Chế độ ăn giàu Protein gây hại cho thận ở người khỏe mạnh?

19/07/2020 - Sống lành mạnh
Một chế độ ăn giàu protein thường được khuyến cáo là cách giảm cân, nhất là giúp tăng cơ ở những người tập gym. Tuy nhiên, hai nghiên cứu mới gần đây chỉ ra rằng: Chế độ ăn giàu protein có thể gây hại cho thận, ngay cả ở những người có chức năng thận bình thường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Hai nghiên cứu này được tiến hành ở Hà Lan và Hàn Quốc, đã được công bố trực tuyến trên tạp chí Ghép thận nhân tạo mới đây.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu protein có thể gây hại cho chức năng thận và đó là lý do tại sao các bác sĩ chuyên khoa thận khuyên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn đầu nên gắn bó với chế độ ăn ít protein.

Giáo sư, Tiến sĩ, Kamyar Kalantar-Zadeh, Trưởng Khoa Thận & Tăng huyết áp của hệ thống y tế UCI, đồng thời là Chủ tịch hiệp hội quốc tế về dinh dưỡng và chuyển hóa thận cùng các đồng nghiệp trong một bài báo cáo đi kèm đã chỉ ra rằng có nhiều những người bị bệnh thận mạn tính nhẹ mà chưa được chẩn đoán hoặc những người có nguy cơ cao với bệnh thận mạn tính có thể theo xu hướng ăn chế độ ăn giàu protein vì họ tin rằng chế độ ăn như vậy tốt cho sức khỏe. Báo cáo viết: "Xu hướng chế độ ăn giàu protein đã nổi lên như một xu hướng ăn uống ưa thích, lành mạnh và an toàn vào giai đoạn đầu của thế kỷ 21".

Một số chế độ ăn đặc biệt được kể đến như như chế độ ăn Atkins, Zone, South Beach và Ketogen mà "trong đó lượng protein hàng ngày tăng lên từ 20% đến 25% hoặc cao hơn nữa trong tổng lượng năng lượng hàng ngày. Các chế độ ăn này dựa trên lý giải rằng: nhiều protein giúp “hồi sinh” của tinh thần bản năng tổ tiên săn bắt của chúng ta và các chế độ ăn này sẽ giúp duy trì cơ bắp săn chắc và giảm khối lượng mỡ".

Nhưng với hai nghiên cứu mới này và các dữ liệu khác, đã đến lúc gỡ bỏ bức màn bí ẩn và cùng nhau làm rõ rằng chế độ ăn giàu protein không an toàn như vẫn tuyên bố, vì chế độ ăn như vậy có thể ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động của thận và nhanh dẫn đến suy giảm chức năng thận ở những người có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao.

Do đó, các nhà nghiên cứu tóm tắt trong báo cáo: "Nên thận trọng khi tư vấn và tránh khuyến nghị ăn nhiều protein để giảm cân ở bệnh nhân béo phì hoặc bệnh nhân đái tháo đường, hoặc những người có biến cố tim mạch trước đó, hoặc biến cố thận đơn độc nếu hoạt động của thận không thể được bảo vệ đầy đủ".

Tác giả cao cấp của ban biên tập, Tiến sĩ Denis Fouque thuộc Bệnh viện Trung tâm Lyon-Sud, Pháp, trong một thông cáo báo chí do Hiệp hội Lọc máu và Ghép thận Châu Âu (ERA-EDTA) phát hành cho biết: "Điều cần thiết là mọi người biết tới có một khía cạnh khác của chế độ ăn giàu protein và bệnh thận phải luôn luôn được loại trừ trước khi bệnh nhân thay đổi thói quen ăn uống và áp dụng chế độ ăn giàu protein".

Nghiên cứu từ Hà Lan: Protein trong chế độ ăn, nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn sớm cao nhất ở những người mắc bệnh đái tháo đường

Trong nghiên cứu được tiến hành tại Hà Lan, Tiến sĩ Kevin Esmeijer, thuộc Trung tâm Y tế Đại học Leiden, Hà Lan và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu chế độ ăn uống bằng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm từ 4837 bệnh nhân trong khoảng 60-80 tuổi có tiền sử nhồi máu cơ tim liên quan đến Thử nghiệm Alpha Omega .

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Tại thời điểm bắt đầu và 41 tháng theo dõi, chúng tôi tiến hành đo cystatin C huyết thanh (cysC) và creatinine huyết thanh từ các mẫu máu được lưu trữ".

Tuổi trung bình của nghiên cứu đoàn hệ này là 69 tuổi và mức lọc cầu thận (eGFR) trung bình là 82 mL/phút /1,73m2. Như các tác giả đã chỉ ra, so với dân số chung, những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim có tỷ lệ suy giảm chức năng thận hàng năm cao gấp đôi và do đó có nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính cao hơn.

Trong toàn bộ nghiên cứu đoàn hệ này, tổng lượng protein trung bình là 71 g/ngày, trong đó khoảng hai phần ba là từ protein động vật và phần ba còn lại từ thực vật.

Các phân tích chỉ ra rằng tổng lượng protein mỗi ngày có liên quan tỷ lệ nghịch với tỷ lệ suy giảm chức năng thận hàng năm. Sự thay đổi hàng năm của chỉ số mức lọc cầu thận đã tăng gấp đôi ở những bệnh nhân có tổng lượng protein hàng ngày nhiều hơn 1,20 g/kg trọng lượng cơ thể lý tưởng, so với lượng tiêu thụ ít hơn 0,80 g/kg.

Cụ thể, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu, sự thay đổi hàng năm của mức lọc cầu thận ở những người có tổng lượng protein ăn vào hàng ngày cao nhất là 1,60 mL/phút/1,73m2 so với 0,84 ml/phút/1,73m2 đối với những người có tổng lượng protein ăn vào hàng ngày thấp nhất.

Và nghiên cứu cũng chỉ ra: Với mỗi bước nhảy tăng lên của lượng protein động vật ăn vào hàng ngày là 0,1 g/kg trọng lượng cơ thể lý tưởng, đã có sự sụt giảm thêm về mức lọc cầu thận tương ứng với 0,12 ml/phút/1,73m2 mỗi năm.

Các phân tích phân nhóm nhỏ hơn cũng chỉ ra rằng mối liên quan giữa lượng protein và sự suy giảm mức lọc cầu thận mạnh hơn gấp ba lần ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường so với những người không mắc bệnh đái tháo đường.

Nhóm tác giả kết luận: "Mặc dù thực tế là bệnh nhân của chúng ta được điều trị bằng thuốc tiên tiến nhất, chúng tôi vẫn quan sát thấy thêm tác dụng có lợi của việc chế độ ăn ít protein đối với chức năng thận".

Nghiên cứu tại Hàn Quốc: Lượng protein cao hơn và nguy cơ độc lập đối với quá trình lọc máu thận

Trong nghiên cứu của Hàn Quốc, Tiến Sĩ Jong Hyun Jhee, thuộc Viện nghiên cứu bệnh thận, Đại học Yonsei, Seoul và các đồng nghiệp đã phân tích tác động của chế độ ăn giàu protein đối với quá trình lọc máu thận và suy giảm chức năng thận ở 9226 người tham gia từ dữ liệu gen của Hàn Quốc (Korean Genome) và nghiên cứu dịch tễ học.

Bệnh nhân được phân loại thành bốn nhóm tương ứng với lượng protein hàng ngày được đánh giá bằng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm. Tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 52 tuổi và thời gian theo dõi trung bình là 11,5 năm.

Trong số bốn nhóm phân chia theo lượng protein hàng ngày, các nhà nghiên cứu cho biết: mức lọc thận (được định nghĩa là eGFR với tỷ lệ phần trăm> 95% sau khi điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu) tăng cao hơn đáng kể ở nhóm tiêu thụ protein cao nhất, ở mức 6%, so với 5,2% ở nhóm tiêu thụ protein thấp nhất (P = 0,02).

Và mức giảm trung bình hàng năm của mức lọc cầu thận (eGFR) lại cao nhất, ở mức 2,34 ml/phút/1,73m2, trong nhóm những người tiêu thụ hàm lượng protein hàng ngày cao nhất, so với ở mức 2,01 ml/phút/1,73m2 trong nhóm những người tiêu thụ protein thấp nhất trong chế độ ăn(P = 0,02).

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét liệu tiêu thụ lượng protein cao hơn có liên quan đến nguy cơ suy giảm chức năng thận nhanh hơn hay không, kết quả được xác định bằng mức sụt giảm mức lọc cầu thận > 3 mL/phút/1,73m2 mỗi năm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trong nhóm tiêu thụ protein cao nhất có nguy cơ giảm mức lọc cầu thận nhanh hơn 32% mỗi năm so với những người trong nhóm nhóm tiêu thụ protein thấp nhất (P = 0,03).

Jong Hyun Jhee và các đồng nghiệp sau đó đã thực hiện các bước tiếp theo để kiểm chứng chéo các phát hiện của họ. Đầu tiên, họ chia đoàn hệ thành nhóm những người có và không có tăng mức lọc thận và quan sát thấy rằng lượng protein trung bình hàng ngày cao hơn ở những người tham gia bị tăng mức lọc thận so với những người không tăng (P = 0,02).

Sau đó, họ phát hiện ra rằng sự suy giảm chức năng thận nhanh hơn chỉ xảy ra ở những người bị tăng huyết áp từ trước.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng: "Những phát hiện này khiến chúng tôi kết luận rằng chế độ ăn giàu protein có thể là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với tăng mức lọc thận có thể làm tăng tốc độ suy giảm chức năng thận".

Chế độ ăn của người phương Tây chứa quá nhiều protein

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Trong bài báo cáo của mình, GS. TS Kamyar Kalantar-Zadeh và các đồng nghiệp cũng lưu ý rằng hai nghiên cứu mới còn một số điểm hạn chế như "cần được đánh giá lại chất lượng của dịch tễ học tự nhiên, và mối liên hệ có thể không tương đương với quan hệ nhân quả". Và việc sử dụng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm trong cả hai nghiên cứu cũng có thể là một hạn chế được quan sát thấy. Hơn nữa, "mức lọc cầu thận có thể chưa được đánh giá một cách đầy đủ và đáng tin cậy chỉ bởi các giá trị eGFR".

Mặc dù có những hạn chế này, các nghiên cứu mới vừa nêu đều cho thấy ý nghĩa của việc tiêu thụ lượng protein cao hàng ngày có thể có tác động xấu đến chức năng thận trong dân số nói chung.

Lượng protein trong chế độ ăn uống được khuyến nghị chỉ là 0,8 g/kg/ngày và nhu cầu về protein thực tế thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 0,6 g/kg/ngày, mức độ này đã cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu phục vụ hoạt động hàng ngày của con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: "Tuy nhiên, hầu hết người trưởng thành hiện tại ở xã hội phương Tây ăn vào từ 1,0 đến 1,4 g/kg/ngày protein", "và lượng protein có thể cao tới 20% đến 25% tổng nguồn năng lượng hàng ngày" - cao hơn đáng kể so với khuyến nghị 10% đến 15% theo hầu hết các hướng dẫn.

Cuối cùng, thông qua các dữ liệu mới, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: "Các dữ liệu từ các nghiên cứu mới trên các nhóm cá nhân và dân số cho thấy tình trạng Tăng lọc cầu thận (glomerular hyperfiltration) liên quan đến chế độ ăn giàu protein có thể dẫn đến nguy cơ mắc suy thận mãn tính giai đoạn sớm cao hơn hoặc có thể đẩy nhanh tiến triển của suy thận mãn tính từ trước"

DS. Trần Ngọc Thịnh - Tạp chí Dược Mỹ phẩm

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Gần 100 người ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Yêu cầu đình chỉ bếp ăn, điều tra xử lý

Gần 100 người ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Yêu cầu đình chỉ bếp ăn, điều tra xử lý

Sống lành mạnh - 17/05/2024

Gần 100 người ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai: Yêu cầu đình chỉ bếp ăn, điều tra xử lý

Cụ bà 90 tuổi nguy kịch vì hóc hạt hồng xiêm

Cụ bà 90 tuổi nguy kịch vì hóc hạt hồng xiêm

Sống lành mạnh - 15/05/2024

Cụ bà 90 tuổi nguy kịch vì hóc hạt hồng xiêm

Sử dụng hàn the khi làm chả, người phụ nữ bị phạt 45 triệu đồng

Sử dụng hàn the khi làm chả, người phụ nữ bị phạt 45 triệu đồng

Sống lành mạnh - 15/05/2024

Sử dụng hàn the khi làm chả, người phụ nữ bị phạt 45 triệu đồng

Hàng trăm công nhân tại Vĩnh Phúc phải cấp cứu, nghi ngộ độc

Hàng trăm công nhân tại Vĩnh Phúc phải cấp cứu, nghi ngộ độc

Sống lành mạnh - 15/05/2024

Hàng trăm công nhân tại Vĩnh Phúc phải cấp cứu, nghi ngộ độc

Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Sống lành mạnh - 14/05/2024

Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới