Mất mạng vì bát tiết canh, nguy kịch sau ăn gỏi cá
Hệ lụy từ những món khoái khẩu
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị cho nam bệnh nhân trẻ tuổi tên T.Đ.T, trú ở Yên Bái. Nam thanh niên này ngứa khắp người, kèm theo sốt, chóng mặt và mẩn đỏ, phát ban dưới da.
Một ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thậm chí, dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng có thấy rõ hình ảnh ngoằn ngoèo của ký sinh trùng di chuyển. T được chẩn đoán nhiễm giun sán ký sinh trùng.
Trực tiếp điều trị cho T, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi hội chẩn, T được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30cm.
Không chỉ nhiễm giun rồng, T còn dương tính với khá nhiều loại giun sán khác như: Sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo… cần điều trị dài lâu. Được biết, T có sở thích ăn gỏi cá sống.
BS Thiệu cho biết, tại đây cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng bắt nguồn từ sở thích, thói quen ăn đồ tái, đồ sống.
Trường hợp bệnh nhân L.V.V (58 tuổi) đến viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ đùi phải là ví dụ. Kết quả chụp X-Quang khiến các bác sĩ choáng bởi hình ảnh nhiều sán nằm ở các cơ. Ông V cũng có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh.
"Việc ăn những món tái, sống là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể. Khi ăn phải ấu trùng sán, chúng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh", BS Thiệu cho biết.
Không may mắn như hai bệnh nhân trên, cách đây ít ngày, L.Đ.T (41 tuổi, Thanh Hóa) đã ra đi vĩnh viễn sau 10 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trước đó, anh T đã ăn hai bát tiết canh lợn, được chế biến tại nhà từ nguồn thực phẩm mua ở chợ.
Cần thay đổi thói quen
TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận định, chính thói quen hay sở thích ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh của nhiều người là nguyên nhân gây ra các bệnh ký sinh trùng, nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân bị mẩn đỏ, phát ban dưới da do nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Thậm chí, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán. Khi mắc ký sinh trùng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm đường mật cấp tính, áp-xe gan, viêm túi mật, hoặc tụ máu dưới bao gan…
BS Lê Văn Thiệu cũng khuyến cáo, nhiều bệnh nhân cho rằng tiết canh lợn, vịt, gà nhà nuôi là sạch nên vẫn vô tư ăn, mà không biết rằng chúng hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm sán và các mầm bệnh nguy hiểm khác như: Tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn.
"Chúng ta là nước nông nghiệp nên việc chăn nuôi, giết mổ lợn là không thể hạn chế. Vì vậy trong quá trình tiếp xúc với lợn, người dân nên đặc biệt chú ý đeo găng tay và khẩu trang.
Bản chất vi khuẩn liên cầu lợn quần cư ở trên đường hô hấp của lợn, nên không có gì có thể loại bỏ vi khuẩn đó mà chỉ có cách là phòng tránh để hạn chế lây nhiễm vào người.
Bệnh liên cầu lợn hiện chưa có vaccine, nên ăn chín uống sôi rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn lợn chết, lợn bệnh; không ăn các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín, nhất là tiết canh lợn", BS Thiệu nói.
Phòng ngừa tốt nhất là "ăn chín, uống sôi"
Theo TS Hoàng Đình Cảnh, để phòng nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn, điều quan trọng nhất là mỗi người cần thay đổi thói quen ăn đồ tái sống, cần đảm bảo an toàn thực phẩm, "ăn chín, uống sôi"; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa…
Khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng, đôi khi ho ra máu cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/mat-mang-vi-bat-tiet-canh-nguy-kich-sau-an-goi-ca-192240809104708343.htm
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Sống lành mạnh - 08/10/2024
Sinh viên tố ăn cơm canh thừa: ĐH Bách khoa HN dừng hợp đồng đơn vị cung cấp suất ăn
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ
Sống lành mạnh - 01/10/2024
Phát hiện cơ sở đang chế biến 1.000 lít mỡ, 1,7 tạ tóp mỡ trái phép chờ tiêu thụ