Sốt xuất huyết vào mùa

Theo VnExpress 01:09 29/05/2020 - Phòng bệnh
Mùa bệnh sốt xuất huyết vào tháng 6, đạt đỉnh tháng 8. Triệu chứng ban đầu giống sốt thường, nếu không điều trị, diễn tiến nặng nhanh.

Tháng 5, Hà Nội ghi nhận 137 ca số xuất huyết ở nhiều quận, huyện, trong đó hai ổ dịch có nguy cơ lớn ở huyện Thường Tín và Thanh Oai.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tháng 5 tiếp nhận hai ca sốt xuất huyết, thể nhẹ. Trong đó, nam thanh niên 20 tuổi sốt liên tục, ngày thứ 5 mới đi khám, xác định sốt xuất huyết. Ca còn lại là thanh niên 35 tuổi, xuất viện sau vài ngày điều trị. 

TP HCM từ tháng 3 đến nay ghi nhận hàng chục ổ dịch sốt xuất huyết. Các tỉnh phía Nam đang vào mùa mưa, đây là môi trường thuận lợi để muỗi, loăng quăng, bọ gậy sinh sôi gây bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tháng 4 thành phố ghi nhận 121 ca sốt xuất huyết mỗi tuần. Đầu tháng 5 ghi nhận 65 ca sốt xuất huyết.

So cùng kỳ các năm, số ca sốt xuất huyết năm nay giảm 70%. Tuy vậy nguy cơ cao dịch bùng phát, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết chu kỳ từ hai đến bốn năm lại có đợt dịch sốt xuất huyết.

Ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, năm 2017 và 2019 đã xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 10 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 bệnh nhân, gấp ba lần năm 2018. 50 người tử vong, gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, số bệnh nhân đông ngay từ tháng 5-6, diễn biến phức tạp. Chỉ 6 tháng đầu năm đấy, cả nước ghi nhận trên 50.000 ca, 15 người tử vong.

Cao điểm dịch các năm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương quá tải với 200 người khám mỗi ngày, 20% số này phải nhập viện. Hai người phải nằm chung một giường bệnh. Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM tháng 10/2019 hơn 300 bệnh nhân điều trị nội trú, chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân toàn viện. Các khoa phòng phải thêm hơn 30 giường kê tại hành lang do quá tải.

"Theo chu kỳ, năm 2020 không phải là năm có số lượng đông bệnh nhân, tuy nhiên không thể nói trước được điều gì", bác sĩ Thư nhận định.

Hiện, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có triệu chứng lâm sàng sốt virus đều được sàng lọc sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa
Bệnh nhân nằm ghép tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì số giường không đủ đáp ứng, vào đỉnh dịch năm 2017. Ảnh: Giang Huy

Sốt xuất huyết lây truyền qua đường muỗi đốt, khác đường lây Covid-19, không lo lây nhiễm chéo giữa hai bệnh. Thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, các khu vực đông dân cư, cơ sở hạ tầng chưa phát triển là những nơi muỗi sinh sôi. 

Thời gian ủ bệnh 1-2 tuần. Những ngày đầu, triệu chứng giống sốt virus khác, sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, nhức hốc mắt. Từ ngày thứ 5, xuất huyết bắt đầu nặng, có thể dẫn tới rối loạn đông máu, tụt huyết áp, nếu không điều trị kịp thời dễ tử vong. 

Bệnh sốt xuất huyết chủ yếu điều trị bằng cách truyền dịch phòng tránh cô đặc máu và tụt huyết áp. Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người cao tuổi, cần theo sõi sát nếu mắc bệnh.

Tỷ lệ nước trong cơ thể trẻ em nhiều hơn người lớn, mắc sốt xuất huyết có thể dẫn tới mất nước nhanh, diễn tiến nặng. Phụ nữ có thai mắc bệnh có thể gây sảy thai, thai lưu. Đến nay chưa ghi nhận sốt xuất huyết gây dị tật thai nhi. Người cao tuổi có các bệnh lý nền như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, có thể khiến sốt xuất huyết diễn tiến nặng hơn.

Ở giai đoạn đầu, bệnh biểu hiện lâm sàng giống với sốt virus thông thường. Chính vì thế người bệnh dễ chủ quan, chỉ uống thuốc hạ sốt ở nhà mà không đến bệnh viện điều trị. Nếu không được xét nghiệm kịp thời để điều trị, bệnh nhân bị thoát huyết tương, rối loạn đông máu, tiểu cầu giảm, đau vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, đều là diễn tiến nặng.

Ảnh minh họa
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cảnh báo bệnh nhân sốt cao nên đến bệnh viện để thăm khám, xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết kịp thời.

Hiện nay chưa có vaccine phòng sốt xuất huyết. Bệnh nhân đã khỏi có thể mắc lại. Khó khăn trong phòng chống là không phải tất cả người dân đều hưởng ứng phun hóa chất diệt muỗi. Nhiều gia đình chỉ cho phép nhân viên y tế phun xịt muỗi ở tầng một nhà mình mà không cho xử lý ở tầng 2-3 trở lên, có nhà không phun hóa chất diệt muỗi.

Phó giáo sư Nga khuyến cáo thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Người dân cần giữ vệ sinh môi trường, dùng các biện pháp diệt muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài tay ngay cả ban ngày. Vệ sinh ăn uống sạch sẽ. 

Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019 đưa sốt xuất huyết danh sách 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại. Trước đây, bệnh chỉ ghi nhận ở các nước vùng nhiệt đới, nay xuất hiện nhiều hơn tại các vùng cận nhiệt đới, kể cả châu Âu. 

Thúy Quỳnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Phòng bệnh - 27/12/2024

Biến chứng đái tháo đường có nghiêm trọng?

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Phòng bệnh - 10/12/2024

Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng bệnh - 05/12/2024

Người già, trẻ nhỏ khò khè vì thời tiết chuyển lạnh

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Phòng bệnh - 03/12/2024

Phòng ngừa liệt dây thần kinh số 7 cách nào?

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Phòng bệnh - 25/11/2024

Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới