Những điểm mới trong chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho trẻ em

Theo Nhân Dân 10:40 23/02/2022 - Phòng bệnh
Ngày 22/2, Bộ Y tế ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em" mới nhất. Trong đó, Bộ Y tế thay đổi hướng dẫn về trường hợp bệnh nghi ngờ, xác định và bổ sung việc điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

 

Hướng dẫn này thay thế hướng dẫn được ban hành ngày 8/11/2021 (kèm Quyết định số 5155) và nội dung phân loại yếu tố nguy cơ theo tuổi đối với trẻ em ban hành tại phần 3, Hướng dẫn phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị ban hành kèm theo Quyết định số 5255.

Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em tuy nhiên Covid-19 trẻ em ít gặp hơn, nhưng trong thời gian gần đây đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%).

Trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.

Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em mắc Covid-19 hiếm gặp, gặp ở giai đoạn muộn sau nhiễm SARS-CoV-2 từ 2-6 tuần. Đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong và có xu hướng gia tăng.

Một số thay đổi trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em

Trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế thay đổi hướng dẫn về trường hợp bệnh nghi ngờ và xác định.

Trường hợp bệnh nghi ngờ: Khi trẻ tiếp xúc gần hoặc có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp.

Khi trẻ có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 (trừ trường hợp nêu tại Mục 2.2, điểm b, c và d). 

Trẻ tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau: 

- Trẻ có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền;

- Trẻ đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.

- Trẻ không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.

- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị Ct ≥ 30.

Người có yếu tố dịch tễ bao gồm: Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền; Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động. 

Trường hợp bệnh xác định gồm 4 trường hợp:

- Trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).

- Trẻ tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

- Trẻ có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính.

- Trẻ có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Trong hướng dẫn trước, ca bệnh xác định là tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Về đặc điểm triệu chứng lâm sàng của bệnh nhi mắc Covid-19, so với hướng dẫn trước, Bộ Y tế không thay đổi. 

Trong khi đó, Bộ Y tế bổ sung thêm mức độ trẻ nhiễm không có triệu chứng (không có biểu hiện lâm sàng), cùng với mức độ nhẹ - trung bình – nặng – nguy kịch. Như vậy, có 5 mức độ trong phân độ lâm sàng.

Hướng dẫn này cũng bổ sung việc điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir cho trẻ em. Theo đó, Remdesivir được chỉ định điều trị cho người bệnh nội trú thể nhẹ có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ, hoặc người bệnh suy hô hấp phải thở oxy/thở CPAP/thở oxy dòng cao HFNC/thở máy không xâm nhập. (Trước đó trẻ mức độ nhẹ không dùng).

Trẻ là F0 ở mức độ nhẹ nếu có yếu tố nguy cơ cũng sẽ được cân nhắc điều trị tại cơ sở y tế.

14 yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng nếu trẻ mắc Covid-19 gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; Bệnh gan; Đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống.

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Phòng bệnh - 27/12/2024

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới