Thủ phạm gây đột quỵ sáng sớm
"Chỉ số huyết áp tăng thêm 5mmHg, sẽ kéo theo thêm 7% nguy cơ đột quỵ", Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết tại Hội nghị khoa học chuyên ngành Tim mạch 2020, ngày 18/12.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp. Có gần 40% không biết bệnh, 69% không được kiểm soát. Bệnh rất dễ phát hiện bằng cách đo huyết áp đơn giản nhưng thường bị bỏ sót, do tăng huyết áp thường không có triệu chứng.
"Trời lạnh, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ đến viện tăng khoảng 20% so với thời tiết bình thường", ông Hiền nói.
Bác sĩ Hiền lý giải, thời tiết lạnh gây co mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp, đặc biệt là buổi sáng. Nhịp sinh học của huyết áp đặc trưng bởi sự giảm huyết áp trong khi ngủ và tăng dần khi thức. Tăng huyết áp buổi sáng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như đột quỵ. Ngay cả những bệnh nhân kiểm soát tốt huyết áp vẫn có đến 50% có huyết áp buổi sáng cao hơn bình thường.
Huyết áp cao có thể gây đột quỵ, mất chức năng não đột ngột do thiếu máu cung cấp cho não. Tăng huyết áp buổi sáng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu khác. Thậm chí nó dẫn đến đau tim hoặc suy tim với các triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau ngực và tê hoặc ngứa ran ở mặt hoặc cánh tay.
Một số nguyên nhân làm tăng huyết áp vào buổi sáng như do nhịp sinh học bình thường của cơ thể vào buổi sáng giải phóng nhiều hormone; do sử dụng thuốc chứa steroid hoặc uống quá nhiều rượu bia cũng có thể gây tăng huyết áp vào sáng sớm.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo, để phòng bệnh tim mạch, đột quỵ bằng cách kiểm soát huyết áp là rất quan trọng. Huyết áp nên được kiểm tra vào buổi sáng, khoảng một giờ sau khi thức dậy và vào buổi tối khoảng một giờ trước khi đi ngủ. Ăn uống lành mạnh, tránh thuốc lá, rượu và hoạt động thể chất thường xuyên sẽ kiểm soát được huyết áp.
"Thời tiết lạnh, nhất là người già nên giữ ấm ấm cơ, tập thể dục trong nhà, ăn ít muối, theo dõi huyết áp, khi chỉ số cao phải thay đổi liều thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh nguy cơ đột quỵ", bác sĩ Hiền nói.
Tiến sĩ Hiền cho biết, bệnh nhân đến khám tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội tăng nhanh mỗi năm. 15 năm trước, bệnh viện mới tiếp nhận hơn 11.000 lượt bệnh nhân đến khám, đến năm 2020 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân, gấp hơn 30 lần. Số người điều trị nội trú cũng tăng gấp gần 14 lần so với trước.
"Cuộc sống áp lực tinh thần, chế độ ăn thay đổi, tuổi thọ nâng cao... là nguyên nhân khiến bệnh tim mạch, đặc biệt là đột quỵ ngày càng nhiều", bác sĩ Hiền nói.
Trước đây, những trường hợp đột quỵ sẽ để lại ảnh hưởng rất lớn, như liệt người, méo miệng, thậm chí tử vong. Nay, các phác đồ điều trị tim mạch hiện đại được cập nhật liên tục, đã cứu sống được nhiều bệnh nhân mà không để lại di chứng.
Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật tim mạch. Thời gian qua bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới, hoàn chỉnh trong lĩnh vực tim mạch với 5 mũi nhọn: Phẫu thuật, can thiệp, nội khoa, nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. Mỗi năm bệnh viện thực hiện chuyển giao nhiều gói kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh, giúp bệnh nhân tại các địa phương thêm cơ hội tiếp cận điều trị.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Phòng bệnh - 25/11/2024
Chứng "đau đầu công sở" tấn công dân văn phòng, bác sĩ chỉ cách phòng tránh
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Phòng bệnh - 24/10/2024
Giao mùa, trẻ viêm màng não nhập viện tăng mạnh
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Phòng bệnh - 22/10/2024
Bí quyết để chăm sóc sức khỏe toàn diện
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Phòng bệnh - 11/10/2024
Tiền mất tật mang vì tiêm khớp gối
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?
Phòng bệnh - 08/10/2024
Tiêm vaccine HPV ảnh hưởng đến sinh sản không?