Một quả cà, ba thang thuốc
Đó là lời một bà mẹ dặn con (và khuyên con chớ có tơ tưởng tới món cà thông dụng). Có lẽ khá nhiều người trong số chúng ta vẫn hiểu như cách hiểu của bà mẹ nọ. Cà là món ăn dân dã, rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam. Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương (ca dao). Ngày xưa, ai đó đi làm đồng lỡ bữa không về nhà được, họ vẫn thường đem theo mo cơm nắm với mấy quả cà, thêm ít muối vừng. Thế là có thể yên tâm không lo đói mà làm suốt buổi. Cà pháo đem muối xổi (chấm mắm tôm), muối nén (ăn dần), làm rau ăn ghém... đều rất thú vị. Từ ngàn xưa, mọi người dân nông thôn Việt vẫn coi "tương cà là gia bản" (hai món tương và cà là quan trọng nhất trong bữa ăn). Ấy vậy mà người ta lại cho rằng đó là món ăn “độc”, phải kiêng kị, ốm gì cũng phải kiêng. Lạ thật! Bởi không ít người vẫn cho rằng cà là món ăn thực vật phổ cập, ngon lành, dễ ăn và hoàn toàn vô hại.
Đó là một cách giải nghĩa. Còn một cách hiểu thứ hai. Theo lời lương y (kiêm nhà ngôn ngữ) Nguyễn Khắc Bảo (hiệu Lang Chọi, Bắc Ninh) thì câu tục ngữ này khuyên ai đó đang ốm, phải uống thuốc thì chớ ăn cà. Bởi cà nén có vị chát, khi ngấm nhiều muối sẽ tạo ra một “độc vị” gây phản tác dụng cho các loại thuốc điều trị. Hiện tượng “công thuốc” này không có gì lạ. Có rất nhiều loại thực phẩm mà người ta phải kiêng khi sử dụng thuốc chữa bệnh, trong đó cà cần phải đưa vào danh sách đặc biệt phải lưu ý.
Nhưng trong một số đợt đi điền dã ở miền Trung, thì các già làng ở đây lại đưa ra một cách hiểu riêng, tuy không khác hoàn toàn nhưng cũng không trùng khớp với hai cách hiểu trên. Theo các cụ thì, câu nói này nhằm nhắc nhở ai đó khi ốm đau phải hết sức thận trọng, kiêng tránh nhiều thứ, nhưng đặc biệt lưu ý chuyện ăn uống. Bệnh từ miệng vào mà. Khi ốm đau, người ta thường lo cho người bệnh ăn uống, tẩm bổ nhiều, hi vọng thêm năng lượng, chóng khỏi, chóng khỏe. Nhưng coi chừng, thức ăn lung tung có khi lợi bất cập hại. Ăn không đúng lúc, đúng cách, đúng khẩu vị thì chính điều đó sẽ là mầm tai vạ. “Thôi đang ốm, đừng ăn linh tinh cháu ạ. Thèm thì sau này sẽ có món mà cháu thích chứ cái thứ thịt trâu già ấy mà cháu ăn bây giờ coi chừng đấy. Bụng dạ tháo tỏng ngay. Một quả cà, ba thang thuốc, tham thực cực thân. Một miếng ăn liều là chiêu thuốc độc”. Như vậy, quả cà ở đây chỉ là một “tiêu bản” đem ra làm ví dụ cụ thể để nhắc nhở người đời về thái độ cần có trong ăn uống. Có thể ăn cà khi ốm độc thật. Song có lẽ, không chỉ có cà mà tùy loại, còn nhiều thức ăn có vấn đề khác cần lưu ý đối với người bệnh. Ngay cả những món ngon, giàu bổ dưỡng (như thịt gà, ba ba, cá chép hay rau muống, rau cải, rau thơm,...) mà nhiều người khi ốm đau, bác sĩ cũng yêu cầu phải kiêng đấy. Sẽ là không hoàn toàn hợp lí nếu ai đó chỉ cấm con ăn cà, còn các thứ khác (như thịt trâu, thịt chó, cá mú, tôm, cua, ốc, hến, lươn, chạch...) thì có thể ăn được [Trong y học, có thuật ngữ “chống chỉ định”, tức là cấm dùng thuốc trong những điều kiện không cho phép, trong đó có việc tránh dùng thuốc với các loại thức ăn gây phản ứng có hại].
Đó là ba cách cắt nghĩa về một câu tục ngữ, thực ra cũng không có gì đặc biệt lắm. Tôi đã tra khá nhiều từ điển mà chưa thấy ai giải thích cặn kẽ câu này cả. Cái khó là cách giải nghĩa câu này không chỉ liên quan đến triết lí nhân sinh, đến những lẽ thường ở đời mà còn có vấn đề của y học dân gian. Tôi cũng chưa dám khẳng định cách hiểu nào là có cơ sở hơn. Thôi đành qua tạp chí Dược & Mỹ phẩm để bày tỏ suy nghĩ của riêng mình và mong mọi người góp ý thêm. Trong lúc tranh luận chưa ngã ngũ thì tôi và nhiều người khác (khi ốm) vẫn ung dung ăn món cà muối cổ truyền như không có chuyện gì xảy ra. Vừa ăn, họ vừa ngâm nga hai câu ca dao quen thuộc:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương...
PGS. TS. Phạm Văn Tình - Tạp chí Dược Mỹ phẩm
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Một cụ ông 71 tuổi tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
Sống lành mạnh - 02/12/2024
Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm từ tiệm bánh mì, còn 100 bệnh nhân chưa xuất viện
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Sống lành mạnh - 07/11/2024
20 bé mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột ở Lai Châu hiện ra sao?
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Làm xét nghiệm nào cần nhịn ăn sáng?
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?
Sống lành mạnh - 25/10/2024
Nên ăn hoa quả lúc đói hay lúc no?