Cách đơn giản để tránh sốc nhiệt ngoài đường nóng 45 độ

Nhiệt độ ngoài trời nóng như rang dễ khiến người dân bị say nắng, sốc nhiệt, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Hôm nay, Hà Nội tiếp tục là chảo lửa của miền Bắc khi nhiệt độ trong lều khí tượng chạm mốc 40 độ còn nhiệt độ thực tế khi ngoài đường vượt 45 độ.

Đây là đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài nhất từ đầu hè, mức nhiệt 35 độ kéo dài suốt 8 tiếng, từ 10h đến 18h. Trong khi đó độ ẩm lại xuống thấp dưới 44-55% khiến cái nắng như nung.

Trong đợt nắng nóng cao điểm, nhóm người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người lao động ngoài trời, đi ngoài đường lâu… là những đối tượng dễ bị tác động nhất.

Nắng nóng gay gắt khiến hoạt động điều hoà thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn kèm theo hiện tượng mất nước gây ra hiện tượng say nắng, say nóng và nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.

Những ngày qua, số lượng bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì nắng nóng tại BV Lão khoa Trung ương, BV Hữu nghị tăng đột biến.

Nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, từng được điều trị tại BV 108
Nữ bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng, từng được điều trị tại BV 108

BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa cho biết, do người già có sẵn bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường… khi nắng nóng không kịp thích nghi với thay đổi thời tiết nên dễ bị sốc nhiệt hoặc bị biến chứng bệnh nặng hơn.

Tại khoa Thần kinh, BV Hữu Nghị, trong tuần qua tiếp nhận gần 40 bệnh nhân vào viện để điều trị với các bệnh lý như tiền đình, đột quỵ não, viêm phổi, chóng mặt, đau đầu... do thời tiết quá nắng nóng. Trong đó 2 trường hợp đang phải thở máy, 1 bệnh nhân tiên lượng nặng.

Với người khoẻ, khi thời tiết nắng nóng cao điểm như hiện nay cũng không được chủ quan. BS Nguyễn Thị Nga, khoa Hồi sức tích cực, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị sốc nhiệt, nguy kịch do làm việc dưới nắng nóng nhiều giờ.

Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng. Cách đây 1 năm, đã có 2 trường hợp bị sốc nhiệt tử vong do tổn thương nội tạng nghiêm trọng.

Ở giai đoạn ban đầu, bệnh nhân có thể bị say nóng với biểu hiện như: Khát nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, da tái nhợt, thở nhanh.

Nếu không được cấp cứu, hạ thân nhiệt kịp thời, khi triệu chứng chuyển sang choáng váng, buồn nôn, nôn hoặc ngất, sốt cao trên 39-40 độ C, da khô, nóng, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê… là biểu hiện của sốc nhiệt.

BS Nga nhấn mạnh, đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay, đồng thời gọi ngay tới đơn vị cấp cứu để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.

“Việc phát hiện và xử trí tại chỗ khi xảy ra say nắng hoặc sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục”, BS Nga lưu ý.

Khi cấp cứu cho bệnh nhân sốc nhiệt, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai lưu ý, người dân cần nhớ 3bước chính:

Thứ nhất: Phải lập tức đưa nạn nhân vào bóng râm hoặc trong nhà mát mẻ. Nếu bệnh nhân tỉnh, cho uống nước ngay.

Thứ hai, cởi bỏ bớt quần áo nạn nhân, giúp bệnh nhân hạ thân nhiệt bằng nhiều cách: xối nước từ vòi hoa sen lên người, đặt bệnh nhân vào bồn nước, lau toàn thân bằng nước mát, đặt túi chườm đá hoặc khăn ướt vào các vị trí như đầu, cổ, nách, bẹn…

Thứ ba, khi bệnh nhân hạ nhiệt, cần gọi xe cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường vận chuyển, cần mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương, tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể.

Để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời. Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu. Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi làm việc ngoài trời nóng.

Với người già, không ra khỏi phòng điều hoà đột ngột, không để nhiệt độ điều hoà quá lạnh, không nên ra ngoài trời nắng, uống nhiều nước.

Với trẻ em, do khả năng điều hòa thân nhiệt kém, cơ thể không tự điều hòa được thân nhiệt để thích ứng với môi trường xung quanh nên trẻ cần uống đủ nước, trái cây, luôn để trẻ ở những nơi thoáng mát, không nên để trẻ ngồi một mình trên xe, một mình ở nhà hoặc gần cửa sổ đang mở.

Thúy Hạnh

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

Sống lành mạnh - 02/12/2024

Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Sống lành mạnh - 07/11/2024

20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Sống lành mạnh - 25/10/2024

Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới