Cẩn trọng ghẻ lở, nấm da sau lũ lụt

Nấm da, ghẻ, viêm da, ấu trùng da di chuyển... dễ mắc do thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước bẩn hoặc chất thải sinh hoạt trong mùa mưa lũ.

Bác sĩ Trần Hạnh Vy, khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết vào mùa mưa lũ, các loại chất thải bị cuốn theo như rác sinh hoạt, chất thải của động vật... làm cho nước bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da phát triển. Khi con người tiếp xúc nhiều với nước nguồn nước này dễ mắc một số bệnh ngoài da như nấm da, viêm da mủ, viêm nang lông, viêm kẽ, ghẻ, ấu trùng di chuyển.

Triệu chứng ban đầu như ngứa, nổi mụn nước hoặc mụn mủ, da mẩn đỏ, kích thích gây khó chịu. Khi vết thương ăn sâu khiến tình trạng da trở nên nặng hơn, sưng, đau, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt.

Nấm da

Nguyên nhân gây nấm do tay hoặc chân tiếp xúc với nước thường xuyên. Bệnh đi liền với các triệu chứng là mảng bợn màu trắng đục xuất hiện ở các kẽ chân, hơi ẩm ướt hoặc là mảng đỏ da bong vảy, mụn nước gây ngứa ngáy. Tổn thương lan rộng tùy vào mức độ vi nấm nặng nhẹ khác nhau.

Điều trị nấm da cần sự kiên trì. Người bệnh nên giữ sạch chân, tay, mang giày thoáng, hạn chế tiếp xúc hay ngâm nước, sau khi đụng nước thì lau sạch, bôi thuốc trị nấm theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh do ấu trùng di chuyển

Bệnh do trứng của giun sán tồn tại trong đất cát nở thành ấu trùng và xâm nhập vào da người, di chuyển trên da với tốc độ vài centimet một ngày. Chúng di chuyển ngay dưới lớp sừng tạo thành đường ngoằn ngoèo hơi nổi cao, rộng khoảng 2-3mm. Số lượng tổn thương phụ thuộc vào số lượng ấu trùng xâm nhập. Vị trí hay gặp ở cẳng chân, mông, quanh hậu môn, tay.

Khi bị ấu trùng xâm nhập, bạn có thể có cảm giác ngứa râm ran, kích thích trong vòng 30 phút. Các ấu trùng có thể sau đó nằm im cả tuần hoặc cả tháng hoặc ngay lập tức bắt đầu hoạt động từ từ tạo ra hang rộng 2-3 mm, kéo dài 3-4 cm mỗi ngày từ vị trí xâm nhập. Nếu có nhiều ấu trùng cùng tham gia thì tổn thương biểu hiện ngoằn ngoèo quanh co đa dạng.

Trong hầu hết trường hợp, các tổn thương sẽ tự khỏi trong vòng 4-8 tuần. Tuy nhiên, nếu can thiệp điều trị sẽ rút ngắn quá trình của bệnh, giảm ngứa sau 24-48 giờ điều trị.

Ghẻ

Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh từ người sang người. Bệnh do ký sinh trùng có tên gọi Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da, gây sẩn hồng ban mụn nước, rãnh ghẻ.

Vị trí hay gặp là kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, lưng quần, vùng bụng, mặt trong đùi, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách. Hiếm khi thấy ghẻ trên lưng, mặt. Ghẻ chủ yếu gây ngứa và khó chịu cho người bệnh hoặc mất thẩm mỹ nếu vết thương kéo dài không khỏi.

Điều trị bệnh ghẻ cần vệ sinh cá nhân và bôi thuốc trị ghẻ theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, cần tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người, đặc biệt những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. Giặt quần áo,ga, gối bằng cách luộc hoặc phơi nắng, ủi hai mặt để đảm bảo vệ sinh.

Ghẻ ngứa xuất hiện ở khe ngón tay, bàn tay, quanh rốn... Ảnh: WebMD.
Ghẻ ngứa xuất hiện ở khe ngón tay, bàn tay, quanh rốn... Ảnh: WebMD.

Một số bệnh khác như viêm kẽ do vi khuẩn thường gặp ở người béo phì, xuất hiện ở hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Nguyên nhân do ít vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Hay bệnh chốc do điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất dễ bị tổn thương da gây những mụn mủ, bóng mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Bệnh cần điều trị sớm tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận.

Bệnh viêm da tiếp xúc do tiếp xúc với nguồn nước có nhiễm hóa chất gây đỏ da, mụn nước, rất ngứa. Bệnh không lây nhiễm. Hay viêm nang lông so thiếu nước sạch, tắm gội vi khuẩn, vi nấm phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những sẩn đỏ, mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, lâu ngày dẫn đến tình trạng chàm hóa rất khó chữa.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chăm sóc và bảo vệ da kỹ hơn trong mùa mưa bão. Một số bệnh có thể tự khỏi song đa số đều phải điều trị thuốc, nhất là với làn da nhạy cảm hoặc từng có tiền sử mắc bệnh về da.

Khi nước rút, người dân cần dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh, ăn chín uống sôi và dùng nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế lội hay ngâm mình trong nước bẩn. Nếu bắt buộc phải lội, bạn nên đi giày, ủng, găng tay để bảo vệ da.

Khi vết thương lan rộng, bạn nên hạn chế gãi và đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh đúng cách.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Hàng chục học sinh ở Khánh Hòa nhập viện sau khi ăn sáng từ hàng rong

Hàng chục học sinh ở Khánh Hòa nhập viện sau khi ăn sáng từ hàng rong

Sống lành mạnh - 10/04/2024

Hàng chục học sinh ở Khánh Hòa nhập viện sau khi ăn sáng từ hàng rong

Ăn gan lợn có độc không?

Ăn gan lợn có độc không?

Sống lành mạnh - 08/04/2024

Ăn gan lợn có độc không?

Những điều cần biết khi nhịn ăn để giảm cân

Những điều cần biết khi nhịn ăn để giảm cân

Sống lành mạnh - 04/04/2024

Những điều cần biết khi nhịn ăn để giảm cân

Nguyên nhân khiến 659 người bị ngộ độc thực phẩm trong 3 tháng đầu năm

Nguyên nhân khiến 659 người bị ngộ độc thực phẩm trong 3 tháng đầu năm

Sống lành mạnh - 03/04/2024

Nguyên nhân khiến 659 người bị ngộ độc thực phẩm trong 3 tháng đầu năm

Đã xác định được vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh

Đã xác định được vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh

Sống lành mạnh - 19/03/2024

Đã xác định được vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới