Dùng thuốc trị cúm khi nào?

26/05/2020 - Phòng bệnh
Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút cúm truyền qua không khí và xâm nhập vào cơ thể qua mũi hoặc miệng. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm virus cúm. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân... Vậy dùng thuốc trong điều trị cúm thế nào cho đúng.

Nhận biết cúm

Các triệu chứng cúm từ nhẹ đến nặng. Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao 39-40độ C kèm theo rét run, đau cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, cánh tay và chân, nghẹt mũi, sổ mũi, mệt mỏi, đau đầu có thể dẫn tới viêm họng, ho.

Bệnh cúm lây qua đường hô hấp. Khi một người bị cúm ho hoặc hắt hơi, sẽ làm bắn những giọt nước bọt mang virus xâm nhập vào không khí. Bạn có thể bị cúm nếu bạn hít những giọt này qua mũi hoặc miệng, hoặc nếu bạn chạm vào các vật như tay nắm cửa hoặc bàn phím bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của mình.

Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng cúm phát triển đột ngột hơn. Ở nước ta, các virut gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Virus cúm liên tục thay đổi, vì vậy nếu bạn đã từng mắc bệnh cúm trong quá khứ, bạn vẫn có thể bị cúm lại. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm. Các biến chứng thường gặp của cúm như: Nhiễm trùng xoang và tai, viêm phổi, viêm phế quản, làm bùng phát bệnh hen suyễn, viêm mô tim- não hoặc cơ, nhiễm trùng huyết- một phản ứng đe dọa đến tính mạng hoặc tình trạng xấu đi như bệnh tim…

Nếu bạn là người khỏe mạnh, mắc cúm có thể không cần phải có chế độ điều trị đặc biệt, chỉ cần dùng thuốc điều trị các triệu chứng. Người bệnh có thể hồi phục trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm và/hoặc các biến chứng của cúm, đó là: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già trên 65 tuổi, mắc bệnh mãn tính, có hệ miễn dịch suy yếu, có chỉ số khối cơ thể từ 40 trở lên… khi mắc cúm cần phải đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị đúng và kịp thời.

Thuốc điều trị triệu chứng

Khi mắc cúm người bệnh nên nghỉ ngơi, cách ly, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C. Thuốc thường dùng là paracetamol. Cần dùng đúng liều lượng trong hướng dẫn sử dụng, cách 4-6 giờ mới được dùng liều kế tiếp. Không tự ý tăng liều thuốc vì tăng liều sẽ gây tổn thương gan (đây cũng là một tác dụng phụ có hại của thuốc cần lưu ý). Paracetamol không chỉ hạ sốt mà còn làm giảm các triệu chứng nhức đầu, đau mình mẩy, đau nhức cơ bắp… (một số triệu chứng của cúm).

Kết hợp với thuốc trị triệu chứng, người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin...

Thuốc chống virus

Điều trị virus cúm không có thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên trong một số trường hợp có biến chứng nặng, nguy cơ biến chứng cao, bùng phát dịch cúm, các cơ sở y tế có thể sử dụng thuốc chống cúm tamiflu (oseltamivir phosphate) và relenza (zanamivir).

Tamiflu (oseltamivir): Được sử dụng để điều trị cúm do virus cúm gây ra ở những bệnh nhân có triệu chứng ít hơn 2 ngày. Thuốc cũng có thể được đưa ra để phòng ngừa cúm ở những người có thể tiếp xúc nhưng chưa có triệu chứng. Không dùng thuốc này để điều trị cảm lạnh thông thường. Nên bắt đầu dùng thuốc càng sớm càng tốt khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau họng và chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Các triệu chứng có thể bắt đầu cải thiện trước khi nhiễm khuẩn được xử lý hoàn toàn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ... Ngừng thuốc và cần sự trợ giúp khẩn cấp của y tế nếu có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: nổi mề đay, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng, phát ban da đỏ và phồng rộp hoặc bong tróc...

Đối với relenza (zanamivir): Đây là thuốc dạng hít được sử dụng để điều trị và phòng ngừa cúm. Thuốc làm giảm sự lây lan của virus cúm bằng cách ngăn chặn các tác dụng của men neuraminidase (một enzyme được sản xuất bởi các virus cho phép các virus lây lan từ các tế bào bị nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh). Bằng cách ngăn chặn này, các triệu chứng và thời gian nhiễm cúm giảm đi. Tính trung bình, zanamivir làm giảm thời gian của các triệu chứng của một ngày nếu điều trị được bắt đầu trong vòng 48 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu. Cần lưu ý, dạng hít định liều này nên sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir hoặc kháng với oseltamivir, được sử dụng cho bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên. Một số tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc này như đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho, chóng mặt...

Các thuốc cũ như amantadine và rimantadine được phê duyệt để điều trị và phòng ngừa cúm A. Tuy nhiên, nhiều chủng cúm, thậm chí ngay cúm H1N1 cũng đã đề kháng với hai loại thuốc này. Vì vậy, hai thuốc này hiện đã không được khuyến khích sử dụng điều trị cúm trong thời gian gần đây.

Để điều trị cúm, oseltamivir và zanamivir thường được kê đơn dùng 2 lần / ngày trong 5 ngày, mặc dù những người nhập viện vì cúm có thể cần điều trị kháng virus trong thời gian lâu hơn 5 ngày. Người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, số lần dùng trong ngày và theo dõi các bất lợi của thuốc có thể xảy ra báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Phòng cúm như thế nào?

Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vắc xin phòng cúm mùa hàng năm. Vắc xin ngừa cúm sẽ bảo vệ chống lại ba hoặc bốn loại virus cúm phổ biến nhất trong năm đó. Độ tuổi từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa. Tuy nhiên, việc chủng ngừa để phòng ngừa bệnh cúm đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao và/hoặc bị biến chứng nghiêm trọng do cúm như: Nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi. Việc tiêm phòng có những lợi ích quan trọng như có thể giảm bớt bệnh cúm, cũng như ngăn ngừa các trường hợp nhập viện do cúm…

Ngoài việc chủng ngừa, cần thực hành các hành vi vệ sinh tốt có thể ngăn ngừa vi trùng cúm lây lan như:

Rửa tay bằng xà phòng:  Sử dụng xà phòng và nước, chà trong ít nhất 20 giây. Khi không có xà bông, hãy dùng chất sát trùng tay có chất cồn.

Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt bỏ khăn giấy. Nếu bạn không có khăn giấy, hãy ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay của bạn.

Tránh các khu vực đông đúc:  Cúm lây lan dễ dàng hơn ở những nơi đông người như trường học, văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Nếu bạn bị bệnh, hãy ở nhà trong ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.

Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng để tránh vi trùng xâm nhập vào cơ thể.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật như bàn phím, tay nắm cửa và điện thoại có thể bị nhiễm virus.

DS. Thu Hương - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Phòng bệnh - 12/04/2024

Bất cẩn khi cưa nhôm, người đàn ông suýt đứt "của quý"

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Phòng bệnh - 08/04/2024

Xây xước nhỏ khi đá bóng, cậu bé 15 tuổi nhập viện vì mắc vi khuẩn tụ cầu vàng

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Phòng bệnh - 03/04/2024

Hà Nội tiếp tục ghi nhận trẻ nhỏ mắc ho gà

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Phòng bệnh - 01/04/2024

Dấu hiệu nào nhận biết đột quỵ?

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Phòng bệnh - 01/04/2024

Bé 45 ngày tuổi gặp nguy hiểm do rối loạn chuyển hóa acid béo

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới