém hơn. Ngoài ra, người cao tuổi mắc tăng huyết áp trong thời gian dài là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Thông thường, người già đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ.
Người trẻ hay người cao tuổi khi đột quỵ đều có triệu chứng giống nhau, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào vị trí và kích thước của tổn thương não. Triệu chứng ở người già không nổi bật như người trẻ dẫn đến phát hiện chậm, đến viện muộn. Nhiều khi bản thân bệnh nhân cũng không biết mình mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nhận định đột quỵ là một trong những mối e ngại tới sức khỏe cộng đồng. Trước đây, bệnh thường gặp ở nam trên 55, nữ trên 50 tuổi, hiện nay bệnh nhân ngày càng trẻ hơn.
Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng... Đây đều là bệnh lý thường gặp ở người già. Riêng bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
Bác sĩ khuyến cáo, người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Sơ cứu người đột quỵ bằng cách đặt nằm cao đầu, nằm nghiêng một bên nếu có nôn, rối loạn ý thức. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc và gọi ngay cấp cứu.
"Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khởi phát, nếu để muộn hơn thì nguy cơ di chứng nặng", bác sĩ Thắng cho biết.
Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện cấp cứu trong giờ vàng rất thấp. Năm 2016, chỉ 1,5% bệnh nhân vào viện trong khung giờ vàng được điều trị bằng thuốc. Tỷ lệ này tăng lên 2,5% trong năm 2017 và năm 2018 là 3,5%, trong số gần 7.000 bệnh nhân được điều trị.
Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Y học thường thức - 06/08/2024
Điều khác biệt của mùa sốt xuất huyết năm nay
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Y học thường thức - 16/07/2024
Xuất hiện ổ dịch bệnh sởi tại Đắk Lắk
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Y học thường thức - 03/07/2024
Xử trí kiến ba khoang đốt, tránh để lại sẹo thâm
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Y học thường thức - 28/05/2024
Trẻ béo phì có vệt đen vùng cổ, có đáng lo?
Chớ chủ quan với bệnh giời leo
Y học thường thức - 02/05/2024
Chớ chủ quan với bệnh giời leo